Quốc hội bế mạc Kỳ họp bất thường lần thứ nhất

11/01/2022 21:39

Chiều 11/1, Quốc hội khóa XV bế mạc Kỳ họp bất thường lần thứ nhất. Quốc hội họp trực tuyến thông qua cầu truyền hình từ Nhà Quốc hội đến 62 Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) các tỉnh, thành phố trong cả nước. Đồng chí Vương Đình Huệ- Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội chủ trì phiên bế mạc.
Các ĐBQH tỉnh Kon Tum dự họp phiên bế mạc Kỳ họp tại điểm cầu tỉnh. Ảnh: TVP

 

Dự phiên bế mạc có đồng chí Nguyễn Phú Trọng - Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng; các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Ủy ban MTTQ Việt Nam.

Dự tại điểm cầu tỉnh có đồng chí U Huấn- Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; các ĐBQH của tỉnh.

Tại phiên bế mạc, Quốc hội đã biểu quyết thông qua 4 nghị quyết và 1 luật. Trong đó, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, Luật Thi hành án dân sự (viết tắt là Luật sửa đổi 8 luật); Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH (viết tắt là Nghị quyết tài khóa, tiền tệ); Nghị quyết về Chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 (viết tắt là Dự án cao tốc); Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ (viết tắt là Nghị quyết Cần Thơ); Nghị quyết Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV.

Phát biểu tại phiên bế mạc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ: Về Nghị quyết tài khóa, tiền tệ, Quốc hội đã nhất trí rất cao ban hành Nghị quyết này với quy mô khoảng 350.000 tỷ đồng để chủ động trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 và hỗ trợ kịp thời cho phục hồi và phát triển bền vững KT-XH được thực hiện trong 2 năm (2022-2023), tập trung cho các lĩnh vực: Y tế, phòng, chống dịch Covid-19; an sinh xã hội, lao động và việc làm; hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, chuyển đổi số, phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển, bảo đảm an toàn hồ chứa nước, thích ứng với biến đổi khí hậu và khắc phục hậu quả thiên tai.

Để triển khai kịp thời, có hiệu quả các chính sách tài khóa, tiền tệ nêu trên, bảo đảm thực hiện mục tiêu tăng trưởng bình quân 6,5-7% và các chỉ tiêu, mục tiêu KT-XH năm 2022 và cho cả giai đoạn 2021-2025 theo Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Quốc hội đã xem xét, quyết định cho phép áp dụng một số cơ chế, chính sách đặc thù về lựa chọn nhà đầu tư, phân cấp, ủy quyền… đối với các dự án quan trọng quốc gia, các dự án hạ tầng quan trọng, có quy mô lớn khác trong lĩnh vực giao thông và y tế thuộc phạm vi chương trình và yêu cầu Chính phủ, các cấp, các ngành.

Về Chủ trương đầu tư Dự án cao tốc, Quốc hội coi đây là công trình có vai trò và ý nghĩa hết sức quan trọng về phát triển KT-XH, thúc đẩy liên kết vùng, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Quốc hội, các vị ĐBQH đã dành nhiều thời gian để thảo luận và cho ý kiến về sự cần thiết đầu tư xây dựng công trình, sự phù hợp của dự án đối với chiến lược, kế hoạch phát triển KT-XH, quy hoạch có liên quan và phạm vi, quy mô của dự án; lựa chọn công nghệ, phương án giải phóng mặt bằng, tái định cư; về hình thức đầu tư; về sơ bộ tổng mức đầu tư; nguồn vốn và thu hồi vốn đầu tư; phương án phân chia các dự án thành phần và tiến độ hoàn thành cũng như cơ chế, chính sách triển khai đầu tư dự án...

Về Luật sửa đổi 8 luật, Quốc hội đã thảo luận và đánh giá đây là dự án luật có phạm vi rộng, điều chỉnh nhiều đối tượng khác nhau, do đó cần phải rà soát kỹ lưỡng, nghiên cứu thấu đáo, phân tích, đánh giá toàn diện, thống nhất quan điểm sửa đổi, bổ sung những vấn đề cấp bách, đã rõ, được thực tế kiểm nghiệm, có sự đồng thuận cao và đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật để kịp thời thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về xây dựng, hoàn thiện pháp luật nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và đầu tư. Các nội dung cụ thể được sửa đổi, bổ sung lần này liên quan trực tiếp tới hoạt động đầu tư, kinh doanh, quản trị doanh nghiệp; công tác bảo vệ an ninh mạng; thi hành án dân sự; thực hiện chính sách xã hội hóa đầu tư vào hệ thống truyền tải điện quốc gia; khuyến khích đầu tư sản xuất và sử dụng phương tiện giao thông thân thiện với môi trường; góp phần hoàn thiện khung thể chế, chính sách, hành lang pháp lý.

