18/05/2015 07:13
Có mặt trong buổi sinh hoạt đóng tiền tiết kiệm của chị em phụ nữ tổ 7, phường Quang Trung, chúng tôi phần nào hiểu được hiệu quả thiết thực của mô hình tiết kiệm tại chi hội. “Chúng tôi đã thành lập được 1 tổ với 3 nhóm tiết kiệm tại chi hội gồm 45 thành viên. Theo quy chế hoạt động, mỗi tháng các thành viên sẽ tham gia tiết kiệm từ 10 ngàn đồng trở lên tùy theo nhu cầu và khả năng (số tiền đóng không bắt buộc nhưng đầu năm ai tham gia bao nhiêu thì cả năm phải đóng cố định theo khoản tiền đó, có người góp 20 ngàn, người góp 100 ngàn… - PV)” – chị Đặng Thị Quán - Trưởng ban tiết kiệm tổ 7, phường Quang Trung cho biết.
|
Xem qua sổ của chị, chúng tôi thấy được ghi rõ ràng họ tên của từng hội viên, mỗi tháng góp bao nhiêu. Riêng trong 2 năm 2013, 2014, chị đều tổng kết, ghi lại tổng số tiền tiết kiệm của mỗi thành viên. “Có chị năm 2013 đóng mỗi tháng 20 ngàn nhưng sang năm 2014 thấy khả năng kinh tế của mình ổn, góp lên mỗi tháng 50 ngàn hoặc 100 ngàn” – chị Quán cho hay.
Trong ngày 16 hằng tháng, với số tiền tiết kiệm góp lại, tất cả các thành viên sẽ cùng xét chọn chị em khó khăn trong nhóm để cho vay không tính lãi. Trong thời gian 3 tháng, chị em nào vay sẽ phải trả lại để tiếp tục bình xét cho các chị em khác vay.
Chị Trần Thị Thanh, tổ 7 chia sẻ: Tôi buôn bán thịt ở ngoài chợ, đợt trước khó khăn, tôi được chị em xét cho vay hơn 2 triệu để lấy hàng. Nhờ có số tiền đó, tôi đã xoay xở được nguồn hàng và duy trì buôn bán cho đến nay.
Chị Phạm Thị Hòe - Phó Chủ tịch Hội LHPN phường Quang Trung cho biết: Làm theo Bác, chị em phụ nữ trên địa bàn phường đã nâng cao ý thức thực hành tiết kiệm để tăng thu nhập gia đình và có điều kiện giúp đỡ những chị em có hoàn cảnh khó khăn. Cụ thể. từ năm 2013, Hội LHPN phường Quang Trung đã triển khai 4 loại hình tiết kiệm xuống các chi hội, trong đó, mô hình tiết kiệm tại chi hội đạt hiệu quả cao.
“Số tiền tiết kiệm hàng tháng không nhiều nhưng với thời gian từ năm 2013-2016, các chị sẽ tự tiết kiệm được cho mình một khoản tiền kha khá, đồng thời tương thân tương trợ giúp đỡ được các chị em khó khăn, buôn bán nhỏ có điều kiện phát triển kinh tế” – chị Hòe cho biết thêm.
Tại xã Vinh Quang mô hình tiết kiệm tại chi hội cũng được nhiều chị em hưởng ứng và tích cực tham gia. “Những ngày đầu phát động chỉ có 3 chi hội hưởng ứng thì đến nay mô hình này đã thu hút 6 chi hội với 127 thành viên. Từ đầu năm đến nay, các chị em đã tiết kiệm được hơn 49 triệu đồng” – chị Y Blơk – Chủ tịch Hội LHPN xã Vinh Quang cho biết.
Cũng như phường Quang Trung, hàng tháng, các nhóm tiết kiệm ở xã Vinh Quang cũng dồn số tiền các hội viên góp lại và bình xét cho những hội viên nghèo, có hoàn cảnh khó khăn vay với lãi suất thấp hoặc mượn không tính lãi để phát triển kinh tế gia đình.
Theo chị Y BLơk, mô hình tiết kiệm tại chi hội đã kịp thời giúp đỡ nhiều chị em buôn bán, sản xuất nhỏ lẻ. Đến nay, sau 3 năm hoạt động, mô hình tiết kiệm này đã giúp được 5 chị thoát nghèo bền vững.
Không như phường Quang Trung, xã Vinh Quang, các chi hội tại phường Thống Nhất lại “chuộng” hình thức tiết kiệm qua các tổ phụ nữ tiết kiệm. Cũng giống như tiết kiệm tại chi hội, tham gia hình thức tiết kiệm tại tổ, các chị sẽ thực hành tiết kiệm trong vòng 4 năm từ 2013-2016. Với hình thức này, các chị em tham gia thống nhất đóng một khoản tiền cố định từ 10 ngàn trở lên (Nếu đóng 20 ngàn thì tất cả các thành viên trong nhóm đều đóng 20 ngàn).
“Tất cả 14 chi hội thôn đều thực hiện hình thức tiết kiệm này (365/750 hội viên tham gia). Họ thành lập thành các nhóm khác nhau, có nhóm đóng 10 ngàn, có nhóm 50 ngàn, cũng có nhóm tiết kiệm 100 ngàn/người/tháng. Mỗi nhóm, chị nhóm trưởng đều có quyển sổ theo dõi ghi lại đầy đủ thông tin, tránh nhầm lẫn” – chị Đặng Thị Lý - Chủ tịch Hội LHPN phường Thống Nhất cho biết.
Cũng như các nơi khác, hàng tháng, sau khi góp tiền, các chị lại cùng nhau giúp đỡ cho các chị khó khăn vay để phát triển kinh tế; sau 3 tháng, các chị được vay sẽ trả lại số tiền đó và các thành viên tiếp tục đóng góp, cho các chị khác tiếp tục vay.
“Góp ít thành nhiều, riêng trong năm 2014, số tiền tiết kiệm qua tổ phụ nữ tiết kiệm đạt hơn 47 triệu đồng. Trong năm nay, các chị em tiếp tục duy trì, nhiều nhóm có nhu cầu tăng khoản tiền góp lên nên số tiền tiết kiệm theo đó cũng tăng lên. Đến năm 2016, mỗi chị đều có cho mình một khoản tiền” - chị Lý cho biết thêm.
Với quy chế hoạt động rõ ràng và được sự thống nhất của các thành viên tham gia nên mô hình tiết kiệm tại chi hội, tiết kiệm qua tổ phụ nữ tiết kiệm đã được đông đảo các chị em hưởng ứng tham gia. Theo thống kê, toàn thành phố hiện có 82 nhóm phụ nữ tiết kiệm tại các chi hội phụ nữ và tiết kiệm qua tổ phụ nữ tiết kiệm với 512 thành viên.
Không chỉ giúp cán bộ, hội viên phụ nữ nâng cao ý thức thực hành tiết kiệm, nguồn vốn từ hoạt động tiết kiệm còn góp phần đáng kể trong việc giảm nghèo, xây dựng, duy trì nếp sống văn hóa tiết kiệm trong đời sống hàng ngày ở mỗi gia đình và cộng đồng.
Hải Đăng