Nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa

28/05/2021 11:32

Quyết định 456/QĐ-UBND ngày 26/5 của UBND tỉnh về việc ban hành Đề án hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Kon Tum giai đoạn 2021-2025 xác định hàng loạt chính sách sẽ được áp dụng để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển.
Sẽ có nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa theo Đề án mới được phê duyệt. Ảnh: HL

 

Đối tượng được hỗ trợ từ đề án gồm: Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, đáp ứng các tiêu chí theo quy định của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa 2017, Nghị định số 39/2018/NĐ-CP 6 ngày 11/3/2018 của Chính phủ.

Các doanh nghiệp nhỏ và vừa đủ điều kiện sẽ được hỗ trợ về chính sách chung, như tiếp cận tín dụng; thuế, kế toán; mở rộng thị trường; thông tin, tư vấn và pháp lý; phát triển nguồn nhân lực; công nghệ; cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh… Và hỗ trợ các chính sách trọng tâm, như chuyển đổi từ hộ kinh doanh; khởi nghiệp sáng tạo; tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị.

Tổng kinh phí dự kiến để thực hiện Đề án trong giai đoạn 2021-2025 khoảng 31,45 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách nhà nước bố trí khoảng 12,7 tỷ đồng (ngân sách địa phương 3,25 tỷ đồng; ngân sách Trung ương 9,45 tỷ đồng); kinh phí trích tù nguồn chi thường xuyên của các đơn vị (khoảng 15,5 tỷ đồng); nguồn vốn xã hội hoá (dự kiến 3,25 tỷ đồng).

Đề án cũng đặt ra mục tiêu thành lập mới 380 doanh nghiệp trong năm 2021; đến hết năm 2025, toàn tỉnh có hơn 4.900 doanh nghiệp đăng ký hoạt động. Tăng tỷ trọng đóng góp của doanh nghiệp trong cơ cấu tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh khoảng 35% vào năm 2025; 100% doanh nghiệp có nhu cầu thụ hưởng các chính sách ưu đãi, hỗ trợ của Chính phủ và của tỉnh ban hành được hướng dẫn, hỗ trợ lập hồ sơ đề xuất theo quy định. Hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp và hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; xây dựng cơ sở ươm tạo hoặc khu làm việc chung để hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Đến năm 2025, hình thành được các cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị trong lĩnh vực sản xuất, chế biến các sản phẩm chủ lực, thế mạnh của tỉnh (gồm sản phẩm trồng trọt ứng dụng công nghệ cao; sản phẩm chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao; cà phê và các sản phẩm chế biến từ cà phê; cao su và các sản phẩm chế biến từ cao su; Sâm Ngọc Linh, các sản phẩm chế biến từ Sâm Ngọc Linh và các loại dược liệu; gỗ và các sản phẩm sản xuất từ gỗ; điện; du lịch sinh thái Măng Đen).

Hồng Lam

Chuyên mục khác