Lấy phiếu tín nhiệm: Niềm tin cử tri trao gửi

06/12/2018 13:13

Lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do HĐND tỉnh bầu là một trong những nội dung quan trọng diễn ra ngay ngày đầu tiên (5/12) của kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh khóa XI, được cử tri và nhân dân đặc biệt quan tâm, theo dõi.

Việc cử tri và nhân dân dành sự quan tâm đặc biệt cho nội dung này cũng là điều dễ hiểu, bởi đây là hoạt động giám sát cao nhất của HĐND. Mức độ tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do HĐND bầu chính là sự ghi nhận, đánh giá của đại diện cử tri đối với những nỗ lực trong thực thi quyền hạn, trách nhiệm được giao và kết quả đạt được từ đầu nhiệm kỳ đến nay của những người được lấy phiếu tín nhiệm.

Phát biểu tại kỳ họp, đồng chí Nguyễn Văn Hùng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh cho rằng, lấy phiếu tín nhiệm là việc HĐND tỉnh thực hiện quyền giám sát, đánh giá mức độ tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do HĐND tỉnh bầu để làm cơ sở cho việc đánh giá cán bộ.

Việc này nhằm tăng cường hiệu quả giám sát, bảo đảm HĐND tỉnh thực hiện tốt hơn trách nhiệm của cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất tại địa phương, thay mặt nhân dân giám sát người giữ chức vụ do HĐND bầu hoặc phê chuẩn, qua đó nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ máy Nhà nước.

Việc lấy phiếu tín nhiệm cũng sẽ giúp những người được lấy phiếu thấy được mức độ tín nhiệm của mình để có phương hướng khắc phục khuyết điểm, thiếu sót, từ đó tiếp tục phấn đấu, rèn luyện, phát huy tối đa năng lực và nhiệt huyết để cống hiến, nâng cao hiệu quả công việc.

Đồng chí Nguyễn Văn Hùng khẳng định, để việc đánh giá những người giữ chức vụ do HĐND bầu được thực sự khách quan, công bằng, các đại biểu HĐND cần nâng cao tinh thần trách nhiệm trong thảo luận, đánh giá một cách thận trọng, khách quan, công tâm và chính xác mức độ tín nhiệm của mình đối với người được lấy phiếu. Việc xem xét, đánh giá phải trên cơ sở quan điểm toàn diện, tổng thể, trong đó có nhiệm vụ của ngành, lĩnh vực mà người được lấy phiếu đảm nhiệm; về phẩm chất, đạo đức, lối sống, việc chấp hành Hiến pháp, pháp luật.

Mỗi lá phiếu đánh giá mức độ tín nhiệm không chỉ là trách nhiệm của đại biểu đối với người được lấy phiếu, mà còn chứa đựng niềm tin mà cử tri đã trao gửi - đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh.

Các đại biểu bỏ phiếu tín nhiệm

 

Theo quy định, các đại biểu HĐND lấy phiếu tín nhiệm người giữ chức vụ do HĐND bầu bằng hình thức bỏ phiếu kín. Trên phiếu ghi rõ họ tên, chức vụ của những người được lấy phiếu tín nhiệm, các mức độ: "tín nhiệm cao", "tín nhiệm", "tín nhiệm thấp".

Chánh Văn phòng HĐND tỉnh - Đào Duy Thế thông tin, để chuẩn bị cho việc đánh giá tín nhiệm của các chức danh, trước kỳ họp, các đại biểu HĐND đã nhận được bản kiểm điểm của cá nhân trong diện được đánh giá để nghiên cứu..

Trao đổi với phóng viên Báo Kon Tum trước khi thực hiện lấy phiếu tín nhiệm, nhiều đại biểu đánh giá, đây là một trong những nội dung đặc biệt quan trọng của kỳ họp này, là "thước đo" hiệu quả hoạt động của những người giữ chức vụ do HĐND bầu.

Nhấn mạnh lấy phiếu tín nhiệm là hoạt động hết sức cần thiết và  có giá trị đặc biệt để kiểm soát quyền lực các chức danh do HĐND bầu, đại biểu Võ Thanh Chín cho rằng, kết quả sẽ giúp người được lấy phiếu thấy được mức độ tín nhiệm của mình để có phương hướng khắc phục khuyết điểm, thiếu sót, từ đó tiếp tục phấn đấu, rèn luyện, phát huy tối đa năng lực và nhiệt huyết để cống hiến, nâng cao hiệu quả công việc.

