08/07/2022 22:07
Các đại biểu HĐND tiến hành chất vấn Chủ tịch UBND tỉnh và một số thành viên UBND tỉnh về các vấn đề “nóng” mà cử tri, nhân dân trên địa bàn tỉnh quan tâm như: Tình hình động đất ở khu vực huyện Kon Plông và công tác quy hoạch hệ thống thủy điện trên địa bàn tỉnh; giải quyết đất ở, đất sản xuất cho các hộ đồng bào DTTS; việc chậm trình phê duyệt kế hoạch sử dụng đất cấp huyện năm 2022; giải pháp ngăn chặn và xử lý các hành vi lừa đảo qua mạng xã hội; việc lựa chọn và cung ứng sách giáo khoa cho học sinh; tình trạng bác sĩ trong các cơ sở y tế công lập xin chuyển vùng hoặc bỏ việc, chuyển công tác đi nơi khác...
Nhìn nhận một cách khách quan, những vấn đề các đại biểu HĐND tỉnh đặt lên “bàn nghị trường” là những vấn đề mang tính thiết thực và đang có những tồn tại, thiếu sót cần tháo gỡ để góp phần “mở nút thắt” trong quá trình chỉ đạo, quản lý, điều hành của chính quyền các cấp và các ngành chức năng nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội trong thời gian tới.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo các sở, ngành đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, nắm chắc nội dung quản lý nhà nước và chức trách, nhiệm vụ của mình, trả lời thẳng vào vấn đề, nêu lên những kết quả đạt được và cả những hạn chế, yếu kém trong quá trình chỉ đạo, quản lý, điều hành; đồng thời xác định rõ trách nhiệm và biện pháp khắc phục các hạn chế, yếu kém đã được chỉ ra.
|
Mở đầu phiên chất vấn, đại biểu Lê Minh Chính (Tổ đại biểu huyện Sa Thầy) đặt câu hỏi: Trước tình trạng các vụ động đất xảy ra liên tục và tăng dần về cường độ tại huyện Kon Plông và vùng lân cận, Sở Công thương có giải pháp gì để bảo vệ các công trình thủy điện và người dân; việc tham mưu, quy hoạch hệ thống thủy điện trên địa bàn tỉnh được thực hiện như thế nào?
|
Trả lời vấn đề này, Giám đốc Sở Công Thương Lê Như Nhất cho biết: Qua theo dõi, các vụ việc xảy ra động đất chưa gây ảnh hưởng đến các công trình xây dựng. Để ghi nhận nhanh, chính xác, đầy đủ các trận động đất xảy ra, Công ty Cổ phần Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh; Công ty Cổ phần Thủy điện Đăk Đrinh đã lắp đặt thêm các trạm quan sát động đất theo kiến nghị của Viện Vật lý địa cầu. Sở Công Thương yêu cầu các đơn vị quản lý hồ đập, công trình thủy điện trên địa bàn huyện Kon Plông, trên địa bàn tỉnh và các đơn vị quản lý vận hành lưới điện truyền tải, phân phối trên địa bàn tỉnh tăng cường theo dõi dư chấn động đất để có giải pháp vận hành, ứng phó kịp thời. Có thể khẳng định đập, công trình thủy điện Thượng Kon Tum, Đăk Đrinh an toàn với động đất ứng với cấp VII.
Cũng theo Giám đốc Sở Công Thương, việc quy hoạch thủy điện vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh phù hợp với Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, Quy hoạch sử dụng đất, Quy hoạch phát triển thủy điện của cả nước, Quy hoạch phát triển điện lực, phát huy hiệu quả tiềm năng thủy điện.
|
Về công tác quy hoạch, bố trí tái định cư cho đồng bào DTTS mà đại biểu Kso H'Tư (Tổ đại biểu huyện Đăk Tô) đặt ra, Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Tấn Liêm thông tin, thời gian qua, công tác quy hoạch, bố trí, sắp xếp dân cư được Đảng, Nhà nước và các cấp chính quyền quan tâm giải quyết. Trong giai đoạn 2016-2020, toàn tỉnh có 389 hộ với 1.613 khẩu ở những vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng thiên tai, sạt lở được bố trí tại 8 điểm dân cư. Tuy nhiên, công tác sắp xếp, bố trí dân cư cho người dân nói chung và vùng đồng bào DTTS ở một số nơi vẫn còn gặp một số khó khăn, hạn chế.
|
Để khắc phục tình trạng trên, Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I (2021-2025) có dự án giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho khoảng 39.486 hộ và triển khai thực hiện 15 dự án sắp xếp, ổn định dân cư cho 8.609 hộ tại địa bàn 8 huyện, do UBND các huyện làm chủ đầu tư.
|
|
Đại biểu Nguyễn Xuân Khánh (Tổ đại biểu huyện Ia H’Drai) làm “nóng bàn nghị sự” khi nêu lên vấn đề “về nguyên nhân kế hoạch sử dụng đất hằng năm của cấp huyện chậm được phê duyệt, trách nhiệm của Sở Tài nguyên- Môi trường- với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về đất đai như thế nào?” Trả lời về vấn đề này, Giám đốc Sở Tài nguyên-Môi trường Nguyễn Văn Lộc nêu thẳng: Hiện nay, UBND tỉnh đã phê duyệt Kế hoạch sử dụng đất năm 2022 của 10 huyện, thành phố trên địa bàn. Việc chậm trễ trong việc trình phê duyệt Kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện là do UBND các huyện chậm gửi hồ sơ đến Sở Tài nguyên- Môi trường để tham mưu UBND tỉnh phê duyệt theo quy định. Kế hoạch sử dụng đất cấp huyện chậm được phê duyệt đã ảnh hưởng đến việc thực hiện dự án đầu tư trên địa bàn.
