Quốc hội thảo luận dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH

07/01/2022 13:40

Sáng 7/1, tại Nhà Quốc hội (Thủ đô Hà Nội), Quốc hội khóa XV tổ chức Kỳ họp bất thường lần thứ nhất thảo luận dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH bằng hình thức trực tuyến với các ĐBQH tại 62 điểm cầu các tỉnh, thành phố trong cả nước.
Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh U Huấn phát biểu tại điểm cầu tỉnh Kon Tum. Ảnh: TVP

 

Dự tại điểm cầu tỉnh Kon Tum có đồng chí U Huấn - Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh; các ĐBQH của tỉnh; đại diện lãnh đạo Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư.

Tại Kỳ họp, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh U Huấn đề nghị: Về chủ trương xây mới, cải tạo, nâng cấp các cơ sở đào tạo, dạy nghề, giải quyết việc làm cần phải được triển khai đồng bộ, quản lý chặt chẽ và phải phát huy được hiệu quả thiết thực. Vì trong thực tế, thời gian qua ở một số địa phương còn tình trạng để lãng phí cơ sở vật chất phục vụ lĩnh vực dạy nghề; trang thiết bị không được khai thác sử dụng hiệu quả; đào tạo nghề chưa sát với đặc điểm tình hình, chưa đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động ở địa phương, trong nước và xuất khẩu, chưa phát huy được hiệu quả, còn gây lãng phí ngân sách nhà nước. Chính phủ chỉ đạo, thực hiện khẩn trương nội dung Nghị quyết Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV (Nghị quyết 42/2021/QH15) về việc "rà soát những khó khăn vướng mắc và bất cập trong thời gian thực hiện Quyết định số 861/QĐ-TTg để có giải pháp hỗ trợ phù hợp cho các đối tượng sinh sống tại khu vực II, khu vực III được chuyển lên khu vực I"; tạo điều kiện để các đối tượng thực sự còn gặp nhiều khó khăn ở xã khu vực II, khu vực III đã chuyển lên khu vực I tiếp tục được hưởng các chế độ hỗ trợ của nhà nước trong thời gian chuyển tiếp về chính sách và được hưởng nguồn hỗ trợ theo Chương trình phục hồi phát triển kinh tế-xã hội sau khi Nghị quyết này được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp bất thường lần này.

Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh U Huấn nhấn mạnh: Trong quá trình xem xét, điều hòa nguồn vốn đầu tư công trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, đề nghị Quốc hội ưu tiên xem xét bố trí nguồn vốn để đầu tư hoàn thiện tuyến Quốc lộ 24 từ tỉnh Kon Tum đi tỉnh Quảng Ngãi. Lý do, tuyến Quốc lộ 24 có tổng chiều dài 168,2km (đến nay đã được đầu tư xây dựng 106km, chỉ còn lại 62,2km). Hơn nữa, Quốc lộ 24 là tuyến đường ngắn nhất nối tỉnh Quảng Ngãi với tỉnh Kon Tum, kết nối Quốc lộ 1 với đường Hồ Chí Minh và các khu công nghiệp, cảng biển vùng Duyên hải miền Trung với Tây Nguyên và thông thương với các nước Campuchia, Lào. Quốc lộ 24 nếu được đầu tư xây dựng hoàn thiện sẽ là điều kiện rất thuận lợi cho việc thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của hai tỉnh và khu vực miền Trung - Tây Nguyên, phù hợp với mục tiêu "liên kết vùng, thúc đẩy tăng trưởng" đã được nêu trong Dự thảo Nghị quyết được Chính phủ trình Quốc hội; bảo đảm thực hiện tốt nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thứ tư là "Phát triển kết cấu hạ tầng, khơi thông nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển", phấn đấu hoàn thành sớm các tuyến kết nối vùng miền núi phía Bắc Tây Nguyên với miền Trung; hạ tầng giao thông kết nối các vùng, cảng biển, cửa khẩu, khu kinh tế và cụm công nghiệp. Đồng thời, nếu 62,2km còn lại của Quốc lộ 24 được đầu tư xây dựng hoàn thiện thì mới phát huy tốt hiệu quả các đoạn đã được đầu tư trên tuyến Quốc lộ này. Về việc xem xét, đầu tư hoàn thiện tuyến Quốc lộ 24, căn cứ tình hình thực tế và trên cơ sở kiến nghị của chính quyền, cử tri hai tỉnh Quảng Ngãi và Kon Tum, ngày 9/12/2021, Bộ Giao thông Vận tải cũng đã có văn bản thể hiện rõ quan điểm đồng tình đối với việc sớm xem xét, đầu tư hoàn thiện tuyến Quốc lộ 24 và đã có ý kiến trao đổi, đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét, đề nghị cấp thẩm quyền bố trí nguồn vốn ngân sách nhà nước để sớm triển khai, thực hiện.

