Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV: Đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum tham gia thảo luận ở hội trường

14/11/2018 13:24

Ngày 13/11, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2018.

Tại các buổi thảo luận, đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum Tô Văn Tám và 29 đại biểu Quốc hội khác trong cả nước đã phát biểu và tranh luận thẳng thắn, dân chủ, trách nhiệm cao về các báo cáo.

Đại biểu Tô Văn Tám phát biểu tại hội trường

 

Đại biểu Quốc hội tỉnh Kon tum Tô Văn Tám đã phát biểu thảo luận về Báo cáo của Chính phủ như sau:

Báo cáo của Chính phủ đã phản ánh đầy đủ, toàn diện và sâu sắc tình hình công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật. Năm qua công tác này đã đạt được những kết quả tích cực, đảm bảo vững chắc an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, xử lý kịp thời các điểm nóng liên quan đến biểu tình, gây rối, phá hoại; đấu tranh làm giảm 2,7% số vụ phạm pháp hình sự; tỷ lệ điều tra phá án đạt 81,33%, vượt chỉ tiêu Quốc hội đề ra...

Kết quả đó cho thấy sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự tận tụy trong thực thi nhiệm vụ của các lực lượng phòng, chống tội phạm mà nòng cốt là lực lượng công an nhân dân. Cử tri đánh giá cao thành tựu trên.

Báo cáo của Chính phủ cũng nêu rõ tỷ lệ phạm pháp hình sự trên tổng thể giảm nhưng số loại tội phạm vẫn còn tăng như tội phạm giết người tăng 3,9%, cướp tài sản tăng 6,9%, lừa đảo, chiếm đoạt tài sản tăng 4,63%... Tình hình tội phạm pháp luật vẫn còn diễn biến phức tạp. Qua báo cáo của Chính phủ và nghiên cứu tình hình tội phạm, có thể thấy một số điểm đáng chú ý như sau: Thứ nhất, các loại tội phạm nguy hiểm, sử dụng bạo lực, hình thành các băng nhóm hoạt động có tổ chức, tính chất mức độ nghiêm trọng có xu hướng tăng. Có sự móc nối với một số cán bộ, công chức suy thoái về phẩm chất đạo đức. Thứ hai, tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm có yếu tố nước ngoài, băng nhóm người nước ngoài hoặc người Việt Nam cấu kết với người nước ngoài để lừa đảo buôn bán ma túy, buôn bán người và các tổ chức phản động thù địch. Thứ ba, hành vi phạm tội ngày càng manh động. Tội phạm trong các vụ giết người do nguyên nhân xã hội chiếm tỷ lệ cao, khoảng 90%. Có nhiều vụ nguyên nhân rất đơn giản, chỉ vì mâu thuẫn, cãi chửi nhau dẫn đến phạm tội. Đáng chú ý, tình trạng người thân trong gia đình giết nhau. Thứ tư, tội phạm xảy ra ở mọi lứa tuổi, mọi thành phần trong xã hội nhưng đáng lưu ý trong lứa tuổi chưa thành niên có xu hướng tăng.

Báo cáo của Chính phủ cũng đã nêu rõ các nguyên nhân của tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật thời gian qua. Đại biểu Tô Văn Tám tán thành với Báo cáo của Chính phủ và ý kiến thêm: Đó là chúng ta khuyến khích làm giàu chính đáng và những người làm giàu chính đáng họ luôn trân trọng thành quả của mình. Bên cạnh đó, vẫn có những người làm giàu bất chính, đề cao sự hưởng thụ, thực dụng, xa hoa, coi thường các giá trị, không có chỗ để cảm nhận cái đẹp, các giá trị cuộc sống nên coi thường pháp luật. Mặt khác, một bộ phận người dân, trong đó đáng lưu ý là một bộ phận người trẻ tuổi có nhận thức lệch lạc trong nhận thức giá trị, sùng bái vật chất, lối sống thực dụng, coi thường kỷ cương phép nước. Phải chăng đó là biểu hiện của sự chấn thương tâm lý bởi tác động của mặt trái cơ chế thị trường? Một yếu tố nữa là tình trạng phân hóa giàu nghèo cũng tác động tới cảm nhận cũng như bức xúc trong cuộc sống. Sự chênh lệch giàu nghèo giữa các vùng, các nhóm dân cư mặc dù chúng ta đã có nhiều nỗ lực và đạt được nhiều kết quả tích cực trong công tác giảm nghèo nhưng sự chênh lệch vẫn đang có xu hướng tăng trong khi mạng lưới an sinh xã hội chưa được hoàn chỉnh như mong đợi. Đó là một thách thức lớn đối với ổn định xã hội và mang đến nhân tố gây mất ổn định an ninh trật tự và an toàn xã hội. Tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm hoặc việc làm không ổn định có xu hướng tăng. Theo một số liệu cho thấy, hiện tại có khoảng 2/3 số lao động ở nông thôn không đủ việc làm. Với nền công nghiệp đang phát triển như hiện nay, các thành phố, các khu công nghiệp không đủ khả năng tiếp nhận hết lực lượng lao động này. Tình trạng thiếu việc làm không chỉ diễn ra ở nông thôn mà còn diễn ra ở cả thành thị cũng đã tạo nên nhân tố tiềm ẩn của các loại tội phạm và hành vi vi phạm pháp luật. Báo cáo của Chính phủ đánh giá đầy đủ thực trạng tình hình công tác phòng, chống tội phạm và đề ra 9 giải pháp, nhiệm vụ trong thời gian tới nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, các giải pháp đó là xác thực. Đề nghị Chính phủ quan tâm thêm một số vấn đề như sau: Thứ nhất, ngoài việc phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống, giảm nghèo bền vững, giải quyết việc làm... thì yếu tố quan trọng là tăng cường năng lực cũng như sức mạnh của cả hệ thống chính trị. Thực tế cho thấy công tác phòng, chống tội phạm chỉ đạt được hiệu quả cao khi phát huy được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, trong đó, lực lượng công an nhân dân là nòng cốt. Thứ hai, kết hợp chặt chẽ giữa phòng ngừa xã hội và phòng ngừa nghiệp vụ của các cơ quan chuyên môn, liên tục đấu tranh, giáo dục, thuyết phục và trấn áp. Thứ ba, tăng cường các biện pháp quản lý khu dân cư. Các biện pháp này có ý nghĩa, sẽ tạo điều kiện chủ động phát hiện, ngăn chặn nguy cơ phạm tội và ứng phó với các tình huống có thể xảy ra, đáp ứng yêu cầu phòng ngừa tội phạm cũng như yêu cầu xử lý tội phạm và hành vi vi phạm pháp luật ngay tại cơ sở, trong đó đặc biệt là xây dựng lực lượng công an xã vững mạnh. Hy vọng sắp tới Quốc hội sẽ thông qua Luật Công an nhân dân và chính quy hóa lực lượng công an xã. Cùng với việc chính quy lực lượng công an xã và sử dụng lực lượng tại chỗ, có thể là lực lượng trật tự trị an ở ngay cơ sở thì vấn đề giải quyết các phát sinh, phòng, chống tội phạm ở cơ sở sẽ rất kịp thời, đáp ứng ngay yêu cầu xử lý ở cấp cơ sở các hành vi tội phạm.

Hồ Nam

Chuyên mục khác