Không để dịch bệnh trên động vật phát sinh và lây lan ra diện rộng

09/02/2022 11:52

Chỉ thị số 03/CT-UBND ngày 7/2 của Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu chính quyền các huyện, thành phố và các sở, ngành liên quan triển khai hiệu quả, đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên động vật; tránh chủ quan, lơ là để dịch bệnh trên động vật phát sinh và lây lan ra diện rộng.

Theo đó, UBND các huyện, thành phố tập trung chỉ đạo và triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả, đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên động vật theo quy định. Trong đó chú trọng một số loại dịch bệnh có nguy cơ lây lan cao như: bệnh dịch tả lợn Châu Phi, viêm da nổi cục trên trâu bò, lở mồm long móng, cúm gia cầm…

Phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu địa phương trong công tác phòng, chống dịch bệnh; tránh tình trạng chủ quan, lơ là để dịch bệnh phát sinh và lây lan ra diện rộng. Chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh nếu để dịch bệnh phát sinh, diễn biến phức tạp, kéo dài, lây lan ra diện rộng trên địa bàn quản lý và lây lan ra các địa phương khác- Chỉ thị 03 nêu rõ.

Bên cạnh đó, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, đặc biệt tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, giết mổ, vận chuyển động vật và sản phẩm động vật không đúng quy định làm lây lan dịch bệnh; bảo đảm chấm dứt ngay tình trạng nhập lậu, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật, sản phẩm động vật vào Việt Nam tại các đường mòn, lối mở… với các nước.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND các huyện, thành phố khẩn trương triển khai các giải pháp phòng, chống dịch bệnh động vật; xử lý dứt điểm các ổ dịch bệnh, đảm bảo không để lây lan ra diện rộng, gây thiệt hại lớn về kinh tế cho người chăn nuôi. 

Cần hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên động vật. Ảnh: HL

 

Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, phối hợp, bám sát địa bàn, phối hợp các cơ quan chuyên môn của các huyện, thành phố để kịp thời nắm bắt tình hình dịch bệnh, hướng dẫn triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh theo quy định. 

Sở Y tế chủ trì, phối hợp, hướng dẫn các đơn vị, địa phương triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn cho lực lượng tham gia triển khai, thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên động vật trong tình hình dịch bệnh Covid-19 đang có diễn biến phức tạp hiện nay.

Sở Công Thương kịp thời hướng dẫn, giải quyết các vướng mắc, khó khăn trong việc tiêu thụ các sản phẩm chăn nuôi gia súc, gia cầm và thủy sản trên địa bàn tỉnh; kết nối các doanh nghiệp với người chăn nuôi để hỗ trợ tiêu thụ, phù hợp trong điều kiện tình hình dịch bệnh Covid-19 hiện nay, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về kinh tế của người chăn nuôi.

Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Cục Quản lý thị trường tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, bộ phận chuyên môn trực thuộc phối hợp chặt chẽ với các địa phương, cơ quan thú y tổ chức điều tra, đấu tranh, triệt phá việc buôn bán, giết mổ, vận chuyển động vật và sản phẩm động vật không đúng quy định làm lây lan dịch bệnh; bảo đảm chấm dứt ngay tình trạng nhập lậu, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật, sản phẩm động vật vào Việt Nam.

Thành Hưng

Chuyên mục khác