26/03/2021 06:03
|
|
Tham dự có đồng chí: Lê Ngọc Tuấn - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; Tổ cấp ủy phụ trách huyện Đăk Tô; lãnh đạo các sở, ban, ngành; Ban Thường vụ Huyện ủy và trưởng, phó các cơ quan, đơn vị thuộc huyện Đăk Tô.
|
Tại cuộc làm việc, Thường trực Huyện ủy Đăk Tô báo cáo, trong năm qua, Ban Thường vụ Huyện ủy Đăk Tô đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế. Trong đó, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 140 tỷ đồng, vượt 51% dự toán giao; giải ngân vốn đầu tư công 77.515 triệu đồng, đạt 88,1% kế hoạch; giá trị sản xuất công nghiệp đạt 750 tỷ đồng, bằng 98,7% so với cùng kỳ năm 2019; thương mại, dịch vụ tiếp tục phát triển với tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ xã hội là 800 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch, tăng 6,7%; thu nhập bình quân đầu người đạt 37 triệu đồng/năm; đến cuối năm 2020, toàn huyện còn 887 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 7,14%; số hộ cận nghèo 811 hộ chiếm tỷ lệ 6,53% so với tổng số hộ toàn huyện.
Huyện đã hoàn thiện quy hoạch chi tiết và triển khai dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp phía tây thị trấn Đăk Tô với diện tích 50 ha; thu hút 85 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh vào hoạt động trong cụm công nghiệp của huyện. Công tác xúc tiến, kêu gọi đầu tư, có 30 doanh nghiệp đến khảo sát, tìm kiếm cơ hội đầu tư; qua đó có 8 dự án được phê duyệt với kinh phí thực hiện trên 80 tỷ đồng. Toàn huyện đã thành lập thêm 3 hợp tác xã (HTX), nâng tổng số hợp tác xã trên địa bàn lên 15 HTX.
Toàn huyện hiện có 17.477ha cây trồng, trong đó cây công nghiệp 10.591ha (chủ yếu cây ăn quả, cao su, cà phê, mắc ca). Huyện thực hiện hiệu quả dồn điền đổi thửa, thực hiện đạt năng suất cao đối với cánh đồng mẫu lớn và duy trì tốt một số mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng khoa học kỹ thuật gắn với chuỗi liên kết giá trị cho kết quả tích cực (mô hình sản xuất rau an toàn, nếp cái hoa vàng, cà phê vối theo tiêu chuẩn VietGAP)…; có 8 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP cấp tỉnh. Đối với chăn nuôi, huyện có tổng đàn trâu, bò 7.900 con, đàn lợn 13.500 con và nuôi trồng thủy sản được 91,6ha. Đến nay, huyện giao khoán, quản lý, bảo vệ và phát triển rừng hơn 9.000ha; trong đó giao khoán 4.972,7ha rừng cho nhóm hộ gia đình, cộng đồng quản lý. Huyện có 3 xã đạt 19/19 tiêu chí nông thôn mới (Kon Đào, Tân Cảnh và Diên Bình), các xã còn lại đạt từ 14 - 17 tiêu chí.
Ở lĩnh vực văn hóa - xã hội, huyện đã quan tâm đầu tư hệ thống trường, lớp học các cấp với 26/34 trường đạt chuẩn quốc gia. Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân có chuyển biến tích cực, 9/9 xã thị trấn đạt bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 90%. Các chính sách an sinh xã hội đối với người có công, người nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội được triển khai kịp thời, đầy đủ, đúng đối tượng. 9/9 xã, thị trấn có nhà văn hóa - thể thao; đa số các thôn, làng có nhà rông, khu thể thao; công tác khôi phục, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc gắn với xúc tiến, quảng bá du lịch trên địa bàn huyện tiếp tục được quan tâm đúng mức.
Về quốc phòng - an ninh, Huyện ủy thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các chỉ thị của Bộ Chính trị, chương trình mục tiêu quốc gia về phòng chống tội phạm, các văn bản của Trung ương, của tỉnh về đảm bảo an ninh, trật tự và công tác quân sự, quốc phòng địa phương. Năm 2020 đã chỉ đạo tổ chức phát động được 115 đợt tại các khối, thôn, trường học với khoảng 13.000 lượt người tham gia phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.
Trong công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, Huyện ủy chỉ đạo quán triệt, triển khai kịp thời các nghị quyết, kết luận của Trung ương, Tỉnh ủy, nhất là tập trung thực hiện nghiêm Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị "về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh". Năm 2020, Đảng bộ huyện có 52 tổ chức cơ sở đảng. Công tác bảo vệ chính trị nội bộ, kiểm tra, giám sát công tác đảng được thực hiện đúng quy trình, quy định.
Huyện có một số kiến nghị: Đề nghị tỉnh làm việc với Công ty TNHH MTV Cao su Kon Tum bàn giao diện tích đất trồng cao su hết chu kỳ khai thác về cho địa phương quản lý, sử dụng theo quy hoạch đất đã được UBND tỉnh phê duyệt; chỉ đạo thanh tra tình hình quản lý, sử dụng đất của một số doanh nghiệp, công ty (đã được tỉnh phê duyệt) cho thuê đất trên địa bàn nhưng không thực hiện quản lý, sử dụng đất đúng theo quy định.