|
Trước tình trạng gia tăng về tội phạm sử dụng công nghệ cao trong thời gian gần đây, đại biểu Trần Lan Phương (Tổ đại biểu huyện Kon Plông) đặt câu hỏi đối với Giám đốc Công an tỉnh về giải pháp ngăn chặn, xử lý loại tội phạm này.
|
Đại tá Nguyễn Hồng Nhật- Giám đốc Công an tỉnh cho hay, các đơn vị nghiệp vụ đã phối hợp với các ngành chức năng tăng cường tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn mới của tội phạm, giúp người dân chủ động phòng ngừa, kịp thời tố giác tội phạm cho cơ quan Công an. Khuyến cáo người dân nêu cao tinh thần cảnh giác; tuyệt đối không vay tiền qua các app; không công khai thông tin cá nhân trên mạng xã hội; không cung cấp thông tin cá nhân cho các bên không liên quan qua điện thoại; cảnh giác trước các thông tin trúng thưởng, nhận quà, quảng cáo việc làm “việc nhẹ lương cao”, bảo mật tài khoản ngân hàng, tài khoản mạng xã hội...
Tại phiên chất vấn, trước những câu hỏi và gợi mở của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Dương Văn Trang về một số vấn đề liên quan đến công tác quản lý đất đai ở huyện Đăk Hà, tài nguyên khoáng sản ở một số nơi, mua máy xét nghiệm ADN sâm Ngọc Linh... lãnh đạo UBND tỉnh, các sở: Tài nguyên- Môi trường, Khoa học- Công nghệ, Tài Chính, Xây dựng và huyện Kon Plông, huyện Đăk Hà đã giải trình, nhận trách nhiệm về những tồn tại, hạn chế trong điều hành, quản lý nhà nước dẫn đến chậm trễ, vướng mắc trong xử lý các vấn đề.
|
Khép lại phiên chất vấn là phần trả lời chất vấn, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Tuấn với 2 ý kiến của đại biểu Ka Ba Thành (Tổ đại biểu huyện Đăk Hà) và đại biểu Huỳnh Thị Hồng (Tổ đại biểu huyện Kon Rẫy) .
|
Trả lời câu hỏi của đại biểu Ka Ba Thành về vấn đề thu hồi, bàn giao đất của các công ty cà phê về cho địa phương quản lý, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, theo phương án sử dụng đất tại các quyết định đã được UBND tỉnh phê duyệt, tổng diện tích đất được giữ lại của các công ty cà phê là 1.413ha; tổng diện tích đất bàn giao về địa phương quản lý là 318,77ha. Hiện tại đã thực hiện thu hồi đất bàn giao về địa phương quản lý là 161,45ha.
Phần diện tích chưa được thu hồi do gặp nhiều vướng mắc. UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chức năng, UBND huyện Đăk Hà phối hợp với Công ty TNHH MTV cà phê 734, Công ty TNHH MTV Cà phê 704 cùng với chính quyền địa phương tiếp tục rà soát các diện tích đất chưa được thu hồi và cập nhật vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của huyện để phục vụ vào mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
|
Trước trăn trở của đại biểu Huỳnh Thị Hồng về tình trạng bác sĩ trong các cơ sở y tế công lập xin chuyển vùng hoặc bỏ việc, chuyển công tác đi nơi khác, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Tuấn chia sẻ: UBND tỉnh ban hành, tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy nhiều giải pháp, định hướng để phát triển nguồn nhân lực trong các đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó có nguồn nhân lực y tế khu vực công lập. Đồng thời, tỉnh cũng đã kiến nghị đối với Trung ương xem xét sửa đổi, bổ sung quy định đối tượng, điều kiện đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng, đại học đối với công chức, viên chức ngành Y tế. Trong thời gian tới, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các cơ quan, ban ngành, địa phương tập trung triển khai các giải pháp để thu hút nguồn nhân lực y tế, hạn chế tình trạng bác sỹ và nhân viên y tế của địa phương xin nghỉ việc.
Ngoài ra, một số vấn đề về sách giáo khoa phổ thông, tình hình triển khai thực hiện chính sách pháp luật về Bảo hiểm y tế, chỉnh trang đô thị, lắp đặt trạm cân tại các mỏ khoáng sản… được đại biểu nêu ra, lãnh đạo các ngành chức năng trả lời thấu đáo.
Sau mỗi phần chất vấn và trả lời chất vấn, Chủ tọa kỳ họp có đánh giá, làm rõ thêm các vấn đề và kết luận rõ ràng.
Qua hoạt động chất vấn tại “nghị trường” đã làm rõ hơn trách nhiệm của người được chất vấn, cơ quan quản lý, đồng thời thể hiện vai trò, trách nhiệm của các đại biểu trước cử tri. Qua đó, UBND tỉnh và các ngành chức năng kịp thời có chỉ đạo, hành động cụ thể, thiết thực hơn để tạo chuyển biến thực sự ở ngành, lĩnh vực được phân công phụ trách, góp phần thúc đẩy kinh tế- xã hội phát triển và bảo đảm quốc phòng- an ninh trên địa bàn tỉnh.
Thùy Hương-Quang Định