Những thành tựu nổi bật trong 5 năm xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh

30/09/2015 13:18

Những thành tựu đạt được thể hiện sự nỗ lực, thống nhất và quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, đồng thời khẳng định sự đúng đắn trong định hướng phát triển và tính hiệu lực, hiệu quả của công tác chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong 5 năm qua...

Tỉnh Kon Tum triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015 trong bối cảnh nền kinh tế của đất nước gặp nhiều khó khăn, Trung ương triển khai các giải pháp tập trung ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội. Trong tỉnh, điều kiện kinh tế - xã hội còn hết sức khó khăn, quy mô nền kinh tế còn nhỏ, sức cạnh tranh thấp, nguồn lực đầu tư còn hạn chế, bên cạnh đó phải tập trung ưu tiên khắc phục hậu quả thiên tai do ảnh hưởng cơn bão số 9 năm 2009. Song, với sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát và hỗ trợ kịp thời của Trung ương, cùng với sự nỗ lực, quyết tâm cao của các cấp, các ngành và nhân dân trong tỉnh, tình hình phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015 đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Để thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội đã được Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV đề ra, tỉnh Kon Tum đã tập trung xây dựng, ban hành các đề án, chính sách phát triển kinh tế - xã hội và lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện ngay từ đầu nhiệm kỳ, trong đó phải kể đến các đề án, chính sách nổi bật như: xây dựng nông thôn mới (Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 27-4-2011 của Tỉnh ủy), phát triển lâm nghiệp theo hướng bền vững (Nghị quyết số 02-NQ/TU ngày 01-7-2011 của Tỉnh ủy), phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn và sản phẩm chủ lực (Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 27-7-2011 của Tỉnh ủy), nâng cao chất lượng và đẩy nhanh công tác giảm nghèo (Nghị quyết 23/2012/NQ-HĐND ngày 21-7-2012 của HĐND tỉnh); các chính sách hỗ trợ đầu tư xã trọng điểm đặc biệt khó khăn, hỗ trợ phát triển cao su tiểu điền, hỗ trợ phát triển cây cà phê xứ lạnh tại các huyện vùng Đông Trường Sơn (Nghị quyết số 30/2011/NQ-HĐND ngày 14-12-2011, Nghị quyết số 08/2013/NQ-HĐND ngày 04-7-2013 của HĐND tỉnh)…

Đồng chí Đào Xuân Quí (người thứ 4 từ phải sang) kiểm tra phong trào thi đua "Kon Tum chung sức xây dựng nông thôn mới" tại huyện Kon Rẫy

 

Bên cạnh chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Trung ương, việc ban hành và triển khai đồng bộ các chính sách phát triển kinh tế - xã hội của địa phương đã tạo được sự đồng thuận, hưởng ứng tích cực của các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh, góp phần quan trọng vào thành tựu phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015:

Kinh tế tiếp tục duy trì mức tăng trưởng khá, bình quân hàng năm đạt 13,94%. Thu nhập bình quân đầu người tăng từ 718 USD năm 2010 lên 1.555 USD năm 2015. Thu ngân sách nhà nước tại địa bàn đạt 2.080 tỷ đồng, vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra.

Ngành nông nghiệp phát triển đúng định hướng và phù hợp với xu hướng dịch chuyển đầu tư vào nông nghiệp hiện nay với tốc độ tăng bình quân 7,0%/năm. Diện tích một số loài cây trồng phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của tỉnh tiếp tục được mở rộng, tạo ra các vùng chuyên canh nguyên liệu cho công nghiệp chế biến: Đến cuối năm 2015, diện tích cà phê toàn tỉnh đạt 14.866ha, tăng 3.216ha so với năm 2010; diện tích cây cao su đạt 74.653ha, tăng 30.783ha so với năm 2010; diện tích sâm Ngọc Linh đạt 180ha. Đã thu hút một số doanh nghiệp có uy tín, tiềm lực tài chính đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, kỳ vọng sẽ tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế theo hướng bền vững, giải quyết việc làm và giảm nghèo, như: đầu tư trồng cỏ, chăn nuôi bò sữa, dê sữa, bò thịt; đầu tư nông trại hữu cơ sản xuất các loại rau, củ, quả công nghệ cao… Chương trình xây dựng nông thôn mới được quan tâm chỉ đạo tích cực, đạt nhiều kết quả, góp phần thay đổi diện mạo khu dân cư và đời sống người dân ở nông thôn, đến cuối năm 2015 dự kiến có 9 xã đạt tiêu chí nông thôn mới.

Ngành công nghiệp phát triển cả về quy mô và chất lượng, tốc độ tăng bình quân gần 16,7%/năm. Đã phát triển một số sản phẩm có thương hiệu và sức cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước như: các sản phẩm đồ gỗ xuất khẩu, cà phê (Đăk Hà, Thanh Hương, Da Vàng), rượu vang sim Măng Đen, sâm Ngọc Linh... Các ngành công nghiệp có lợi thế đã được quan tâm đầu tư như thủy điện, chế biến nông lâm sản, sản xuất vật liệu xây dựng không nung, viên nén năng lượng... Hạ tầng khu kinh tế cửa khẩu, khu công nghiệp đã được quan tâm đầu tư, thu hút được nhiều dự án đầu tư; nhiều làng nghề thủ công truyền thống từng bước được khôi phục và phát triển, tạo việc làm và tăng thu nhập cho người dân.

