Ngày làm việc thứ tám, Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV

27/10/2021 18:45

Ngày 27/10, tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tiếp tục chủ trì phiên họp ngày thứ tám, Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV. 
Quang cảnh Kỳ họp tại điểm cầu Kon Tum ngày 27/10. Ảnh: TVP

 

Dự tại điểm cầu tỉnh Kon Tum có Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh U Huấn; các đại biểu Quốc hội tỉnh và lãnh đạo Bảo hiểm xã hội tỉnh.

Trong ngày làm việc thứ tám, Quốc hội tiếp tục thảo luận trực tuyến về dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển của các tỉnh: Nghệ An, Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế và thành phố Hải Phòng; tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng Quỹ bảo hiểm xã hội năm 2020; việc quản lý và sử dụng Quỹ bảo hiểm y tế năm 2020 và thực hiện Nghị quyết số 68/2013/QH13 về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế, tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân trong 2 năm 2019-2020. Đồng thời, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ trưởng Bộ Y tế giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Tại điểm cầu tỉnh Kon Tum, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phạm Đình Thanh phát biểu đánh giá cao sự quyết tâm, kịp thời, hiệu quả của Chính phủ và các bộ, ngành trong thời gian qua đã chỉ đạo, tổ chức thực hiện Nghị quyết số 68/2013/QH13 của Quốc hội về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế, tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân. Theo đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã kịp thời ban hành các chính sách, giải pháp phù hợp, quyết liệt để thực hiện mục tiêu và các chỉ tiêu cụ thể được Quốc hội giao tại Nghị quyết số 68/2013/QH13 này. Trong đó, đã thực sự quan tâm hoàn thiện việc đầu tư trạm y tế xã ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn; đã chấn chỉnh, nâng cao y đức và chất lượng khám, chữa bệnh của đội ngũ cán bộ y tế. Đặc biệt, là đã thực hiện đạt và vượt chỉ tiêu về tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đến năm 2020.

Tuy nhiên, sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 4/6/2021 “về phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025”, thì số người được ngân sách nhà nước hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế (theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế, Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018 của Chính phủ và Quyết định số 72/QĐ-TTg ngày 16/1/2021 của Thủ tướng Chính phủ) đã giảm với số lượng tương đối lớn.

Theo Văn bản số 2236/BHXH-TST ngày 27/7/2021 của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, trong cả nước có gần 5 triệu người không còn được Nhà nước tiếp tục hỗ trợ về bảo hiểm y tế. Cụ thể, sau khi rà soát và thực hiện chế độ thuộc diện ngân sách nhà nước đóng, hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế theo các nhóm đối tượng khác; trong đó, có 135 nghìn người thuộc hộ nghèo, 38 nghìn người hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội hàng tháng, 290 nghìn người thuộc hộ cận nghèo và một số nhóm đối tượng khác. Số còn lại 3,941 triệu người không nằm trong diện được ngân sách nhà nước đóng, hỗ trợ đóng theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế; trong đó, có khoảng 2,616 triệu người là đồng bào DTTS.

Thực tế, qua quá trình khảo sát của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum và theo Văn bản 2352/UBND-KGVX ngày 12/7/2021 của UBND tỉnh Kon Tum, cho thấy trong số những người không còn được nhà nước hỗ trợ về bảo hiểm y tế, có nhiều trường hợp có hoàn cảnh rất khó khăn, không có khả năng để tự mua bảo hiểm y tế cho cá nhân và hộ gia đình. Đặc biệt, những trường hợp này chủ yếu là rơi vào người đồng bào DTTS. Riêng tỉnh Kon Tum, trong số 51.863 người không còn được Nhà nước hỗ trợ về bảo hiểm y tế, thì có đến 49.356 người là đồng bào DTTS, chiếm tỷ lệ trên 95% .

Từ thực tế đó, đại biểu Phạm Đình Thanh đề nghị: Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, ngành liên quan sớm rà soát đánh giá thực trạng để kịp thời ban hành các chính sách phù hợp nhằm tiếp tục hỗ trợ về bảo hiểm y tế cho những người dân không có khả năng tự mua bảo hiểm y tế; để giúp cho người dân, nhất là đồng bào DTTS có điều kiện tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, giảm bớt gánh nặng về tài chính của họ, và cũng là góp phần tăng tỷ lệ người đồng bào DTTS tham gia bảo hiểm y tế, để "đến năm 2025, có 98% đồng bào DTTS tham gia bảo hiểm y tế" theo mục tiêu mà Nghị quyết số 88/2019/QH14, Quốc hội khóa XIV đã đề ra. Đồng thời, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền chính sách, pháp luật về BHYT; kết hợp với tăng cường thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh những hành vi vi phạm pháp luật về BHYT. Sớm chỉ đạo, xây dựng, hoàn thiện, trình Quốc hội Luật BHYT (sửa đổi) và Luật Khám chữa bệnh (sửa đổi) để thực hiện tốt hơn nữa chủ trương của Đảng về chăm sóc, bảo vệ, nâng cao sức khỏe của nhân dân trong tình hình mới.

Trần Văn Phúc

Chuyên mục khác