08/12/2021 14:32
Có 8 đại biểu tham gia thảo luận, tập trung vào một số vấn đề mà cử tri quan tâm như: Giáo dục-đào tạo; phát triển sâm Ngọc Linh và các loại dược liệu; trồng rừng; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế; lao động việc làm.
|
Thay mặt Tổ đại biểu thành phố Kon Tum, đại biểu Đỗ Thị Hồng Hạnh đề nghị tỉnh quan tâm hỗ trợ địa phương đầu tư xây dựng cơ sở vật cho các trường học đảm bảo đủ điều kiện được công nhận trường đạt chuẩn quốc gia. Đồng thời, đề nghị các cấp, các ngành phối hợp các trường học tăng cường giáo dục đạo đức, pháp luật cho học sinh; xử lý tình trạng bạo lực học đường; tích cực tuyên truyền, vận động, giáo dục thanh thiếu niên hư để tạo môi trường học tập an toàn, lành mạnh.
Cũng liên quan đến công tác giáo dục-đào tạo, đại biểu Võ Thanh Chín (Tổ đại biểu huyện Đăk Hà) nêu vấn đề, hiện nay, ở vùng sâu, vùng xa chưa triển khai chương trình học tiếng Anh ở cấp tiểu học, nhưng khi lên bậc Trung học cơ sở thì các em lại phải học chung chương trình sách giáo khoa tiếng Anh như học sinh ở vùng thuận lợi. Do đó, đại biểu đề nghị, ngành Giáo dục nghiên cứu vấn đề này và có kiến nghị với các cấp có thẩm quyền xem xét, điều chỉnh chương trình học.
Ngoài ra, đại biểu Trần Lan Phương (Tổ đại biểu huyện Kon Plông) kiến nghị các cấp, các ngành ban hành văn bản hướng dẫn về việc quản lý, vận hành hồ bơi trong trường học để các trường có cơ sở thực hiện, triển khai hiệu quả chương trình dạy bơi cho học sinh.
Thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên số lượng công dân của tỉnh ta là các lao động tự do, công nhân sinh sống, làm việc ở các tỉnh, thành phía Nam trở về địa phương nhiều nên nhiều đại biểu đề nghị các ngành, địa phương rà soát, thống kê và khảo sát nhu cầu lao động việc làm của đối tượng này để có giải pháp cụ thể, lâu dài hỗ trợ giải quyết việc làm để ổn định cuộc sống. Đồng thời, quan tâm sắp xếp, bố trí về đất ở, đất sản xuất, tạo việc làm để ổn định cuộc sống cho người dân có đất đai bị thu hồi phục vụ cho các công trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Về chỉ tiêu phát triển sâm Ngọc Linh và các loại dược liệu trong năm 2022 và trong các năm tới tiếp tục được các đại biểu nêu lên tại phiên thảo luận và đề xuất nhiều giải pháp thực hiện.
|
Theo đại biểu Trần Hoàn (Tổ đại biểu huyện Tu Mơ Rông), để thực hiện đạt mục tiêu phát triển 500ha trong năm tới, cần những giải pháp cụ thể, căn cơ, thực chất hơn. Ngoài chính sách hỗ trợ giống cây cho người dân, tỉnh cần có cơ chế tạo điều kiện để người dân tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng chính sách, xây dựng chuỗi giá trị; lồng ghép các nguồn vốn từ các chương trình hỗ trợ của Chính phủ, chương trình mục tiêu quốc gia để người dân có điều kiện đầu tư và mạnh dạn trồng sâm Ngọc Linh cũng như các loài dược liệu khác.
|
Cùng băn khoăn, trăn trở về vấn đề phát triển dược liệu nói chung, sâm Ngọc Linh nói riêng, đại biểu Y Hương (Tổ đại biểu huyện Tu Mơ Rông) đề nghị các cấp, các ngành có quy hoạch cụ thể về diện tích đất trồng sâm; cung ứng nguồn giống đảm bảo chất lượng, tạo điều kiện hỗ trợ vốn vay cho người dân. Đồng thời, tăng cường hướng dẫn kỹ thuật, định hướng sản xuất đối với Hồng đảng sâm để hạn chế bấp bênh trong sản xuất.