Tôi nói đơn giản thế này, kết quả lấy phiếu tín nhiệm là sự ghi nhận, khích lệ những người làm tốt, có đóng góp cho sự nghiệp chung; đồng thời cũng là sự đánh giá, nhắc nhở đối với cán bộ có khuyết điểm hoặc còn hạn chế về năng lực để kịp thời khắc phục, cố gắng hơn nữa - đại biểu Võ Thanh Chín nhấn mạnh.

Theo một số đại biểu, kết quả lấy phiếu tín nhiệm cũng là cơ sở quan trọng để cấp có thẩm quyền đánh giá cán bộ, thực hiện quy hoạch, bố trí, sử dụng cán bộ một cách hiệu quả, đúng người, đúng việc; khuyến khích những người tín nhiệm thấp tự nguyện từ chức; kịp thời đưa ra khỏi vị trí lãnh đạo những người không hoàn thành chức trách, nhiệm vụ mà không phải chờ đến hết nhiệm kỳ, hết tuổi công tác.

Điểm đáng chú ý là hoạt động lấy phiếu tín nhiệm được tiến hành trước phiên chất vấn. “Đây là việc làm thể hiện sự dân chủ và công bằng. "Nếu chất vấn trước khi lấy phiếu, có nội dung nọ, nội dung kia, có cả nội dung không hoàn thành; cũng có người trả lời tốt, có người trả lời không tốt, dẫn đến nhìn nhận không khách quan, không công bằng"- đại biểu Võ Thanh Chín nhận xét.

Để việc lấy phiếu tín nhiệm được diễn ra dân chủ, đánh giá đúng năng lực, trách nhiệm của 29 người giữ các chức vụ do HĐND bầu, cùng với công tác chuẩn bị kỹ lưỡng, có thể nói, tinh thần trách nhiệm của các đại biểu HĐND trong thảo luận, đánh giá được thể hiện rõ qua sự thận trọng, khách quan, công tâm và chính xác đối với người được lấy phiếu.

 Việc thảo luận, đánh giá một cách nghiêm túc, khách quan về từng lĩnh vực, ngành và cá nhân “tư lệnh ngành” tại các Tổ đại biểu HĐND tỉnh ngay trước khi tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đã nói lên tinh thần trách nhiệm cao của các đại biểu HĐND tỉnh, mà phóng viên Báo Kon Tum được chứng kiến trong phiên thảo luận trước đó.

Các đại biểu HĐND tỉnh đã nghiên cứu, xem xét không chỉ riêng về giải quyết của ngành mà thể hiện cả lập trường chính trị, quan điểm, năng lực điều hành, tinh thần trách nhiệm tại sở, ngành đó.

Là người được lấy phiếu tín nhiệm đợt này, một lãnh đạo sở, Ủy viên UBND tỉnh (đề nghị được giấu tên) bộc bạch bản thân không quá lo lắng với việc bỏ phiếu tín nhiệm. Trong quá trình làm việc chắc hẳn có va chạm, nhưng tôi tin khi cầm bút lên ghi phiếu tín nhiệm, đại biểu HĐND sẽ loại yếu tố cá nhân để đánh giá trên hiệu quả công việc.

Chắc chắn rằng, các đại biểu sẽ có sự công tâm, khách quan, cân nhắc kỹ lưỡng trước khi bỏ lá phiếu. Ví dụ như thế này, có những ngành ban đầu có dư luận này, dư luận khác nhưng khi phát hiện ra thì họ đã xử lý như thế nào, có quyết tâm hay không? Có thỏa đáng hay không? Có nhận được sự đồng thuận hay không? Chứ không có nghĩa, khi có vấn đề này, vấn đề khác, có dư luận xã hội lại đổ lên đầu lãnh đạo– vị Ủy viên UBND tỉnh này nói.

Trên cơ sở lắng nghe ý kiến của cử tri, từ thực tiễn theo dõi, giám sát của mình, mỗi đại biểu HĐND đã thực hiện việc đánh giá với tinh thần trách nhiệm, bảo đảm dân chủ, khách quan, công tâm nhất. Kết quả lần lấy phiếu này cho thấy, các chức danh chủ chốt của HĐND tỉnh, UBND tỉnh đều có số phiếu tín nhiệm cao nhiều nhất; không chức danh nào có quá nửa tổng số đại biểu đánh giá "tín nhiệm thấp"...

Bài, ảnh: Thành Hưng

Chuyên mục khác