Phiên thảo luận tại Tổ: Sôi nổi và trách nhiệm 

06/07/2023 06:47

Tại Kỳ họp thứ 5, HĐND tỉnh khóa XII, trong Phiên thảo luận tại Tổ, các đại biểu HĐND tỉnh đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy trí tuệ, tập trung nghiên cứu kỹ, phân tích, đánh giá về kết quả cũng như tồn tại, hạn chế cần khắc phục trong phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh 6 tháng đầu năm, từ đó đề xuất các giải pháp sát thực, khả thi để khắc phục những tồn tại, hạn chế, tạo sự chuyển biến thực chất và mạnh mẽ hơn. Đồng thời, tham gia góp ý vào các báo cáo, tờ trình dự thảo nghị quyết quan trọng, đảm bảo tính khả thi, hiệu quả khi triển khai thực hiện.
Tổ đại biểu các huyện Kon Plông, Đăk Tô thảo luận.  Ảnh: ĐT

 

Tổ đại biểu các huyện Ngọc Hồi, Tu Mơ Rông thảo luận. Ảnh: TH

 

Đa số các đại biểu thống nhất đánh giá, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, nhưng kinh tế- xã hội trên địa bàn tỉnh 6 tháng đầu năm vẫn đạt được những kết quả đáng ghi nhận, nhất là về tăng trưởng kinh tế (đạt 6,8%), cao nhất trong khu vực Tây Nguyên. Kết quả này thể hiện sự nỗ lực, năng động, sáng tạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền và sự đồng thuận của cộng đồng doanh nghiệp, nhân dân trên địa bàn tỉnh trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn còn không ít những tồn tại, hạn chế dẫn đến một số chỉ tiêu kế hoạch đạt thấp như: Thu ngân sách 6 tháng đầu năm mới chỉ đạt 40,8% kế hoạch, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp, công tác giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm vẫn còn chậm... Để hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2023, trong những tháng còn lại, UBND tỉnh cần có những giải pháp quyết liệt hơn.

Đại biểu Nguyễn Đức Tuy (Tổ đại biểu thành phố Kon Tum) phát biểu thảo luận. Ảnh: TH

 

Đại biểu Nguyễn Đức Tuy (Tổ đại biểu thành phố Kon Tum) đề nghị UBND tỉnh có giải pháp tháo gỡ khó khăn trong việc đấu giá đất nhằm đảm bảo nguồn thu của tỉnh; xem xét phương án xây dựng khung giá đất đền bù khi thu hồi đất triển khai các dự án sao cho sát với giá thị trường, đảm bảo lợi ích của người dân và tạo thuận lợi cho công tác đền bù, giải phóng mặt bằng. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tạo thuận lợi cho người dân khi thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất thổ cư...

Đại biểu Hoàng Trung Thông (Tổ đại biểu Ia H’Drai) cho rằng, cần sớm hoàn thiện Quy hoạch tỉnh Kon Tum thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 để thu hút đầu tư. Bên cạnh đó, UBND tỉnh cần có giải pháp xác định giá đất để các huyện, thành phố triển khai thực hiện.

Trong Phiên thảo luận tổ, lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tiếp tục nhận được nhiều sự quan tâm của các đại biểu. Tổ đại biểu huyện Kon Plông nêu vấn đề, thực tế, thời gian qua, số lượng các hợp tác xã, tổ hợp tác có tăng, nhưng chưa phát huy hiệu quả, năng lực hoạt động còn nhiều hạn chế, liên kết giữa tổ hợp tác, hợp tác xã với hộ thành viên, hộ sản xuất nhỏ lẻ, thiếu ổn định. Do đó, UBND tỉnh cần có những chính sách hỗ trợ phù hợp, xây dựng kế hoạch phân bổ nguồn vốn hỗ trợ các hợp tác cho các địa phương phù hợp hơn.

Bên cạnh đó, để thực hiện hiệu quả chương trình OCOP, góp phần phát triển kinh tế nông thôn, tổ đại biểu huyện Sa Thầy đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng, địa phương tập trung xây dựng mã số vùng trồng, nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP.