Hoạt động thương mại tiếp tục phát triển, hệ thống phân phối hàng hóa, nhất là trung tâm thương mại cấp huyện, chợ cụm xã, cửa hàng thương mại ở các xã khu vực III không ngừng được đầu tư, nâng cấp. Cùng với việc triển khai các chính sách thương mại miền núi, thực hiện tốt Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và Chương trình “Đưa hàng về nông thôn” đã đáp ứng nhu cầu trao đổi hàng hóa, tiêu dùng của nhân dân trên địa bàn tỉnh, góp phần tham gia bình ổn giá cả các mặt hàng thiết yếu. Hạ tầng khu du lịch sinh thái Măng Đen đã được quan tâm đầu tư; các khu, tuyến, điểm du lịch được đầu tư và đưa vào khai thác; đã phát triển một số sản phẩm, loại hình du lịch như du lịch văn hóa, cộng đồng, du lịch sinh thái, trải nghiệm, thu hút lượng khách du lịch đến tỉnh bình quân hằng năm tăng 17,85%, tổng doanh thu hoạt động du lịch năm 2015 đạt gần 130 tỷ đồng.

Hệ thống kết cấu hạ tầng được đầu tư ngày càng hoàn thiện. Đặc biệt, các quốc lộ 24, 14C, đường Hồ Chí Minh đã được đầu tư cơ bản hoàn chỉnh, phá thế ngõ cụt và tạo nên hệ thống giao thông liên vùng, kết nối với các vùng kinh tế trọng điểm trong nước và các tỉnh trên tuyến hành lang thương mại quốc tế nối từ Myanma - Đông Bắc Thái Lan - Nam Lào với khu vực Tây Nguyên, duyên hải miền Trung và Đông Nam bộ của Việt Nam qua Cửa khẩu quốc tế Bờ Y. Các tuyến tỉnh lộ cũng đã được đầu tư, nâng cấp; hệ thống đường liên xã và giao thông nông thôn cơ bản lưu thông thuận lợi, thông suốt hai mùa. Điện lưới đã đến 98,66% thôn, làng và trên 98,68% số hộ được sử dụng điện; trên 86% hộ được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Kết cấu hạ tầng đô thị, trung tâm các huyện, xã và cụm xã được đầu tư, mở rộng và ngày càng khang trang.

Lĩnh vực văn hóa, xã hội tiếp tục được quan tâm đầu tư phát triển và có nhiều tiến bộ. Hệ thống trường, lớp học tiếp tục được đầu tư, mở rộng và chuẩn hóa, tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia ngày càng tăng; chất lượng giáo dục-đào tạo được nâng lên, thể hiện qua tỷ lệ học sinh các cấp học đỗ tốt nghiệp và tỷ lệ học sinh THPT thi đậu vào các trường cao đẳng, đại học ngày càng cao; các trường dạy nghề được nâng cấp, mở rộng (toàn tỉnh có 13 đơn vị dạy nghề và 3 đơn vị tham gia đào tạo nghề cho lao động nông thôn), góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo chung từ 33% lên 42%. Cơ sở hạ tầng y tế từ tuyến tỉnh đến cơ sở được đầu tư, nâng cấp; có 50% số xã đạt bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã giai đoạn 2011-2020; tỷ lệ xã có bác sĩ tăng từ 17,5% năm 2010 lên 100% năm 2015. Công tác giảm nghèo được chú trọng và đạt kết quả, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh từ 33,36% năm 2011 xuống còn 11,5% năm 2015, bình quân mỗi năm giảm 4,37%.

Quốc phòng an ninh, trật tự an toàn xã hội ổn định, hoạt động đối ngoại ngày càng đẩy mạnh. Đã tích cực, chủ động mở rộng quan hệ, hợp tác, nhất là với các tỉnh giáp biên của nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào và Vương quốc Campuchia. Đặc biệt, tỉnh đã khởi xướng và đề ra sáng kiến hợp tác phát triển các địa phương ba nước Việt Nam, Lào, Thái Lan với điểm nhấn là hai cặp Cửa khẩu Vang Tao (Champasak, Lào) - Chong Mek (UBon Ratchathani, Thái Lan); Bờ Y (Kon Tum, Việt Nam) - Phu Cưa (Attapư, Lào) thông qua việc tổ chức Hội nghị Hợp tác phát triển giữa Kon Tum với các tỉnh vào tháng 11/2011; Hội nghị hợp tác phát triển các địa phương Việt Nam, Lào, Thái Lan vào tháng 4/2015; hợp tác song phương với các tỉnh Attapư, Sê Kông (Lào); với tỉnh Rattanakiri (Campuchia) và Ubon Ratchathani (Thái Lan) nhằm tận dụng sự thuận lợi về vị trí địa lý và sự tương đồng về lợi thế, tiềm năng giữa tỉnh Kon Tum với các tỉnh trên để thúc đẩy hợp tác tại các lĩnh vực ưu tiên là xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch, giáo dục và đào tạo.

Những thành tựu đạt được nêu trên thể hiện sự nỗ lực, thống nhất và quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, đồng thời khẳng định sự đúng đắn trong  định hướng phát triển và tính hiệu lực, hiệu quả của công tác chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong 5 năm qua. Trong 5 năm tới, dự báo tình hình sẽ còn nhiều khó khăn và thách thức, đặt ra yêu cầu mới về phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường và giảm nghèo bền vững. Chính vì vậy, những thành tựu đã đạt được sẽ tạo tiền đề quan trọng để xác định mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn tới; tạo động lực, khí thế mới để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ, góp phần xây dựng tỉnh Kon Tum phát triển ổn định và bền vững.

                          Đào Xuân Quí - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh

 

Chuyên mục khác