Công tác trồng rừng năm 2021 được các đại biểu nhất trí đánh giá cao. Tuy nhiên, một số đại biểu cho rằng, các cơ quan chức năng cần tiếp tục tăng cường quản lý, hướng dẫn người dân chăm sóc, nhất là đối với rừng phân tán để đảm bảo tỷ lệ cây sống. Mặt khác, theo đại biểu Y Hương, chính sách hỗ trợ người dân tham gia trồng rừng hiện quá thấp, chỉ là 10 triệu đồng/ha/chu kỳ, mức hỗ trợ này chưa đủ khuyến khích và huy động sự tham gia của người dân.
Tại phiên thảo luận, đại biểu Lê Minh Chính (Tổ đại biểu huyện Sa Thầy) và đại biểu Ka Ba Thành (Tổ đại biểu huyện Đăk Hà) cùng bày tỏ lo lắng khi tỉnh đề ra chỉ tiêu về mức thu nhập đầu người, giải quyết việc làm, giảm nghèo khá cao. Vì vậy, để đảm bảo hoàn thành các chỉ tiêu này, đề nghị UBND tỉnh, các ngành chức năng và các địa phương phải có giải pháp quyết liệt, đồng bộ, cụ thể hơn, đặc biệt là phải tăng cường kêu gọi thu hút đầu tư vào lĩnh vực mà tỉnh có thế mạnh, qua đó, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, thúc đẩy tăng trường kinh tế.
Tham gia thảo luận về lĩnh vực văn hóa - xã hôi, đại biểu Phan Thị Thủy (Tổ đại biểu huyện Ngọc Hồi) nêu vấn đề, để thực hiện đạt mục tiêu có 90,8% dân số tham gia bảo hiểm y tế trong năm tới, tương đương phải phát triển được 38.000 đối tượng. Đây là một con số khá lớn, trong khi tình hình sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp vẫn còn khó khăn. Mặt khác, hiện nay, nhiều đối tượng không thuộc diện được cấp bảo hiểm y tế miễn phí cũng không có điều kiện để tham gia, do đó, các cấp, các ngành cần xem xét, đề ra biện pháp căn cơ hơn để thực hiện mục tiêu này.
Ngoài ra, các vấn đề như thực trạng tảo hôn vùng đồng bào DTTS, vùng sâu, vùng xa; vấn đề về quy hoạch “treo”, công tác đền bù, giải phóng mặt bằng còn nhiều bất cập…cũng được các đại biểu nêu ra trong phiên thảo luận tại Hội trường.
|
Thay mặt UBND tỉnh, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Sâm tiếp thu, giải trình, làm rõ thêm một số vấn đề mà đại biểu HĐND tỉnh nêu ra tại phiên thảo luận để đại biểu và cử tri biết, chia sẻ.
|
Kết luận phiên thảo luận, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Dương Văn Trang thông tin, sau 2 phiên thảo luận tại tổ và hội trường, đã có 59 lượt ý kiến, các đại biểu tham gia thảo luận trên tất cả các lĩnh vực. Đa số các đại biểu thống nhất đánh giá cao kết quả đạt được trong năm 2021. Bên cạnh đó, HĐND tỉnh cũng chỉ ra một số vấn đề tồn tại cần khắc phục để UBND tỉnh, các cơ quan chuyên môn chỉ đạo thường xuyên, liên tục trong năm 2022, đảm bảo thực hiện đạt và vượt chỉ tiêu Nghị quyết đề ra.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đánh giá phiên thảo luận tại tổ và hội trường đã đạt được mục đích yêu cầu đề ra. Đề nghị các đại biểu HĐND tỉnh tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm, tham gia thảo luận tích cực, sôi nổi, có nhiều ý kiến chất lượng trong các kỳ họp tới.
Thùy Hương