“Nêu cao nhận thức, chủ động hơn nữa trong công tác phòng chống thiên tai”

20/06/2019 15:11

Đó là quan điểm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2018, triển khai nhiệm vụ phòng chống thiên tai năm 2019, diễn ra tại Hà Nội vào ngày 20/6.

Dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh ta có đồng chí Nguyễn Hữu Tháp - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, lãnh đạo các sở, ban, ngành có liên quan.

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Kon Tum

 

Theo báo cáo trình bày tại hội nghị, tại Việt Nam, thiên tai năm 2018 có những yếu tố cực đoan, dị thường diễn ra trên khắp các vùng miền trên cả nước với nhiều hình thái thiên tai, cụ thể: 14 cơn bão và áp thấp nhiệt đới; 212 trận giông, lốc sét; 15 trận lũ, lũ quét, sạt lở đất lớn; 9 đợt gió mạnh trên biển; 4 đợt rét đậm, rét hại; 11 đợt nắng nóng, 23 đợt không khí lạnh; lũ thượng nguồn sông Cửu Long kéo dài và ở mức cao nhất kể từ 2011; triều cường vượt mốc lịch sử tại một số tỉnh Nam Bộ; sạt lở bờ sông, bờ biển diễn ra nghiêm trọng tại Đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh ven biển miền Trung...

Trước diễn biến tình hình thiên tai, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai tập trung chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương triển khai các biện pháp phòng chống, giảm thiểu thiệt hại.

Mặc dù mức độ thiệt hại giảm hơn năm trước đó, nhưng thiên tai năm 2018 làm 224 người chết và mất tích; 1.967 nhà bị đổ, trôi; 31.335 nhà bị ngập, hư hỏng và di dời khẩn cấp; 261.377ha lúa và hoa màu bị ngập, thiệt hại; 43.159ha cây công nghiệp, cây ăn quả bị đổ, gãy; 29.400 con gia súc và 774.427 con gia cầm bị chết; 11.900ha nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại; 884km đê, kè, kênh mương, bờ bao và 8,4 triệu m3 đất đá đường Quốc lộ, tỉnh lộ và đường giao thông nông thôn bị sạt trượt; hơn 86km bờ sông, bờ biển bị sạt lở; 107 tàu thuyền bị chìm do bão. Tổng thiệt hại về kinh tế ước tính gần 20.000 tỷ đồng.

Tại tỉnh Kon Tum, năm 2018 thiên tai (mưa lũ, giông sét) làm 4 người chết, 6 người bị thương và gây nên những thiệt hại không nhỏ về hạ tầng giao thông, thuỷ lợi, nước sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp, nhà ở của dân... Tổng thiệt hại do thiên tai gây ra từ năm 2018 đến nay gần 500 tỷ đồng…

Trên cơ sở đánh giá tình hình, nhận diện những tồn tại, dự báo thiên tai, hội nghị đề ra mục tiêu năm 2019: Phát huy kết quả đạt được, triển khai quyết liệt các giải pháp đồng bộ từ phòng ngừa đến ứng phó và khắc phục hậu quả nhằm giảm thiểu thiệt hại, góp phần thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội của đất nước giai đoạn 2016 - 2020.

Hội nghị đề ra nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp trong thời gian đến như sau: Tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao tại các nghị quyết, nghị định, chỉ thị, văn bản chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai; hoàn thiện thể chế, chính sách làm cơ sở tổ chức triển khai, thực thi đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả công tác phòng chống thiên tai; kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực, trang thiết bị phục vụ công tác phòng chống thiên tai; tập trung nguồn lực cho công tác phòng chống thiên tai; nâng cao chất lượng công tác dự báo, cảnh báo; nâng cao nhận thức cộng đồng, giảm thiểu rủi ro thiên tai; nghiên cứu, ứng dụng hiệu quả khoa học công nghệ và tăng cường hợp tác quốc tế phòng chống thiên tai.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Đảng và Nhà nước rất quan tâm, nêu cao tinh thần trách nhiệm công tác phòng chống thiên tai. Đồng thời, biểu dương những cố gắng của các bộ, ngành Trung ương và các địa phương trong công tác phòng chống thiên tai. Công tác phòng chống thiên tai được cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc; huy động các lực lượng cứu hộ cứu nạn người và phương tiện phòng tránh thiên tai...

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, công tác huy động lực lượng, thể chế công tác phòng chống thiên tai hiệu quả hơn. Công tác dự báo phòng chống thiên tai có nhiều tiến bộ; việc ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác phòng chống thiên tai được coi trọng. Công tác xã hội hoá, huy động các nguồn lực phòng chống thiên tai được quan tâm. Hoạt động thông tin truyền thông cộng đồng phòng chống thiên tai có nhiều cải tiến...

Thủ tướng Chính phủ chỉ ra, hiện nay thiệt hại do thiên tai gây ra vẫn còn lớn. Năm nào trên đất liền cũng có nhiều người chết do sạt lở đất, do lũ; khả năng gánh chịu của cơ sở hạ tầng trong công tác phòng chống thiên tai chưa đáp ứng yêu cầu. Công tác dự báo, cảnh báo mặc dù có nhiều tiến bộ, nhưng vẫn còn nhiều hạn chế. Trong một số trường hợp việc hỗ trợ khắc phục thiên tai còn chậm, kéo dài...

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, trong công tác phòng chống thiên tai các bộ, ngành, địa phương cần quá triệt quan điểm lấy phòng ngừa là chính. Vì vậy, khẩn trương kiện toàn Ban chỉ huy phòng chống thiên tai các cấp; rà soát hoàn thiện phương án phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn; tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức công tác phòng chống thiên tai cho cộng đồng; nâng cao chất lượng dự báo công tác phòng chống thiên tai; nâng cao năng lực tham mưu, chỉ đạo điều hành phòng chống thiên tai; hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật đồng bộ hiệu quả phòng chống thiên tai; ưu tiên bố trí nguồn lực từ ngân sách và huy động các nguồn lực ngoài ngân sách cho công tác phòng chống thiên tai; đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, tăng cường hợp tác quốc tế trong công tác phòng chống thiên tai; hoàn thiện quy chế hoạt động công tác phòng chống; tổ chức diễn tập công tác phòng chống thiên tai…

Thủ tướng Chính phủ đề nghị các bộ, ngành Trung ương và các địa phương nêu cao nhận thức, chủ động hơn nữa trong công tác phòng chống thiên tai...  

Tin, ảnh: Văn Nhiên

Chuyên mục khác