17/03/2022 07:29
|
Dự Lễ khai mạc, về phía Bộ VHTT&DL có đồng chí Trịnh Thị Thủy - Thứ trưởng Bộ VHTT&DL; lãnh đạo Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VHTT&DL).
Về phía tỉnh Kon Tum có các đồng chí: Lê Ngọc Tuấn- Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Nghe Minh Hồng- Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Ngọc Sâm- Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo Sở VHTT&DL các tỉnh, thành phố trong khu vực; lãnh đạo các sở, ngành, đoàn thể và lực lượng vũ trang trên địa tỉnh cùng các nghệ nhân, nghệ sĩ, diễn viên đến từ 19 tỉnh, thành phố tham Liên hoan Diễn xướng dân gian văn hóa các dân tộc khu vực Trường Sơn - Tây Nguyên mở rộng lần thứ III năm 2022.
|
Liên hoan Diễn xướng dân gian văn hóa các dân tộc khu vực Trường Sơn - Tây Nguyên mở rộng lần thứ III quy tụ gần 850 nghệ nhân, nghệ sĩ của 19 đoàn gồm: An Giang, Bắc Ninh, Đăk Nông, Đăk Lăk, Đồng Nai, Gia Lai, Hà Nam, Hải Dương, Kon Tum, Lâm Đồng, Nghệ An, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quảng Trị, Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc và Thành phố Hồ Chí Minh.
Tại Lễ khai mạc, các đoàn nghệ nhân tham gia Liên hoan thực hiện nghi thức rước biểu tượng vật thiêng; đại diễn tấu cồng chiêng "Tiếng vọng đại ngàn"; trình diễn diễn xướng dân gian và trang phục dân tộc.
|
Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở Nguyễn Công Trung cho biết, nhân thời khắc đất nước ta bước vào trạng thái bình thường mới, các hoạt động du lịch được mở cửa sau 2 năm gián đoạn, hàng trăm nghệ nhân, nghệ sĩ, diễn viên từ mọi miền Tổ quốc đã đến tham dự Liên hoan Diễn xướng dân gian văn hóa các dân tộc khu vực Trường Sơn – Tây Nguyên lần III với hi vọng mở ra một đại cảnh muôn sắc màu văn hóa, kết nối quá khứ và hiện tại, góp phần khắc họa vùng đất Tây Nguyên ngập tràn nắng gió. Với tài năng, tâm huyết bảo tồn và gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc, các nghệ nhân, nghệ sĩ, diễn viên sẽ trình diễn nhiều chương trình, tiết mục đặc sắc thể hiện tốt nội dung, mục đích Liên hoan đề ra, để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng đồng bào các dân tộc khu vực Trường Sơn -Tây Nguyên.
|
Phát biểu chào mừng tại Lễ khai mạc Liên hoan, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Sâm cho biết: Kon Tum rất vinh dự là địa phương được Bộ VHTT&DL chọn đăng cai tổ chức Liên hoan Diễn xướng dân gian văn hóa các dân tộc khu vực Trường Sơn - Tây Nguyên mở rộng lần thứ III - năm 2022. Đây là hoạt động thiết thực nhân kỷ niệm 47 năm ngày giải phóng tỉnh Kon Tum (16/3/1975-16/3/2022) và là hoạt động rất quan trọng, có ý nghĩa to lớn nhằm phát huy tinh thần đại đoàn kết dân tộc, góp phần gìn giữ và tôn vinh các giá trị, bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc khu vực Trường Sơn - Tây Nguyên. Thông qua Liên hoan lần này nhằm tạo điều kiện để các nghệ nhân, diễn viên, người dân giao lưu, giới thiệu giá trị những di sản văn hóa phi vật thể, phong tục tập quán, lễ hội truyền thống, trang phục, ẩm thực của cộng đồng các dân tộc ở các địa phương.
“Tỉnh Kon Tum đã xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn và đã lãnh đạo, chỉ đạo tăng cường liên kết phát triển du lịch, trọng tâm là du lịch văn hóa, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch tâm linh, du lịch cộng đồng, du lịch thể thao,... dựa trên nền tảng bảo tồn, phát huy các giá trị bản sắc văn hóa các dân tộc trên địa bàn tỉnh. Đến nay, Kon Tum đã có hơn 223 di tích, trong đó, có 2 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 4 di tích xếp hạng cấp quốc gia và 20 di tích được xếp hạng cấp tỉnh. Bảo quản gần 2.000 bộ cồng chiêng, hàng chục loại nhạc cụ gõ, nhạc cụ hơi của các dân tộc thiểu số; sưu tầm tái hiện, phục hồi nhiều lễ hội truyền thống tiêu biểu, khôi phục nghệ thuật diễn xướng sử thi, diễn tấu cồng chiêng nhất là các bài chiêng cổ, chiêng lễ, chiêng hội của từng dân tộc, bảo tồn và phát triển tiếng nói, chữ viết của dân tộc được chú trọng. Các làn điệu dân ca, dân nhạc, dân vũ của đồng bào các DTTS như: Lễ Ét Đông của người Ba Na nhánh Jơ Lâng ở huyện Kon Rẫy mới được công nhận là di sản phi vật thể Quốc gia; Hát K’đò, Đọ Ka Panh, Cha Pơ Le của dân tộc Giẻ-Triêng, điệu ting ting, hát A Cheo của dân tộc Xơ Đăng; Gia Rai, Ba Na có điệu H’rí, H’Vơng… được người dân và cộng đồng làng gìn giữ và trao truyền”- đồng chí Nguyễn Ngọc Sâm cho biết.
|
Liên hoan diễn ra trong 4 ngày (từ 16-19/3) tại Khu du lịch sinh thái Quốc gia Măng Đen (huyện Kon Plông) với nhiều hoạt động: Thi trình diễn trang phục truyền thống; trình diễn các loại hình dân ca, dân vũ, cồng chiêng Tây Nguyên, nhạc cụ dân tộc truyền thống; trình diễn các tích, trò trong sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng, lễ hội; Hội thi Trai tài - Gái đảm (nam thi bắn nỏ, kéo co, vật tay; nữ thi nấu ăn và trình bày 1 mâm cỗ cổ truyền) và các hoạt động dã ngoại trải nghiệm tại một số điểm du lịch của huyện Kon Plông.
Văn Phương