Quốc hội thảo luận Dự án Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân

24/05/2025 19:16

Sáng 24/5, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, sự điều hành nội dung của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Quốc hội đã tiến hành thảo luận tại Hội trường về Dự án Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Tại Phiên thảo luận, các ĐBQH tỉnh Trần Thị Thu Phước và Tô Văn Tám đã cùng 12 ĐBQH đã phát biểu ý kiến xây dựng luật.

ĐBQH Trần Thị Thu Phước phát biểu sáng 24/5/2025. Ảnh: HN

 

Đại biểu Trần Thị Thu Phước nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân. Để Luật thực sự đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả, đại biểu Phước đề nghị cần tiếp tục quan tâm một số vấn đề trong quá trình hoàn thiện và tổ chức triển khai thực hiện.

Theo đại biểu Trần Thị Thu Phước, thực tế hiện nay còn những hạn chế trong nhận thức của một bộ phận người dân về các quyền liên quan đến bảo vệ dữ liệu cá nhân khi sử dụng các thiết bị công nghệ. Nhiều thiết bị như camera an ninh, thiết bị Internet vạn vật (IoT) được kinh doanh rộng rãi, trong đó có những sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, tiềm ẩn nguy cơ thu thập dữ liệu cá nhân ngoài sự kiểm soát của người dùng hoặc yêu cầu quyền truy cập không cần thiết vào thông tin cá nhân. Dữ liệu từ các thiết bị này có thể được lưu trữ và xử lý bởi các đơn vị mà người dùng khó kiểm soát, đặc biệt là các máy chủ đặt ở nước ngoài.

Do đó, song song với việc thực thi luật cần có các giải pháp nâng cao nhận thức cộng đồng, đồng thời có các biện pháp quản lý chặt chẽ hơn đối với việc sản xuất, nhập khẩu và kinh doanh các loại thiết bị, ứng dụng có khả năng thu thập dữ liệu cá nhân nhằm bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người dùng.

Theo báo cáo từ cơ quan chức năng cho thấy, hiện nay hệ thống bảo mật của một số doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa còn hạn chế và chưa đáp ứng được yêu cầu bảo vệ dữ liệu cá nhân trước nguy cơ tấn công mạng. Việc triển khai các biện pháp bảo vệ dữ liệu theo tiêu chuẩn của luật đặt ra có thể còn nhiều thách thức về nguồn lực cho các doanh nghiệp này. Vì vậy để đảm bảo tính khả thi, đề nghị Chính phủ nghiên cứu xây dựng các chương trình, chính sách hỗ trợ đào tạo và có hướng dẫn cụ thể để các doanh nghiệp này có thể từng bước nâng cao năng lực và đáp ứng được các quy định của luật đã đưa ra một cách hiệu quả và phù hợp với điều kiện thực tế.

Thực tiễn cho thấy các hành vi vi phạm liên quan đến dữ liệu cá nhân, nhất là các hoạt động mua bán dữ liệu trái phép ngày càng tinh vi và thường có yếu tố xuyên biên giới, sử dụng công nghệ cao để che giấu hành vi và gây khó khăn cho công tác phát hiện, điều tra, thu thập chứng cứ và xử lý của cơ quan điều tra.

Để luật thực sự có sức răn đe, đi vào cuộc sống và không chỉ dừng lại ở các quy định trên giấy, theo đại biểu Trần Thị Thu Phước phải có sự đầu tư tương xứng cho lực lượng thực thi pháp luật.

Do đó, cần xây dựng một đội ngũ cán bộ chuyên trách có đủ trình độ chuyên môn cả về pháp luật, công nghệ thông tin và nghiệp vụ điều tra tội phạm về công nghệ cao, hiện nay lực lượng này vẫn còn mỏng, còn thiếu và còn yếu; xây dựng cơ chế phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các bộ, ngành liên quan, đặc biệt là giữa Bộ Công an với các bộ quản lý ngành, lĩnh vực và chính quyền địa phương, tăng cường hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng, chống tội phạm liên quan đến dữ liệu cá nhân; quy trình tiếp nhận, giải quyết tin báo tố giác tội phạm, quy trình điều tra, truy tố, xét xử các vụ án liên quan đến dữ liệu cá nhân cần được quy định rõ ràng, cụ thể và đảm bảo tính kịp thời, nghiêm minh.

Chỉ khi chế tài xử phạt được áp dụng một cách kiên quyết, các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh được triển khai đồng bộ, hiệu quả mới có thể từng bước đẩy lùi được vấn nạn này.

ĐBQH Tô Văn Tám phát biểu. Ảnh: HN

 

Đại biểu Tô Văn Tám tán thành với việc ban hành dự luật này với những cơ sở lý luận chính trị, pháp lý thực tiễn như Tờ trình của Chính phủ đã nêu. Đồng thời, tham gia 5 ý kiến về các hành vi bị nghiêm cấm; về quy định cố ý chiếm đoạt, làm lộ, mất dữ liệu cá nhân; về nghĩa vụ của chủ thể dữ liệu; cần có cơ chế giám sát độc lập và ý thức cộng đồng; bổ sung quy định bồi thường thiệt hại khi có hành vi xử lý dữ liệu cá nhân trái pháp luật, xâm phạm đến quyền và lợi ích chính đáng của tổ chức và cá nhân;...

Theo đại biểu Tô Văn Tám, để bảo vệ dữ liệu cá nhân cần có cơ chế giám sát độc lập và ý thức cộng đồng. Về cơ chế giám sát trong xử lý dữ liệu cá nhân, vấn đề này rất quan trọng khi các hành vi vi phạm về quyền riêng tư ngày càng gia tăng trong bối cảnh bùng nổ thông tin như hiện nay.

Dự thảo luật đã thiết kế ở Điều 20 quy định về cơ chế giám sát khi xử lý dữ liệu cá nhân trong trường hợp không cần có sự đồng ý của chủ thể dữ liệu với các nội dung xác thực và khả thi.

Đại biểu Tám đề nghị nên bổ sung thêm các vấn đề như thiết lập đường dây nóng hoặc cổng tiếp nhận phản ánh về hành vi vi phạm dữ liệu cá nhân và tạo điều kiện, cơ chế cho người dân phát hiện các dấu hiệu vi phạm, trong đó đặc biệt quan tâm đến việc nâng cao nhận thức về quản lý, bảo vệ dữ liệu cá nhân của người dân và đồng thời đề nghị ở điều luật này không chỉ áp dụng khi xử lý vi phạm dữ liệu cá nhân trong trường hợp không cần sự đồng ý của chủ thể mà áp dụng chung cho cả quá trình xử lý dữ liệu cá nhân nói chung đã được quy định ở trong luật này.

Hồ Nam

Chuyên mục khác