24/09/2020 05:10
|
Phát triển kinh tế bền vững, kinh tế xanh là một trong những nội dung được đồng chí Nguyễn Văn Bình- Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh trong phát biểu chỉ đạo tại Đại hội.
Theo đồng chí Nguyễn Văn Bình, Kon Tum có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển nông nghiệp công nghệ cao, kinh tế rừng; do đó, địa phương cần tập trung đầu tư phát triển, hình thành vùng chuyên canh các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, nhất là sâm Ngọc Linh gắn với nông nghiệp hữu cơ, công nghiệp chế biến các sản phẩm nông nghiệp; xây dựng chuỗi liên kết giá trị. Đồng thời, tỉnh cũng cần đẩy mạnh giao đất, giao rừng cho cộng đồng dân cư và hộ gia đình quản lý, bảo vệ, nhằm tạo thu nhập, sinh kế cho người dân sống gần rừng; nâng cao độ che phủ rừng, góp phần thúc đẩy phục hồi hệ sinh thái rừng bền vững ở Tây Nguyên.
|
Báo cáo tham luận tại Đại hội, đồng chí Nguyễn Hữu Tháp - Phó Chủ tịch UBND tỉnh nêu rõ: Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Kon Tum lần thứ XV, đến nay, toàn tỉnh đã có khoảng 8.000ha đất sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hình thành được 1 khu và 2 vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; hình thức sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị từ sản xuất gắn với chế biến và tiêu thụ được hình thành. Cơ cấu cây trồng, vật nuôi dần được chuyển dịch theo hướng ứng dụng công nghệ cao và an toàn sinh học, đã hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, nhất là cây công nghiệp như cao su, cà phê, hồ tiêu, mía, sắn và cây ăn quả. Chương trình mỗi xã một sản phẩm được triển khai rộng rãi, đến nay đã có 35 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 3 sao, 4 sao cấp tỉnh; góp phần hình thành và phát triển 50 chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm trồng trọt và chăn nuôi…
Kết quả trên có được từ sự lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện, sâu sát của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực HĐND tỉnh, sự vào cuộc của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương và sự đồng thuận, hưởng ứng tích cực của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Xác định rõ những lợi thế về điều kiện tự nhiên, khí hậu, cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp; với sự chung sức, đồng lòng của người dân, doanh nghiệp cũng như nhận thấy nhu cầu sử dụng các sản phẩm an toàn, chất lượng cao, sản phẩm hữu cơ thân thiện môi trường của người tiêu dùng trong nước, thời cơ thuận lợi của thị trường thế giới, trong thời gian qua, UBND tỉnh đã đề ra nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy lĩnh vực này.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Tháp, trong nhiệm kỳ tới, tỉnh ta tập trung thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ tái cơ cấu, xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; xây dựng hợp tác xã kiểu mới là hạt nhân trong liên kết theo chuỗi giá trị. Tỉnh cũng sẽ tập trung đầu tư và hình thành các khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực công nghệ cao trong nông nghiệp; rà soát, chuyển đổi một số diện tích cây trồng kém hiệu quả sang phát triển khoảng 10.000ha cây ăn quả chủ lực, có giá trị kinh tế cao; hỗ trợ các tổ chức, cá nhân thực hiện sản xuất theo các tiêu chuẩn như VietGAP, VietGAHP, GACP-WHO, GloballGAP, Oganic...
Cùng với việc tập trung phát triển nông nghiệp công nghệ cao, việc đẩy mạnh phát triển lâm nghiệp bền vững, đẩy mạnh trồng rừng cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của nhiệm kỳ tới nhằm thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế xanh trên địa bàn tỉnh.
|
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thời gian qua, công tác quản lý bảo vệ rừng, nâng cao độ che phủ rừng được tỉnh ta chú trọng. Từ năm 2015 đến nay, toàn tỉnh đã trồng mới được 2.125 ha, khoanh nuôi phục hồi rừng tự nhiên 2.022 ha; hoạt động sản xuất lâm nghiệp đã thu hút một lực lượng lớn lao động địa phương tham gia nhận khoán bảo vệ rừng, trồng rừng, góp phần tạo sinh kế, nâng cao thu nhập cho người dân.
Để thực hiện mục tiêu giai đoạn 2020-2025 là bảo vệ được 609.468ha diện tích rừng hiện có và phát triển mới 10.000ha rừng, nâng cao độ che phủ rừng lên 63,75%, theo Quyền Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Tấn Liêm, thời gian tới, các hoạt động, tổ chức sản xuất lâm nghiệp cần được củng cố toàn diện và đồng bộ, trong đó trọng tâm là quản lý rừng bền vững, đẩy mạnh phát triển rừng và phát triển dược liệu dưới tán rừng, thu hút người dân tham gia phát triển kinh tế rừng, cải thiện sinh kế từ rừng.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động sản xuất lâm nghiệp, tạo thuận lợi cho người dân và các thành phần kinh tế cùng tham gia xây dựng; sử dụng hiệu quả môi trường rừng tự nhiên, phát triển dược liệu dưới tán rừng, khai thác các dịch vụ du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng, trong đó, chú trọng phát triển Sâm Ngọc Linh, lan kim tuyến, mật ong rừng và các loại dược liệu khác gắn với công tác quản lý bảo vệ rừng tự nhiên.
Để nâng cao hiệu quả các vùng kinh tế động lực của tỉnh, đồng chí Trần Thị Nga -Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định một trong những nhiệm vụ trọng tâm của nhiệm kỳ 2020 - 2025 là xây dựng Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại thành phố Kon Tum; hình thành các khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại huyện Ngọc Hồi khi có đủ điều kiện; thúc đẩy mở rộng việc thực hiện liên kết 4 nhà (nhà nông, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học, Nhà nước) nhằm góp phần nâng cao chất lượng và giá trị hàng hóa nông sản.
Thùy Hương (Lược ghi tại Đại hội)