Quốc hội thảo luận ở Hội trường về kinh tế - xã hội

29/10/2022 06:00

Trong 2 ngày (27-28/10), dưới sự chủ tọa của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và sự điều hành nội dung của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội tiến hành thảo luận ở Hội trường về: Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2022, dự toán ngân sách nhà nước, kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2023.
ĐBQH Phạm Đình Thanh phát biểu thảo luận. Ảnh: HN

 

Phát biểu tham gia ý kiến thảo luận, đại biểu Quốc hội Phạm Đình Thanh thống nhất với nội dung Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ; đánh giá cao sự lãnh đạo, điều hành kịp thời, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và những thành tựu, kết quả đã đạt được từ đầu năm 2022 đến nay.

Từ đầu năm đến nay, ngoài việc tập trung lãnh đạo thực hiện hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng-an ninh, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan cũng đã chuẩn bị đầy đủ, cụ thể về mọi mặt để tham mưu Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 23-NQ/TW ngày 6/10/2022 về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Cử tri các tỉnh Tây Nguyên bày tỏ sự đồng thuận rất cao với quan điểm, mục tiêu và các nhóm nhiệm vụ, giải pháp được Bộ Chính trị xác định tại Nghị quyết 23-NQ/TW như phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông, xây dựng vùng Tây Nguyên thành các vùng sản xuất lớn về cây công nghiệp, cây ăn quả, rau hoa và là trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước; có chính sách phù hợp phát triển kinh tế rừng, kinh tế dưới tán rừng, thí điểm cho thuê môi trường rừng để nuôi trồng, phát triển cây dược liệu.

Để kịp thời khắc phục những tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra trong báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra Ủy ban Kinh tế của Quốc hội; triển khai thực hiện hiệu quả nghị quyết của Đảng, nghị quyết của Quốc hội, nhất là các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp được Bộ Chính trị đề ra tại Nghị quyết 23-NQ/TW,  đại biểu Phạm Đình Thanh đề nghị một số nội dung sau:

Thứ nhất, đề nghị Quốc hội, Chính phủ khẩn trương chỉ đạo khắc phục những tồn tại, hạn chế dẫn đến giải ngân vốn đầu tư công, triển khai thực hiện một số chính sách thuộc chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội và 3 chương trình mục tiêu quốc gia còn chậm. Cần quan tâm nghiên cứu, đẩy mạnh phân cấp trong phê duyệt danh mục dự án hằng năm thuộc chương trình mục tiêu quốc gia cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện theo nguyên tắc đẩy mạnh phân cấp, trao quyền cho địa phương mà Chính phủ đã đề ra tại Nghị định 27/NĐ-CP ngày 19/4/2022, đảm bảo đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, thực hiện hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia.

Đề nghị Quốc hội, Chính phủ sớm quan tâm đầu tư đồng bộ hạ tầng giao thông kết nối Tây Nguyên với các vùng Đông Nam Bộ, với các tỉnh khu vực Duyên hải miền Trung, các trung tâm kinh tế lớn trong cả nước và với khu vực tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia.

Thứ hai, để chuẩn hóa hồ sơ hiện trạng rừng và đất lâm nghiệp đồng bộ với quy hoạch sử dụng đất, phù hợp với thực tế để tích hợp vào quy hoạch lâm nghiệp quốc gia, quy hoạch tỉnh, đề nghị Chính phủ xem xét giao cho các tỉnh Tây Nguyên chủ động thực hiện điều tra, kiểm kê rừng, phân bố chỉ tiêu rừng và đất lâm nghiệp làm cơ sở triển khai các quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Thứ ba, đề nghị Chính phủ và Bộ Công Thương trong quá trình tổng hợp, xây dựng, phê duyệt Quy hoạch điện VIII có sự quan tâm đối với đề xuất, kiến nghị của các tỉnh Tây Nguyên, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các tỉnh Tây Nguyên khai thác tốt nhất tiềm năng, lợi thế hiện có về nguồn năng lượng tái tạo để đầu tư phát triển các dự án lớn về điện gió, điện mặt trời, nhằm từng bước đưa Tây Nguyên trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước như Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị đã đề ra.

Thứ tư, cho phép tỉnh Kon Tum thực hiện thí điểm việc thuê môi trường rừng để nuôi trồng, phát triển dược liệu, góp phần phát triển sâm Ngọc Linh trở thành sản phẩm quốc gia. Vấn đề này tại Hội nghị về đầu tư phát triển sâm Ngọc Linh và các dược liệu khác tổ chức tại tỉnh Kon Tum năm 2018, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đồng ý về chủ trương; Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum đã trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về phương án thí điểm trồng sâm Ngọc Linh và dược liệu dưới tán rừng đặc dụng kết hợp với bảo vệ rừng bền vững. Trên cơ sở đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã trình Thủ tướng Chính phủ về Đề án thí điểm cho thuê môi trường rừng để nuôi trồng, phát triển cây dược liệu. Đề nghị Thủ tướng Chính phủ sớm quan tâm xem xét phê duyệt.

Thứ năm, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan khẩn trương hoàn thành việc đánh giá, rà soát những khó khăn, bất cập trong thời gian thực hiện Quyết định 861/QĐ-TTg để có giải pháp hỗ trợ phù hợp cho các đối tượng sinh sống tại các xã khu vực 2, khu vực 3 chuyển lên khu vực 1 và đánh giá, đề xuất giải pháp, lộ trình hỗ trợ người dân có hoàn cảnh khó khăn, thu nhập thấp không được ngân sách nhà nước hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế, do việc điều chỉnh danh sách các xã, thôn, khu vực khó khăn, khu vực đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo Nghị quyết của Quốc hội. Thời gian qua đã triển khai thực hiện nhưng còn rất chậm.

Quốc hội, Chính phủ cần có ngay các giải pháp cụ thể để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với công tác khám bệnh, chữa bệnh, đảm bảo sức khỏe nhân dân. Nhất là những khó khăn vướng mắc đã phát sinh và bộc lộ rất rõ sau đại dịch Covid-19 vừa qua. Hiện nay cử tri trong cả nước, nhất là cử tri vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đang rất mong chờ các chính sách này của Nhà nước.

Đại biểu Quốc hội Tô Văn Tám đã phát biểu tham gia 2 ý kiến về đánh giá kết quả thực hiện kinh tế - xã hội năm 2022 và phương hướng nhiệm vụ năm 2023; thực tế, nguyên nhân và các giải pháp xử lý tình trạng “bỏ việc, nghỉ việc trong khu vực công có xu hướng gia tăng".

Hồ Nam

Chuyên mục khác