06/12/2019 19:09
|
Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn, có 10 đại biểu HĐND tỉnh tham gia chất vấn và tranh luận. Các đại biểu lựa chọn các vấn đề “nóng” từ các lĩnh vực kinh tế đến văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh đang được dư luận xã hội quan tâm để đặt câu hỏi với các cấp, các ngành và nghị trường cũng dần “nóng lên” qua quá trình trao đổi giữa người chất vấn và người được chất vấn. Theo đó, 10 thủ trưởng các đơn vị liên quan đăng đàn trả lời các ý kiến của các đại biểu HĐND tỉnh.
Mở đầu phiên chất vấn, đại biểu Y Vól (Tổ đại biểu huyện Sa Thầy) bày tỏ lo ngại về tình hình vi phạm pháp luật, tội phạm có chiều hướng gia tăng, đồng thời thẳng thắn đặt câu hỏi “ngành Công an có giải pháp nào để hạn chế tình trạng này?”
Trả lời ý kiến đại biểu Y Vól, Đại tá Nguyễn Công Văn - Giám đốc Công an tỉnh cho biết, năm 2019, các vụ án nổi cộm, gây bức xúc dư luận đều được điều tra làm rõ; các vụ xâm hại trẻ em được điều tra, xử lý quyết liệt hơn; tội phạm liên quan đến “tín dụng đen” đã bị trấn áp mạnh, tạo được chuyển biến tích cực.
Đại tá Nguyễn Công Văn khẳng định, để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác phòng chống các loại tội phạm, cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền, ngành Công an sẽ thường xuyên mở các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm các tuyến, địa bàn, đối tượng trọng điểm; tăng cường tuần tra, kiểm soát trên các tuyến giao thông và địa bàn trọng điểm, kịp thời phát hiện và đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm nguy hiểm và các hành vi vi phạm pháp luật...
Tình trạng nhiều tổ chức, cá nhân, hộ gia đình được giao đất nhưng sử dụng không đúng mục đích, xây dựng công trình không có giấy phép, xây dựng sai nội dung giấy phép xây dựng, tự ý mở đường, phân lô bán đất nền và xây dựng nhà ở không theo quy hoạch diễn ra ở nhiều nơi gây bức xúc được các đại biểu đặt ra và làm “nóng” phiên chất vấn.
Đại biểu Nguyễn Xuân Khánh (Tổ đại biểu huyện Tu Mơ Rông) đi ngay vào vấn đề cử tri và dư luận quan tâm hiện nay là “Có hay không sự buông lỏng quản lý của các cấp, các ngành trong công tác quản lý đất đai, xây dựng trên địa bàn; trách nhiệm quản lý nhà nước của các ngành”?
|
Trả lời về vấn đề này, ông Nguyễn Quang Hải - Giám đốc Sở Xây dựng thẳng thắn thừa nhận, trong thời gian qua đơn vị và UBND các huyện, thành phố buông lỏng công tác quản lý nhà nước về xây dựng và trật tự xây dựng, trật tự đô thị; công tác kiểm tra, giám sát chưa được thực hiện thường xuyên, liên tục; công tác xử lý vi phạm chưa kiên quyết... dẫn đến vi phạm diễn ra ở nhiều nơi, kéo dài.
Ông Nguyễn Quang Hải cho biết, để giải quyết vấn đề, ngoài việc tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành các quy định của pháp luật về đất đai, quy hoạch, xây dựng và trật tự đô thị; phối hợp với đơn vị, địa phương liên quan tăng cường công tác quản lý; tổ chức ra quân đợt cao điểm nhằm lập lại trật tự xây dựng, trật tự đô thị; tổ chức thanh tra việc xây dựng nhà ở thương mại, phân lô, bán nền trái pháp luật để có cơ sở xử lý các đối tượng vi phạm.