Về Nghị quyết Cần Thơ, Quốc hội đã tập trung thảo luận và thống nhất rất cao thông qua Nghị quyết, nhằm kịp thời thể chế hóa Nghị quyết số 59-NQ/TW của Bộ Chính trị, khơi dậy và phát huy tiềm năng, lợi thế phát triển thành phố Cần Thơ nhanh và bền vững, phấn đấu đến năm 2030 là thành phố sinh thái, văn minh, hiện đại mang đậm bản sắc văn hóa sông nước và là đô thị hạt nhân của Vùng đồng bằng sông Cửu Long...

Quốc hội đã xem xét, thông qua Nghị quyết Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV để thể chế hóa Kết luận của Bộ Chính trị về Chương trình phòng, chống dịch Covid-19 trong 2 năm 2022-2023 và Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Quốc hội nhấn mạnh một số nhiệm vụ, giải pháp quan trọng trong bối cảnh xuất hiện biến thể mới Omicron để bảo đảm vừa kiểm soát hiệu quả đại dịch, hạn chế lây lan trong cộng đồng, vừa khôi phục, phát triển KT-XH và cải thiện nâng cao chất lượng đời sống nhân dân, nhanh chóng đưa cả nước chuyển sang trạng thái bình thường mới; bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của người dân; hạn chế đến mức thấp nhất các ca bệnh nặng, tử vong do Covid-19 và các nguyên nhân khác...

Quốc hội giao Kiểm toán Nhà nước xây dựng kế hoạch, thực hiện kiểm toán việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực trong thực hiện nhiệm vụ phục hồi, phát triển KT-XH và phòng, chống dịch bệnh.

Để các nghị quyết của Kỳ họp bất thường lần thứ nhất Quốc hội khóa XV đi vào cuộc sống, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các cấp, các ngành, các cơ quan trong bộ máy nhà nước, các Đoàn ĐBQH, các vị ĐBQH khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện nhanh chóng, kịp thời các luật, nghị quyết vừa được thông qua sớm phát huy hiệu quả và đi vào cuộc sống, khắc phục tình trạng “đầu năm đủng đỉnh, cuối năm vội vàng”. Các vị ĐBQH bằng các hình thức phù hợp, thông tin đến cử tri cả nước kết quả của Kỳ họp, thường xuyên giữ mối liên hệ chặt chẽ, lắng nghe, phản ánh trung thực ý kiến và nguyện vọng của cử tri, tích cực giám sát việc giải quyết các kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân, động viên nhân dân thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đồng thời, thực hiện nghiêm các quy định về phòng chống dịch, tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác; chuẩn bị tốt các điều kiện phục vụ nhân dân đón mừng năm mới 2022 và vui Xuân, đón Tết Nguyên đán Nhâm Dần lành mạnh, an toàn, tiết kiệm, tạo khí thế, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về Kế hoạch phát triển KT-XH năm 2022 và Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định, với việc tổ chức thành công Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, chúng ta có bài học quý để những kỳ họp “bất thường” trở thành hoạt động “bình thường” của Quốc hội nhằm đáp ứng kịp thời đòi hỏi cấp bách của thực tiễn. Tinh thần và kết quả của Kỳ họp lần này đã tạo ra những khí thế mới, thời cơ mới, cùng với các chính sách mới được ban hành, sự điều hành quyết liệt của Chính phủ, sự vào cuộc của các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ, đồng lòng của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, chúng ta tin tưởng sẽ thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển KT-XH năm 2022 và cả giai đoạn 2021-2025, đất nước sẽ tiếp tục phát triển bền vững, đời sống người dân sẽ được nâng cao, niềm tin của nhân dân sẽ càng được củng cố vững chắc.

Trần Văn Phúc

   

Chuyên mục khác