30/10/2021 17:44
|
Dự tại điểm cầu tỉnh Kon Tum có Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh U Huấn; các đại biểu Quốc hội tỉnh và lãnh đạo các sở: Tài chính, Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Trong ngày làm việc thứ mười một, Quốc hội tiếp tục thảo luận trực tuyến về dự kiến kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 và dự kiến quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021-2025); đồng thời, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Tại phiên họp, đại biểu Quốc hội tại 63 điểm cầu trong cả nước đã thảo luận về dự kiến kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025. Trong đó, các đại biểu đã tập trung vào sự phát triển hợp tác xã trong giai đoạn mới và cơ cấu lại nền nông nghiệp để phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng nông thôn mới bền vững; giải quyết căn bản đầu ra của nông sản cho nông dân; cơ cấu lại kinh tế vùng, kinh tế ngành, kinh tế mũi nhọn; quan tâm đến các ngành công nghiệp văn hóa, như: du lịch, điện ảnh, sân khấu. âm nhạc, báo chí, quảng cáo.
Đồng thời, các đại biểu Quốc hội đã góp ý vào dự kiến quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021-2025). Trong đó, tập trung quy hoạch đất trồng lúa để đảm bảo an ninh lương thực cho đất nước; quy hoạch đất bãi thải hợp lý để xử lý chất thải công nghiệp; quy hoạch cần có tính dự báo chính xác hơn, người dân tiếp cận được khách quan hơn; phân cấp cho các địa phương quy hoạch nguồn đất nhằm phát huy công tác cải cách hành chính; quy hoạch quỹ đất cho các thiết chế văn hóa và các tín ngưỡng, tôn giáo phù hợp...
Tham gia thảo luận tại điểm cầu Hà Nội, đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum Tô Văn Tám nêu ý kiến đối với Tờ trình dự kiến kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp. Đại biểu thống nhất với mục tiêu của kế hoạch là cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng phát triển nền nông nghiệp bền vững, nâng cao chất lượng giá trị gia tăng, khả năng cạnh tranh của hàng nông sản và bảo vệ môi trường sinh thái.
Đại biểu Quốc hội Tô Văn Tám đề xuất một số giải pháp quan trọng; trong đó, cần quan tâm, tổ chức lại kinh tế hợp tác, hợp tác xã phù hợp với giai đoạn mới, nhất là tiến hành rà soát lại hệ thống pháp luật để hoàn thiện khung pháp lý, tạo điều kiện cho kinh tế hợp tác, hợp tác xã phát triển.
Trần Văn Phúc