28/01/2022 00:09
|
|
Đến dự buổi lễ có các đồng chí: A Pớt - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; U Huấn - Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Nguyễn Thế Hải - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Nguyễn Ngọc Sâm- Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí nguyên là lãnh đạo tỉnh và huyện qua các thời kỳ; cùng cán bộ, chiến sĩ và nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện.
Ngày 31/1/2002, huyện Kon Plông được chia tách và thành lập theo Nghị định số 14/2002/NĐ-CP của Chính phủ “về việc chia tách huyện Kon Plông thành 2 huyện Kon Plông và Kon Rẫy”. Từ buổi đầu mới được thành lập, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức: tỷ lệ hộ nghèo rất cao; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hầu như chưa có gì; chất lượng nguồn nhân lực rất thấp; sản xuất chưa phát triển, chủ yếu là tự cung, tự cấp; đời sống nhân dân vô cùng khó khăn. Nhưng với sự nỗ lực không ngừng của Đảng bộ và nhân dân trong huyện, qua 20 năm xây dựng và phát triển, kinh tế-xã hội của huyện đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực; bộ mặt đô thị, nông thôn đã có nhiều thay đổi ngày càng khang trang, đồng bộ. Thành tựu nổi bật là kinh tế của huyện đã duy trì được tốc độ tăng trưởng qua các năm. Theo đó, tổng giá trị sản xuất đạt 2.440 tỷ đồng. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch phù hợp với tiềm năng, lợi thế của huyện. Thu nhập bình quân đầu người/năm tăng từ 2,9 triệu đồng lên 38 triệu đồng. Thu ngân sách nhà nước tại địa bàn tăng từ 10 tỷ đồng lên 262 tỷ đồng.
Trong chặng đường mới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Kon Plông quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Kon Tum lần thứ XVI, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025. Trong đó, huyện tranh thủ các nguồn lực để đầu tư hạ tầng một cách đồng bộ, phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội, hoàn thiện tuyến quốc lộ 24 (đoạn đi qua địa bàn huyện), tỉnh lộ 676, tập trung xây dựng các tuyến đường giao thông nông thôn, giao thông kết nối các khu vực trên địa bàn huyện và hạ tầng thiết yếu khác. Thực hiện tái cơ cấu đồng bộ kinh tế của huyện theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; bảo tồn và phát triển văn hoá các dân tộc; bảo đảm an sinh xã hội. Tập trung nâng cao chất lượng công tác dạy nghề cho người đồng bào DTTS tại chỗ, gắn đào tạo nghề với các chương trình phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, đào tạo nghề với nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp… Tăng cường các biện pháp bảo vệ và phát triển rừng bền vững, trồng rừng thay thế, trồng cây phân tán hàng năm, đạt mục tiêu đến năm 2025 tỷ lệ độ che phủ của rừng lên 83% theo chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội XIX Đảng bộ huyện đề ra. Bảo đảm quốc phòng, an ninh; giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội. Tiếp tục xây dựng Đảng bộ trong sạch vững mạnh; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ.
Đồng thời, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước. Xây dựng nền hành chính hiện đại, kỷ cương, năng động, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính; thực hiện có hiệu quả cơ chế một cửa liên thông, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động các cơ quan lãnh đạo của Đảng, quản lý Nhànước, từng bước xây dựng chính quyền điện tử. Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp; nâng cao chất lượng công tác giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các ngành đoàn thể chính trị-xã hội theo Chỉ thị số 05-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Thực hiện tốt công tác dân vận của các cơ quan nhà nước gắn với đẩy mạnh phong trào “dân vận khéo”; tăng cường xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, chú trọng nâng cao chất lượng công tác dân vận đối với đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt là lãnh đạo thực hiện có hiệu quả cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số, làm cho đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững” theo Kết luận số 08-KL/TU của Tỉnh ủy.
Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Sâm biểu dương những thành tích to lớn mà Đảng bộ và nhân dân các dân tộc huyện Kon Plông đã đạt được trong thời gian qua. Đồng thời, đề nghị, trong thời gian tới tập trung triển khai thực hiện quyết liệt, có hiệu quả Nghị quyết 04-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và Nghị quyết số 76/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh về "Đầu tư xây dựng và phát triển các vùng kinh tế động lực tỉnh Kon Tum đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" để sớm đạt được các mục tiêu đưa huyện Kon Plông trở thành vùng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trọng điểm của tỉnh vào năm 2025; xây dựng Trung tâm huyện lỵ Kon Plông gắn với Khu du lịch sinh thái Măng Đen trở thành điểm du lịch đa dạng, phong phú về loại hình với thương hiệu riêng, hạ tầng hiện đại, chất lượng phục vụ đạt tiêu chuẩn quốc tế vào năm 2025; xây dựng trung tâm du lịch-hội nghị-nghỉ dưỡng mang tầm quốc gia, đậm bản sắc văn hóa dân tộc và trở thành trung tâm du lịch hàng đầu của khu vực Tây Nguyên vào năm 2030. Gắn phát triển kinh tế với bảo tồn phát huy giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của người đồng bào DTTS; thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, giảm nghèo, chăm lo người có công cách mạng và đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội tại địa phương.
Ghi nhận những thành tích của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Kon Plông trong 20 năm qua, thay mặt Tỉnh ủy, đồng chí A Pớt - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy đã trao bức trướng cho tập thể Đảng bộ, chính quyền huyện Kon Plông với nội dung: “Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Kon Plông 20 năm đoàn kết - xây dựng và phát triển”.
Nhân dịp này, UBND tỉnh tặng Bằng khen cho 3 tập thể, 4 cá nhân và UBND huyện tặng Giấy khen cho 12 tập thể, 20 cá nhân vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua kỷ niệm 20 năm ngày chia tách và thành lập huyện (31/1/2002-31/1/2022).
Trần Văn Phúc