Về những nội dung cụ thể tại Tờ trình số 02/TTr-CP, Đoàn ĐBQH tỉnh thống nhất cao về quan điểm, mục tiêu và các nhóm giải pháp đã được nêu tại Tờ trình số 02. Riêng nhóm chính sách tài khóa và giải pháp tiền tệ, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh U Huấn đề nghị: Hoạt động tài chính, ngân hàng nên được giảm 2% như các nhóm hàng hóa, dịch vụ khác để đồng bộ với khoản a, phần giải pháp tiền tệ là "Chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục tiết giảm chi phí quản lý để phấn đấu giảm lãi suất cho vay tối thiểu 0,5%-1% trong 2 năm", vì ngoài tiết giảm chi phí quản lý nên hỗ trợ về thuế. Việc triển khai Chương trình chỉ trong 2 năm (2022-2023), do vậy đề nghị sau khi có Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành sớm có hướng dẫn triển khai thực hiện; đồng thời, trong dự thảo Nghị quyết của Quốc hội nên ấn định thời gian để Chính phủ hoàn thiện các hướng dẫn triển khai.

Thảo luận từ điểm cầu Nhà Quốc hội, đại biểu Tô Văn Tám góp ý về chính sách hỗ trợ tiền tệ thực hiện cho người lao động thông qua doanh nghiệp thuộc các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất bị ảnh hưởng dịch Covid-19 thì cần tính toán hỗ trợ thêm đối với người lao động phi chính thức, lao động tự do để bảo đảm công bằng xã hội và hạn chế các tiêu cực trong khu vực này, bởi họ có thu nhập thấp, ít có cơ hội tiếp cận với các cơ hội phát triển kỹ năng nghề, do vậy họ luôn phải đối mặt với nguy cơ trở thành tầng lớp lao động nghèo. Đề nghị Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải quan tâm đầu tư đối với tuyến Quốc lộ 24 nối Bắc Tây Nguyên với miền Trung và tuyến nối từ huyện Ngọc Hồi (tỉnh Kon Tum) đi thành phố Plei Ku (tỉnh Gia Lai) rồi về tỉnh Bình Định. Đồng thời, cử tri và chính quyền tỉnh Kon Tum kiến nghị Chính phủ, Bộ Công thương bổ sung vào quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của mạng lưới điện quốc gia của tỉnh. Đặc biệt, đề nghị Quốc hội cho phép thí điểm 3 chính sách đặc thù; trong đó, nội dung "thưởng tiến độ từ nguồn kinh phí tiết kiệm cho các nhà thầu hoàn thành sớm tiến độ từ 3 tháng trở lên", nội dung này đúng, nhưng chưa đủ, mà cần phải đảm bảo chất lượng dự án nữa. Bởi nếu không có tiêu chí này thì dễ dẫn đến tình trạng chạy theo tiến độ mà không quan tâm đến chất lượng dự án. Đồng thời, trong quá trình thực hiện cần phân cấp, phân quyền mạnh và tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát để phòng ngừa sự lãng phí, tham nhũng trong quá trình thực hiện chương trình.

Trần Văn Phúc

Chuyên mục khác