Quốc hội thảo luận Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 (lần thứ nhất); Dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi)

14/05/2025 15:21

Sáng 14/5, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, sự điều hành nội dung của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội tiến hành thảo luận tại Hội trường về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 (lần thứ nhất) và Dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi).
ĐBQH Phạm Đình Thanh phát biểu sáng 14/5/2025. Ảnh: HN

 

 

Tại Phiên thảo luận, các ĐBQH tỉnh Kon Tum Phạm Đình Thanh và Tô Văn Tám đã cùng 31 ĐBQH phát biểu; 4 ĐBQH tranh luận.

Đối với Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, đại biểu Phạm Đình Thanh thống nhất về chủ trương ban hành Nghị quyết và nội dung Dự thảo Nghị quyết như Tờ trình của Ủy ban Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 trình Quốc hội.

Đối với Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), theo đại biểu Phạm Đình Thanh Dự thảo Luật đã thể chế hóa chủ trương của Đảng, quy định của Hiến pháp, hoàn thiện mô hình chính quyền địa phương tinh gọn, phù hợp với bối cảnh chuyển đổi số và xây dựng mô hình chính quyền địa phương 2 cấp.

Về nội dung cụ thể của các điều luật, đại biểu Phạm Đình Thanh tham gia ý kiến đối với 3 vấn đề:

Thứ nhất, để đảm bảo các chủ trương, quyết sách lớn của Đảng và nội dung quy định của Hiến pháp được tổ chức thực hiện đầy đủ, hiệu quả ngay từ cơ sở, và đến từng người dân. Ngoài các nội dung dự kiến quy định đối với nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân (HĐND) xã; UBND xã và Chủ tịch UBND xã… tại các Điều 21, 22, 23 Dự thảo Luật, đề nghị xem xét, bổ sung các nội dung chưa được quy định trong Dự thảo Luật như sau:

Đối với nhiệm vu, quyền hạn của HĐND xã (Điều 21), đề nghị bổ sung nội dung: Quyết định nhiệm vụ, biện pháp bảo đảm quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; thực hiện các biện pháp bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của nhân dân; quyết định các biện pháp về tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trên địa bàn xã.

Đối với nhiệm vụ, quyền hạn của UBND xã (Điều 22), đề nghị bổ sung nội dung: Thực hiện nhiệm vụ tổ chức bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND theo quy định của pháp luật.

Đối với nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch UBND xã (Điều 23), bổ sung nội dung: Chỉ đạo và chịu trách nhiệm về công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; tổ chức đối thoại trực tiếp với nhân dân, kịp thời giải quyết các ý kiến, kiến nghị của nhân dân.

Thứ hai, về cơ cấu tổ chức nhân sự các Ban của HĐND dự kiến quy định tại khoản 3 Điều 29, đề nghị đối với nhân sự Trưởng ban của HĐND cần quy định cứng: Nhân sự này phải là đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách. Theo đại biểu, với nhiệm vụ được giao rất quan trọng… Người đứng đầu các Ban của HĐND, cần phải tập trung thời gian và công sức cao nhất để lãnh đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ của Ban, nhất là nhiệm vụ thẩm tra, hoàn thiện nghị quyết, báo cáo, đề án trước khi trình HĐND cấp mình xem xét, quyết định thông qua.

Thực tế, trong những nhiệm kỳ qua, khi bố trí nhân sự Trưởng ban của HĐND là đại biểu HĐND hoạt động không chuyên trách, các đồng chí này thường tập trung chủ yếu cho công việc chính ở cơ quan, đơn vị mình; chưa giành nhiều thời gian để thực hiện nhiệm vụ Trưởng Ban ở HĐND (chủ yếu là giao khoán cho cấp phó) dẫn đến những hạn chế nhất định của công tác thẩm tra, điều này đã làm ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng các nghị quyết, báo cáo, đề án do HĐND cấp mình ban hành.

Thứ ba, về nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu HĐND dự kiến quy định tại Điều 33, đề nghị nghiên cứu bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu HĐND về việc tham gia hoạt động ở các Ban của HĐND, Tổ đại biểu HĐNDmà mình là thành viên.

Bổ sung nội dung đại biểu HĐND có quyền đề xuất sáng kiến, xây dựng chính sách ở địa phương; quyền tham gia phản biện xã hội đối với dự thảo các đề án, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh và các chính sách liên quan đến quyền và lợi ích của nhân dân ở địa phương; quyền đề nghị Thường trực HĐND, các ban của HĐND kiến nghị HĐND xem xét việc bãi nhiệm, miễn nhiệm các chức danh do HĐND bầu… trong trường hợp phát hiện người giữ chức danh do HĐND bầu có sai phạm hoặc không hoàn thành nhiệm vụ.

Theo đại biểu Phạm Đình Thanh, việc kịp thời kiến nghị xem xét bãi nhiệm, miễn nhiệm các chức danh do HĐND bầu… trong trường hợp phát hiện họ có sai phạm hoặc không hoàn thành nhiệm vụ là biện pháp cần thiết để góp phần xử lý hiệu quả tình trạng vô cảm, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, "đổ lỗi" cho hệ thống pháp luật để không thực hiện đầy đủ công việc theo chức trách, nhiệm vụ được giao… đang tồn tại trong một bộ phận cán bộ, công chức thuộc cơ quan nhà nước ở một số địa phương hiện nay.

ĐBQH Tô Văn Tám phát biểu ý kiến xây dựng luật. Ảnh: HN

 

Đại biểu Tô Văn Tám đã phát biểu tham gia 3 ý kiến đối với Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 về thống nhất phạm vi, nội dung sửa đổi được nêu trong Tờ trình của Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 và Dự thảo Nghị quyết này; vấn đề phản ánh ý kiến, kiến nghị của nhân dân đến cơ quan nhà nước của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; về tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.

Hồ Nam

Chuyên mục khác