Phiên họp lần thứ hai Ban Chỉ đạo của Chính phủ về phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và Đề án 06

17/05/2025 13:56

Sáng 17/5, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng ban Ban Chỉ đạo của Chính phủ về phát triển khoa học, công nghệ (KHCN), đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và Đề án 06, chủ trì và chỉ đạo Phiên họp thứ hai của Ban Chỉ đạo. Phiên họp diễn ra theo hình thức trực tiếp, kết nối trực tuyến tới các bộ, ngành và 63 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Dự phiên họp tại đầu cầu Trung ương có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình; Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc; các thành viên Ban Chỉ đạo của Chính phủ.

 
Quang cảnh phiên họp tại đầu cầu của tỉnh. Ảnh: TH

 

Tại đầu cầu của tỉnh có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Tháp, đại diện lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh.

Tại phiên họp, lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ công bố các quyết định của Thủ tướng Chính phủ kiện toàn Ban Chỉ đạo của Chính phủ về phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và Đề án 06; quyết định thành lập 3 tổ công tác giúp việc Ban Chỉ đạo của Chính phủ. Đồng thời, báo cáo về kết quả thực hiện Nghị quyết số 03/NQ-CP ngày 9/1/2025 và Nghị quyết số 71/NQ-CP ngày 1/4/2025 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 57- NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

Theo đó, thời gian qua, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với các bộ, ngành liên quan, địa phương đã tập trung triển khai thực hiện đồng bộ các nhóm nhiệm vụ, giải pháp nhằm nâng cao nhận thức, tạo đột phá về tư duy, thể chế, hạ tầng công nghệ, chất lượng nguồn nhân lực phục vụ phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển  đổi số quốc gia; đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng KHCN trong hoạt động của các cơ quan nhà nước và doanh nghiệp.

Về việc thực hiện Đề án 06, theo báo cáo của Bộ Công an, từ sau phiên họp lần thứ nhất (ngày 18/3/2025) đến nay, các Bộ, ngành, địa phương đã quyết liệt triển khai 18 nhiệm vụ mà Thủ tướng Chính phủ giao và đạt được những kết quả tích cực. Trong đó, nổi bật là đã phát động phong trào và ra mắt nền tảng “Bình dân học vụ số”; triển khai thí điểm nhận diện sinh trắc học tại Nhà ga T3, Cảng hàng không Tân Sơn Nhất; đã hoàn thành tích hợp 56/76 thủ tục hành chính thiết yếu trên Cổng dịch vụ công quốc gia; cả nước đã có 172 cơ sở khám, chữa bệnh tại 29 địa phương sử dụng Bệnh án điện từ...

Theo báo cáo của Bộ Nội vụ cũng về quả thực hiện các nhiệm vụ về cải cách hành, trong 4 tháng đầu, Quốc hội đã ban hành 1 Nghị quyết về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước, 4 Nghị quyết về việc sắp xếp tổ chức bộ máy của Quốc hội, Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV; đặc biệt là Nghị quyết về cơ cấu tổ chức của Chính phủ. Cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ 2021 - 2026 gồm có 17 bộ, cơ quan ngang bộ, giảm 5 bộ, ngành; số lượng cơ quan thuộc Chính phủ là 5 cơ quan, giảm 3 cơ quan so với trước khi thực hiện sắp xếp. Về tổ chức bên trong các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ giảm 13/13 tổng cục và tổ chức tương đương, giảm 519 cục và tổ chức tương đương, giảm 219 vụ và tổ chức tương đương, giảm 3.303 chi cục và tương đương chi cục, giảm 203 đơn vị sự nghiệp công lập...

Tại phiên họp, đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương tập trung thảo luận, đánh giá về những kết nổi bật; đồng thời, nêu ra những hạn chế, yếu kém, rào cản, điểm nghẽn, Chính phủ và các cơ quan chức năng có giải pháp tháo gỡ nhằm tiếp tục đẩy mạnh phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và thực hiện hiệu quả Đề án 06.

Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh KHCN, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số là nền tảng để phát triển bền vững; đề nghị các bộ, ngành, địa phương trên cơ sở chức năng nhiệm vụ được giao phát huy cao nhất vai trò trách thực đẩy mạnh thực hiện nhiệm vụ này. Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức vai trò của KHCN, đổi mới sáng tạo đối với sự phát triển; hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách; đảm bảo nguồn lực cho KHCN, đổi mới sáng tạo gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý các vấn đề phát sinh, nâng cao hiệu quả tổ chức thực hiện. Quan tâm huy động hợp tác công tư, nhất là sự tham gia của doanh nghiệp, người dân...

Thủ tướng Chính phủ lưu ý, các bộ ngành, địa phương phải tự xây dựng cơ sở dữ liệu của ngành, địa phương để kết nối dữ liệu quốc gia theo đúng phân cấp, phân quyền; thay đổi tư duy, nhận thức để nâng cao hiệu quả cải cách hành chính. Nâng cao chất lượng dịch vụ công trực tuyến, dịch vụ số cho người dân và doanh nghiệp...

Thùy Hương

 

Chuyên mục khác