Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Tháp kiểm tra thực tế tình hình bệnh khảm lá mì tại xã Đăk Năng

28/06/2021 14:00

Sáng 28/6, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Tháp kiểm tra thực tế tình hình bệnh khảm lá mì tại xã Đăk Năng, thành phố Kon Tum. Tham dự có lãnh đạo Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, lãnh đạo UBND thành phố, Phòng Kinh tế thành phố và xã Đăk Năng.

Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Tháp kiểm tra thực tế bệnh khảm lá mì tại xã Đăk Năng. Ảnh: PN

 

Trên địa bàn thành phố Kon Tum phát hiện bệnh khảm lá mì, với diện tích khoảng 187ha, tại 7 xã, phường gồm Đăk Năng, Kroong, Ia Chim, Đoàn Kết, Ngọc Bay, Đăk Cấm, Nguyễn Trãi. Trong đó có 11ha bị nặng với mật độ hơn 70% tại xã Đăk Năng và xã Kroong.

Xã Đăk Năng là địa phương có diện tích bị bệnh nhiều nhất với 140ha, trong đó có 3ha bị nặng với tỷ lệ bệnh hơn 70%. Được biết, đây là bệnh được xác định do vi rút gây ra, lây lan nhanh, diện tích và chiều hướng ngày càng gia tăng, khó lường, có khả năng gây thiệt hại lớn về kinh tế cho người dân.

Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Tháp cùng đoàn kiểm tra tiến hành kiểm tra thực tế tại một số diện tích mì bị bệnh của người dân tại cánh đồng thôn Plei Jơ Drợp, xã Đăk Năng.

Qua kiểm tra thực tế, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Tháp đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các cơ quan chuyên môn của thành phố tích cực hỗ trợ xã Đăk Năng cũng như các địa phương có diện tích mì bị khảm lá và người dân để hướng dẫn các biện pháp chuyên môn nghiệp vụ, xử lý, ngăn chặn bệnh khảm lá mì. Theo đó, đối với diện tích bị nặng cần vận động, hướng dẫn người dân tiêu hủy theo đúng quy trình kỹ thuật; đối với diện tích bị nhẹ, tiến hành nhổ bỏ cục bộ cây bị bệnh, tiêu hủy để hạn chế lây lan.

Trong vụ tới, cần hướng dẫn người dân xử lý đất thật kỹ, xử lý các tàn dư của dịch bệnh trên diện tích đất đã nhiễm; vận động người dân lựa chọn nguồn giống đảm bảo nguồn gốc, xuất xứ trước khi xuống giống. Đồng thời, thay đổi loại giống mì khác hoặc vận động người dân luân canh chuyển đổi sang trồng các loại cây khác để ngăn chặn bệnh.

Chính quyền địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân nâng cao nhận thức về dịch bệnh; thực hiện việc luân canh cây trồng phù hợp trên diện tích đất để vừa hạn chế dịch bệnh trên cây mì, vừa mang lại thu nhập cho người nông dân.

Phan Nghĩa

Chuyên mục khác