|
Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Xuân Khánh về việc một số doanh nghiệp thu gom, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất của người dân rồi tự ý phân lô, xây dựng nhà ở để kinh doanh theo hình thức hộ gia đình, cá nhân tự chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản trên đất, không lập dự án trình cấp có thẩm quyền xem xét, cho chủ trương; Giám đốc Sở Tài Nguyên và Môi trường - Nguyễn Văn Lộc thừa nhận, trên địa bàn tỉnh có xảy ra tình trạng này, nhưng tập trung chủ yếu ở thành phố Kon Tum.
|
Tiếp tục trả lời chất vấn của đại biểu Y Phương (Tổ đại biểu thành phố Kon Tum) về những giải pháp giải quyết vấn đề thiếu đất ở, đất sản xuất cho người dân trên địa bàn thành phố Kon Tum có đất bị thu hồi để thực hiện các dự án, ông Nguyễn Văn Lộc - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: Thời gian gần đây, trên địa bàn thành phố Kon Tum có triển khai thực hiện nhiều dự án quan trọng phải thu hồi đất của người dân dẫn đến việc một bộ phận nhân dân bị thiếu đất ở, đất sản xuất. Các ngành, địa phương đã thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đảm bảo đúng theo quy định của pháp luật, tính đủ, tính đúng tài sản bị ảnh hưởng của người dân.
“Tuy nhiên, để hỗ trợ cho người thiếu đất ở, đất sản xuất, hiện nay, đơn vị phối hợp với Công ty TNHH MTV Cao su Kon Tum tham mưu UBND tỉnh có văn bản đề nghị Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam tạo điều kiện trong việc thu hồi trước một số diện tích để thực hiện xây dựng các khu tái định canh, tái định cư để giải quyết nhu cầu của nhân dân” - ông Nguyễn Văn Lộc cho biết.
Quyền Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Tấn Liêm nhận được nhiều ý kiến chất vấn nhất liên quan đến các chính sách khuyến khích hỗ trợ đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn; xây dựng cánh đồng lớn.
Trả lời các ý kiến, ông Nguyễn Tấn Liêm thể hiện sự am hiểu và nắm vững quá trình thực hiện phát triển nông nghiệp có thông qua những con số thống kê chi tiết, cụ thể: Đến nay UBND tỉnh đã phê duyệt chủ trương đầu tư cho 31 dự án cho các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân đầu tư nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với tổng vốn đăng ký đầu tư đạt 7.194,586 tỷ đồng. Hiện tại, toàn tỉnh còn 27/31 dự án nông nghiệp áp dụng công nghệ cao còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký đạt 6.996,182 tỷ đồng trên tổng diện tích đất cho thuê 889,71ha. Trong số 27 dự án của các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân còn hiệu lực, hiện có 14 doanh nghiệp được chấp thuận chủ trương đầu tư lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn được tiếp cận hỗ trợ từ các chính sách ưu đãi về: đất đai, thuế; thu hút đầu tư, đào tạo nguồn nhân lực và phát triển thị trường, tín dụng… Ông Nguyễn Tấn Liêm cũng cho biết thêm về việc một số doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân còn hạn chế về năng lực dẫn đến khó khăn trong việc tiếp cận các chính sách.
Làm rõ thêm về vấn đề đại biểu Y Phương chất vấn, ông Phan Văn Thế - Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư thông tin về một số dự án của các Tập đoàn kinh tế lớn đã đến tìm hiểu, đầu tư tại tỉnh như: Tập đoàn FLC; Tập đoàn Vingroup; Tập đoàn TH... và nhiều chính sách của Trung ương, tỉnh nhằm khuyến khích các doanh nghiệp, cá nhân đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.
Các nội dung khác liên quan đến công tác dồn đổi, tích tụ ruộng đất, xây dựng cánh đồng lớn liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị… đều được giải đáp thỏa đáng.
Trả lời ý kiến chất vấn của đại biểu Nguyễn Thị Liên - Chủ tịch Hội LHPN tỉnh (Tổ đại biểu HĐND tỉnh tại huyện Kon Rẫy) về các giải pháp để cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi, ông Đào Duy Khánh - Giám đốc Sở Y tế cho hay: Ngành Y tế sẽ phối hợp với các sở ngành và UBND các huyện, thành phố tổ chức hội thảo đánh giá hiệu quả các mô hình điểm làm giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng trên địa bàn để nhân rộng ra các địa phương khác trong tỉnh; triển khai và nhân rộng Chương trình sữa học đường nhằm cải thiện tình trạng dinh dưỡng, góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và tiểu học trên địa bàn tỉnh...