Đại biểu Nguyễn Tấn Liêm (Tổ đại biểu thành phố Kon Tum) tham gia thảo luận. Ảnh: TH

 

Quan tâm đến vấn đề phát triển chăn nuôi trên địa bàn tỉnh, đại biểu Nguyễn Tấn Liêm (Tổ đại biểu thành phố Kon Tum) nêu ý kiến, hiện nay, có nhiều tập đoàn, doanh nghiệp rất quan tâm và đã đến khảo sát, mong muốn được đầu tư thực hiện dự án chăn nuôi. Tuy nhiên, UBND tỉnh cần chỉ đạo các ngành liên quan và các địa phương thận trọng trong quá trình cấp phép đầu tư chăn nuôi để không ảnh hưởng đến môi trường.

Tham gia thảo luận, đại biểu A Dân (Tổ đại biểu huyện Tu Mơ Rông) cho rằng, để tiếp tục mở rộng diện tích trồng sâm Ngọc Linh và cây dược liệu, UBND tỉnh và các ngành chức năng cần quan tâm hỗ trợ về nguồn giống, tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc cũng như có giải pháp kiểm soát chặt chẽ chất lượng giống cây trồng, ngăn chặn và xử lý tình trạng sâm giả, từ đó, khuyến khích người dân tham gia trồng.

Đại biểu Phan Thị Thủy (Tổ đại biểu huyện Ngọc Hồi) tham gia thảo luận. Ảnh: ĐT

 

Đại biểu Nguyễn Thị Ánh Tuyết (Tổ đại biểu huyện Kon Plông) tham gia thảo luận. Ảnh: ĐT

 

Đại biểu Phan Thị Thủy (Tổ đại biểu huyện Ngọc Hồi) và đại biểu Nguyễn Thị Ánh Tuyết (Tổ đại biểu huyện Kon Plông) có chung ý kiến, đề nghị UBND tỉnh và các đơn vị, địa phương liên quan đề ra giải pháp nhằm tiếp tục hỗ trợ người dân huyện Đăk Glei trồng sâm Ngọc Linh và dược liệu quý sau khi nguồn kinh phí hơn 3,7 tỷ đồng chuyển qua cho huyện Tu Mơ Rông. 

Song song với đó, nhiều vấn đề về lĩnh vực văn hóa - xã hội, an ninh trật tự cũng được các đại biểu HĐND tỉnh bàn bạc, thảo luận sâu. Trong đó, công tác hỗ trợ đào tạo nghề và giải quyết việc là nội dung được nhiều đại biểu đặt ra.

Theo đại biểu Nguyễn Đức Tuy, thời gian qua, số lượng người dân được đào tạo các nghề phi nông nghiệp còn ít; số lượng đi xuất khẩu lao động có thời hạn ở nước ngoài rất thấp. Do đó, đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các ngành có liên quan làm rõ nguyên nhân của những hạn chế này, có giải pháp cụ thể tháo gỡ vướng mắc giúp nâng cao hiệu quả đào tạo nghề, giải quyết việc làm.

Liên quan đến nội dung quy định mức học phí giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập năm học 2023-2024, nhiều đại biểu cho rằng, hiện nay, điều kiện kinh tế và đời sống của người dân trên địa bàn tỉnh, nhất là vùng đồng bào DTTS còn khó khăn; đề nghị UBND tỉnh xem xét giữ nguyên mức thu như hiện nay.

Bên cạnh đó, một số đại biểu cũng bày tỏ băn khoăn, lo ngại về vấn đề an toàn thực phẩm, tai nạn giao thông gia tăng, an ninh trật tự ở các vùng nông thôn chưa được đảm bảo, đề nghị các cấp, ngành tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm những vi phạm trong các lĩnh vực này.

Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Tuấn tham gia thảo luận và trao đổi, làm rõ thêm một số vấn đề mà các đại biểu quan tâm. Ảnh: TH

 

Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Tháp trả lời các ý kiến của đại biểu. Ảnh: ĐT

 

Tại buổi thảo luận, các đồng chí lãnh đạo UBND tỉnh cũng đã có những trao đổi, làm rõ, thông tin thêm về một số vấn đề, nội dung mà các đại biểu nêu ra.

Có thể nói, không khí thảo luận tại các tổ diễn ra rất sôi nổi, thẳng thắn và nghiêm túc. Các đại biểu HĐND nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy dân chủ, trí tuệ, bám sát tình hình thực tiễn đưa ra những vấn đề thảo luận trọng tâm, trọng điểm, đóng góp vào việc thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Thùy Hương - Đức Thành

Chuyên mục khác