Giai đoạn 2021-2025, huyện được giao triển khai thực hiện trồng mới 900ha rừng. Để tạo điều kiện thuận lợi cho công tác vận động nhân dân trồng, phát triển rừng và hưởng lợi sản phẩm dưới tán rừng trong 3 năm đầu, đề nghị tỉnh có cơ chế, chính sách hỗ trợ sinh kế thêm (ngoài các chính sách về hỗ trợ phát triển rừng của trung ương); tỉnh sớm thành lập và triển khai xây dựng khu công nghiệp Đăk Tô và khu công nghiệp chế biến dược liệu Tân Cảnh; tiếp tục đôn đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Tân Mai sớm đầu tư hoàn thành nhà máy sản xuất tinh bột giấy và giấy Đăk Tô; sớm cho chủ trương lập quy hoạch và đẩy nhanh tiến độ lập dự án tu bổ, tôn tạo, phát huy giá trị di tích lịch sử cấp quốc gia đặc biệt Địa điểm chiến thắng Đăk Tô -Tân Cảnh; sớm cho chủ trương đầu tư, sửa chữa, nâng cấp đoạn đường từ cầu sập đến cầu 10 tấn, giáp Kon Đào, thuộc Quốc lộ 40B đã xuống cấp, hư hỏng nặng.
|
|
|
Đối với các kiến nghị của Ban Thường vụ Huyện ủy Đăk Tô, đại diện các sở, ngành đã trả lời, làm rõ một số nội dung để địa phương đồng thuận, phối hợp thực hiện trong thời gian tới.
Phát biểu kết luận, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang thay mặt Ban Thường vụ Tỉnh ủy ghi nhận những cố gắng, phấn đấu của Ban Thường vụ Huyện ủy Đăk Tô trong năm 2020 để hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao về phát triển kinh tế xã hội, giữ vững an ninh trật tự và xây dựng Đảng, hệ thống chính trị trên địa bàn.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cũng chỉ ra, năm qua, địa phương vẫn còn một số hạn chế cần lưu ý có giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo thời gian tới, nhất là năm 2021; Ban Thường vụ Huyện ủy Đăk Tô nghiên cứu, chỉ đạo tập trung cho xã Ngọc Tụ đạt nông thôn mới; các xã chưa đạt nông thôn mới phải cố gắng phấn đấu đầu tư, nâng cao đạt thêm 2-3 tiêu chí/xã; đẩy mạnh giảm nghèo xuống còn khoảng 4%; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động 15 HTX hiện có; phấn đấu nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP. Ở các xã, thị trấn cần chú trọng tổ chức hợp tác sản xuất, phát triển kinh tế cho người dân vùng đồng bào DTTS. Tuyên truyền, vận động bà con biết ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, hướng tới thành lập khu nông nghiệp công nghệ cao, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng nông sản được trồng.
Huyện tập trung tiếp tục duy trì ổn định diện tích cà phê sẵn có, đồng thời cải tạo diện tích vườn cà phê đã già cỗi cho năng suất thấp; mở rộng diện tích mắc ca hiện có 41ha lên 200ha đúng kế hoạch đề ra năm 2021. Đối với cây ngắn ngày, cần đưa các loại cây trồng phù hợp nhu cầu thực tế các doanh nghiệp, nhà máy đang tìm kiếm vùng nguyên liệu chế biến như chanh dây, mía.
Đối với phát triển du lịch, cần kêu gọi, tạo điều kiện tốt nhất cho nhà đầu tư đến tìm hiểu, đăng ký và đầu tư vào thế mạnh của địa phương; kêu gọi đầu tư vào cụm công nghiệp chú ý vào khuyến khích lĩnh vực chế biến dược liệu không những cho huyện Đăk Tô, mà cho cả các huyện khác trong tỉnh.
Mặt khác, các cấp ủy đảng ở huyện Đăk Tô phải năng động hơn nữa trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác phát triển kinh tế - xã hội ngày càng tốt hơn. Mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân luôn phát huy truyền thống cách mạng, biết khơi dậy khát vọng làm giàu cho gia đình và cho xã, cho huyện của mình. Đồng thời, Ban Thường vụ Huyện ủy đẩy nhanh, mạnh cuộc vận động người dân thay đổi cách nghĩ, cách làm để sớm vươn lên thoát nghèo; lãnh đạo thường xuyên, nghiêm túc công tác ngăn chặn, xử lý các hoạt động phá rừng và vận chuyển trái phép lâm sản trên địa bàn; lưu ý đây là trọng trách và là tiêu chí quan trọng để mỗi tổ chức cơ sở đảng đánh giá năng lực hoàn thành nhiệm vụ chính trị của từng cán bộ, đảng viên trong cơ quan, đơn vị liên quan lĩnh vực trên.
Mai Trâm