Đồng chí Nguyễn Văn Hùng - Chủ tọa Kỳ họp lưu ý, để cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em, ngoài trách nhiệm của ngành Y tế cần có sự phối hợp của nhiều cấp, nhiều ngành và người dân và phải có chiến lược lâu dài.
Vấn đề tuyển dụng biên chế giáo viên mầm non và tuyển dụng đặc cách đối với các giáo viên hợp đồng trước năm 2015 được đại biểu Võ Thanh Chín (Tổ đại biểu huyện Ia H’Drai) đặt ra tại phiên chất vấn.
Trả lời về vấn đề này, ông A Cường - Giám đốc Sở Nội vụ thông tin, năm 2019, tỉnh ta được Bộ Nội vụ giao 804 chỉ tiêu biên chế giáo viên mầm non, đến nay, 2 địa phương đã triển khai xong công tác tuyển dụng. Toàn tỉnh cũng có 212 giáo viên đủ điều kiện xét tuyển đặc cách dự kiến trong tháng 12/2019 sẽ hoàn thành.
Ngoài ra, các đại biểu cũng tiến hành chất vấn Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh về giải pháp quản lý, giáo dục đối với người chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ và người bị xử phạt tù nhưng cho hưởng án treo; chất vấn Chánh Thanh tra tỉnh về việc thực hiện công khai các kết luận thanh tra trên địa bàn tỉnh…
Cuối phiên chất vấn, đồng chí Nguyễn Văn Hòa - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh trả lời, làm rõ một số vấn đề mà các đại biểu quan tâm về việc quy định mức thu quyền sử dụng đất; thực hiện chính sách hỗ trợ, ưu đãi đối với lĩnh vực phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nguyên nhân và một số giải pháp hạn chế tình trạng học sinh vùng đồng bào DTTS bỏ học; tích cực thực hiện các giải pháp để nâng cao tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế…
Về vấn đề tuyển dụng biên chế giáo viên, đồng chí Nguyễn Văn Hòa thông tin thêm, UBND tỉnh sẽ vận dụng linh hoạt các quy định, cân đối chỉ tiêu biên chế của các địa phương để tuyển dụng nhằm hạn chế thấp nhất việc phải cắt hợp đồng đối với các giáo viên.
Hoạt động chất vấn diễn ra trong không khí dân chủ, sôi nổi, thẳng thắn và trách nhiệm, cách thức chất vấn được đổi mới, hỏi ngắn, đáp gọn. Chủ tọa điều hành hết sức linh hoạt, mềm dẻo, gợi mở các vấn đề trên cơ sở tôn trọng nguyên tắc.
Lãnh đạo các sở, ngành được chất vấn trả lời khá đầy đủ, đúng trọng tâm, giải trình và làm rõ những các vấn đề được các đại biểu nêu ra. Điều này thể hiện được khả năng nắm bắt, bao quát tình hình ngành, lĩnh vực phụ trách của các thủ trưởng cơ quan, đơn vị một cách kỹ lưỡng, chắc chắn. Những vấn đề còn tồn tại, hạn chế, các đơn vị được chất vấn cam kết khắc phục trong thời gian tới để nâng cao hiệu lực, hiệu quả điều hành; tạo sự chuyển biến trong thực thi công vụ, góp phần vào thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Mặc dù thời gian dành cho phiên chất vấn có hạn, nhưng các thông tin mang lại vô cùng quan trọng và giúp các ngành, đơn vị đưa những giải pháp thực hiện hiệu quả các vấn đề còn vướng mắc, được người dân quan tâm. Qua hoạt động chất vấn, người dân có thể giám sát về lời hứa của các lãnh đạo ngành, lĩnh vực, địa phương.
Thùy Hương - Quang Định