Kiểm tra, giám sát hoạt động của Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh

04/10/2022 13:16

Sáng 4/10, Đoàn kiểm tra, giám sát của Hội đồng quản trị (HĐQT) Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH) do đồng chí Nguyễn Mạnh Tú- Ủy viên HĐQT, Trưởng Ban kiểm soát NHCSXH làm Trưởng đoàn có buổi làm việc với Ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh về tình hình hoạt động trong năm 2021 và 8 tháng đầu năm 2022.
Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: TH 

 

Theo báo cáo của Ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh, Ban đại diện Hội đồng quản trị các cấp có tổng cộng 227 thành viên, đảm bảo đủ số lượng thành viên theo quy chế.

Thời gian qua, Ban đại diện HĐQT NHCSXH các cấp kịp thời tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản, chính sách quan trọng nhằm triển khai hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước và tạo điều kiện để người dân, nhất là các hộ nghèo, đối tượng khó khăn được tiếp cận với những chương trình tín dụng ưu đãi.

Hàng năm, căn cứ chương trình kiểm tra, giám sát của HĐQT, Ban đại diện HĐQT tỉnh, huyện đã ban hành chương trình kiểm tra, giám sát và phân công cụ thể đối với thành viên thực hiện.

Kết quả, năm 2021, 10 thành viên là lãnh đạo cấp tỉnh đã thực hiện kiểm tra 10 lượt huyện, 19 lượt xã, 48 tổ tiết kiệm và vay vốn, thực hiện đối chiếu được 139 hộ vay vốn còn dư nợ.

Riêng 8 đầu năm 2022, 6/10 thành viên là lãnh đạo cấp tỉnh thực hiện kiểm tra được 5 lượt huyện, 10 xã, kiểm tra 14 tổ Tiết kiệm và vay vốn đối chiếu được 59 hộ vay vốn còn dư nợ, 63/98 thành viên là lãnh đạo phòng, ban cấp huyện thực hiện kiểm tra tại 76 xã, kiểm tra 273 tổ Tiết kiệm và vay vốn, đối chiếu được 1.280 hộ vay...

Việc triển khai thực hiện các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh đạt hiệu quả cao.

Trong năm 2021 và 8 tháng đầu năm 2022, toàn tỉnh có 42.496 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách được hỗ trợ vay vốn đầu tư sản xuất kinh doanh, tạo việc làm với tổng số tiền là 1.817 tỷ đồng; 6.273 lao động được hỗ trợ vay vốn duy trì và tạo việc làm với số tiền 300 tỷ đồng, 79 lượt hộ khó khăn được vay vốn học sinh sinh viên với số tiền là 3,6 tỷ đồng; hỗ trợ xây dựng và sửa chữa cải tạo 10.598 công trình nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn số tiền là 205 tỷ đồng.

Hoạt động tín dụng chính sách xã hội đã góp phần quan trọng thực hiện có hiệu quả các chương trình, mục tiêu, nhiệm vụ về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, tập trung phát triển nguồn nhân lực, đảm bảo an sinh xã hội, ổn định chính trị, an ninh quốc phòng và phát triển kinh tế xã hội.

Tại buổi làm việc, các thành viên Ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh  tham gia ý kiến làm rõ thêm kết quả đạt được, trao đổi về những khó khăn, vướng mắc gặp phải trong quá trình triển khai thực hiện các các chương trình tín dụng chính sách. Đồng thời, đề xuất các kiến nghị, giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả huy động và tạo thuận lợi để người dân tiếp cận tốt hơn với các nguồn vốn ưu đãi phù hợp với thực tế tỉnh Kon Tum.

Kết luận buổi giám sát, đồng chí Nguyễn Mạnh Tú đánh giá cao nỗ lực và tinh thần trách nhiệm của Ban đại diện HĐQT NHCSXH các cấp cũng như hoạt động của các tổ tiết kiệm và vay vốn trên địa bàn tỉnh; chia sẻ với những khó khăn, vướng mắc mà Kon Tum đang gặp phải.

Đồng chí Nguyễn Mạnh Tú mong muốn Ban đại diện HĐQT các cấp tỉnh Kon Tum tiếp tục bám sát chương trình hoạt động của Ban đại diện HĐQT Trung ương; sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh để tham mưu, triển khai kịp thời, hiệu quả các chủ trương, chính sách tín dụng của Đảng, Nhà nước, Nghị quyết của HĐQT, góp phần thực hiện thành công các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; thường xuyên củng cố, kiện toàn Ban đại diện ở tất cả các cấp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, phương thức quản lý tín dụng chính sách xã hội đặc thù.

Đồng chí Nguyễn Mạnh Tú đề nghị Chi nhánh NHCSXH tỉnh Kon Tum và Phòng giao dịch NHCS các huyện bám sát các chỉ đạo của Trung ương, tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 11/NQ-CP (ngày 30/1/2022) của Chính phủ, Nghị định 28/NĐ-CP (ngày 26/4/2022) về chính sách tín dụng ưu đãi, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025; làm tốt công tác thu hồi nợ đến hạn, giải ngân kịp thời, đúng quy định các chương trình tín dụng; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát nội bộ.

Thùy Hương

Chuyên mục khác