Quốc hội thảo luận Công ước số 105 của Tổ chức Lao động Quốc tế về xóa bỏ lao động cưỡng bức

21/05/2020 06:15

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV, chiều 20/5, dưới sự điều hành của Ủy viên Bộ Chính trị - Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu trình bày Báo cáo thẩm tra về việc phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa một bên là CHXHCN Việt Nam và một bên là Liên minh châu Âu và các nước thành viên Liên minh châu Âu (EVIPA).
Đại biểu tham dự kỳ họp tại điểm cầu tỉnh. Ảnh: QĐ

 

Đồng chí A Pớt - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh và các thành viên trong Đoàn ĐBQH tỉnh tham dự phiên họp qua hình thức trực tuyến tại phòng họp Văn phòng Đoàn ĐBQH tỉnh.

Quốc hội thảo luận trực tuyến về việc phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do giữa CHXHCN Việt Nam và Liên minh Châu Âu; việc phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa một bên là CHXHCN Việt Nam và một bên là Liên minh châu Âu và các nước thành viên Liên minh châu Âu. Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội. 

Sau đó, thừa ủy quyền Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh trình bày tờ trình Quốc hội phê chuẩn gia nhập Công ước số 105 của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) về xóa bỏ lao động cưỡng bức.

Công ước số 105 về xóa bỏ lao động cưỡng bức là một trong 8 Công ước cơ bản của ILO và được ILO thông qua ngày 25/6/1957. Công ước số 105 là Công ước cùng cặp với Công ước số 29 trong nhóm tiêu chuẩn quốc tế về xóa bỏ lao động cưỡng bức. Việt Nam gia nhập Công ước số 29 năm 2007.

Trong bối cảnh Việt Nam đang tăng cường hội nhập kinh tế quốc tế, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, việc gia nhập Công ước số 105 là rất cần thiết và có ý nghĩa trên tất cả các mặt chính trị, kinh tế, xã hội và pháp lý.

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh khẳng định, với những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội, chủ trương nhất quán về hội nhập kinh tế quốc tế và sự hoàn thiện của hệ thống pháp luật thời gian qua, việc xem xét gia nhập Công ước số 105 tại thời điểm hiện nay là chín muồi và hết sức cần thiết.

Sự cần thiết gia nhập Công ước số 105 và cho rằng việc gia nhập Công ước số 105 phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước ta trong hội nhập quốc tế về lao động, xã hội, khẳng định quyết tâm và nỗ lực của Việt Nam trong quá trình thực thi các cam kết liên quan đến lao động trong Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và thực hiện nghĩa vụ của Việt Nam với trách nhiệm là quốc gia thành viên ILO. Đồng thời, trong thời gian qua, hệ thống pháp luật Việt Nam đang từng bước được hoàn thiện, góp phần tăng cường và củng cố cơ sở pháp lý để bảo đảm hoàn toàn xóa bỏ lao động cưỡng bức tại Việt Nam. Do đó, việc xem xét quyết định gia nhập Công ước số 105 tại thời điểm này là chín muồi và cần thiết.

Công ước số 105 về Xóa bỏ lao động cưỡng bức có 10 Điều. Nội dung Công ước tập trung từ Điều 1 đến Điều 2; từ Điều 3 đến Điều 10 là những quy định về thủ tục.

Việc kiến nghị Quốc hội phê chuẩn gia nhập Công ước số 105 của Tổ chức Lao động Quốc tế về xóa bỏ lao động cưỡng bức sẽ là một bước tiến tích cực sau khi Việt Nam gia nhập Công ước số 29 về lao động cưỡng bức của ILO cũng như các Hiệp định tự do thể hệ mới mà Việt Nam đã tham gia.

Ngoài ra, việc phê chuẩn gia nhập Công ước số 105 của Tổ chức Lao động Quốc tế về xóa bỏ lao động cưỡng bức cũng sẽ giúp Việt Nam nâng cao vai trò, vị thế của mình trên trường quốc tế, nhất là trong bối cảnh năm nay Việt Nam đồng thời đảm nhiệm vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, Chủ tịch ASEAN và cũng là năm Chủ tịch AIPA.

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trình bày Báo cáo thuyết minh việc gia nhập Công ước số 105 của Tổ chức Lao động Quốc tế về xóa bỏ lao động cưỡng bức. Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu trình bày Báo cáo thẩm tra về việc gia nhập Công ước số 105 của Tổ chức Lao động Quốc tế về xóa bỏ lao động cưỡng bức.

Phát biểu cho ý kiến tham gia Công ước 105, các đại biểu Quốc hội thống nhất cao với sự cần thiết gia nhập Công ước, khẳng định việc trình Công ước thời điểm hiện nay là rất cần thiết; đồng thời đánh giá cao Hồ sơ được chuẩn bị chu đáo, chặt chẽ, đủ điều kiện để phê chuẩn.

Tiếp thu ý kiến các đại biểu, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cảm ơn các đại biểu đã cho ý kiến góp ý vào bản đề xuất. Bộ trưởng cho rằng, Công ước 105 là Công ước rất tiến bộ, văn minh; các bộ, ngành, Chính phủ đã tham vấn một cách thấu đáo để xem xét tham gia...

Quang Định (lượt thuật)

 

Chuyên mục khác