Nhiều ý kiến góp ý quan trọng tại Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI

15/04/2022 14:18

Sáng 15/4, Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI bước sang ngày làm việc thứ hai tại Hội trường Ngọc Linh (thành phố Kon Tum). Đồng chí Dương Văn Trang- Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì và điều hành Hội nghị.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Dương Văn Trang chủ trì và điều hành Hội nghị. Ảnh: DĐN

 

Hội nghị thông qua báo cáo tổng hợp ý kiến của các tổ thảo luận vào chiều 14/4 và tiếp tục thảo luận các phần còn lại đối với các báo cáo, dự thảo đã trình tại Hội nghị.

Qua thảo luận, đã có 45 lượt ý kiến tham gia đối với các nội dung trình tại Hội nghị lần thứ bảy. Các ý kiến đều cơ bản thống nhất với các dự thảo trình Hội nghị; đồng thời, đề nghị bổ sung, điều chỉnh một số nội dung cho phù hợp.

Về phần ý kiến đối với Báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội, quốc phòng an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị quý I/2022; nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm quý II/2022, đa số ý kiến chủ yếu tập trung vào đề nghị bổ sung phần đánh giá, kết quả đạt được, các nội dung còn thiếu chưa phù hợp, xác định nguyên nhân hạn chế, đề nghị làm rõ hơn các nguyên nhân trách nhiệm của một số cơ quan có liên quan…

Đối với Dự thảo Quy chế làm việc của Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy khóa XVI (sửa đổi, bổ sung), nhiều ý kiến đề nghị sửa đổi, bổ sung các nội dung thuộc về thẩm quyền, về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử, để cụ thể hóa nhiệm vụ, quyền hạn của Thường trực Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy đối với công tác cán bộ và sửa đổi các câu từ cho phù hợp…

Trong phần thảo luận góp ý vào Dự thảo Nghị quyết của Tỉnh ủy “về cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và tăng cường thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh tính đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, có một số ý kiến chung đề nghị bổ sung vào phụ lục thuyết minh, phân tích, đánh giá, làm rõ xếp hạng các chỉ số của tỉnh theo đánh giá của Trung ương và những hạn chế, yếu kém để có giải pháp khắc phục trong thời gian tới. Đề nghị làm rõ cơ sở, lộ trình và giải pháp để thực hiện mục tiêu về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh thuộc nhóm khá của cả nước; chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công, chỉ số cải cách hành chính của tỉnh thuộc nhóm 30/63 tỉnh, thành phố.

Phần ý kiến thảo luận về Dự  thảo Nghị quyết của Tỉnh ủy “về đầu tư, phát triển và chế biến dược liệu trên địa bàn tỉnh tính đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, đa số các ý kiến đề nghị xem xét lại mục tiêu chung “Đưa tỉnh Kon Tum thành vùng dược liệu trọng điểm quốc gia và trở thành trung tâm sản xuất dược liệu lớn của cả nước vào năm 2025” có khả thi không; bởi sâm Ngọc Linh chỉ có thể trồng được ở một số nơi có điều kiện; việc trồng dược liệu cần ứng dụng công nghệ cao nhưng trình độ sản xuất của nhân dân còn hạn chế. Cần điều chỉnh chỉ tiêu đóng góp của ngành dược liệu trong tổng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp của tỉnh cho phù hợp. Đề nghị bổ sung giải pháp điều tra, khảo sát đánh giá lại hiện trạng trồng dược liệu tại các địa phương để quy hoạch, xây dựng kế hoạch phát triển dược liệu cho từng vùng, địa phương.

Đối với Dự thảo Nghị quyết của Tỉnh ủy “về lãnh đạo thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh Kon Tum”, đa số ý kiến tập trung vào phần quan điểm, mục tiêu; nhiệm vụ giải pháp của Dự thảo Nghị quyết, như: có giải pháp để thực hiện được mục tiêu “đến năm 2025, 100% hộ dân tộc thiểu số có đất ở, đất sản xuất”; đánh giá kết quả bố trí đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số; tỷ lệ thôn (làng) có nhà rông truyền thống và tỷ lệ hộ dân tộc thiểu số được sử dụng nước hợp vệ sinh trong thời gian qua để làm rõ cơ sở xác định các chỉ tiêu đến năm 2025…

Quang cảnh buổi làm việc sáng 15/4. Ảnh: DĐN

 

Trong Dự thảo Nghị quyết của Tỉnh ủy “về phát triển du lịch tỉnh Kon Tum đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, có nhiều ý kiến khác nhau về chỉ tiêu xây dựng các thiết chế, cơ sở hạ tầng phục vụ cho khai thác và cạnh tranh du lịch trên địa bàn tỉnh… Trong đó tập trung vào đề nghị bổ sung giải pháp tăng cường phát triển nguồn nhân lực du lịch; đẩy mạnh công tác đào tạo, tập huấn đội ngũ làm công tác du lịch, dịch vụ, gắn với tăng cường liên kết với các hiệp hội du lịch trên cả nước để đẩy mạnh quảng bá, kết nối các tour, tuyến du lịch đến địa phương; cần quan tâm đầu tư để trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử, xây dựng các tour, tuyến du lịch đến các di tích lịch sử... Đồng thời, bổ sung một số địa phương có thế mạnh về du lịch lịch sử như các huyện Sa Thầy, Đăk Hà, Tu Mơ Rông...

Buổi chiều 15/4, Hội nghị tiếp tục làm việc và bế mạc Hội nghị.

Dương Đức Nhuận

Chuyên mục khác