10/03/2019 08:58
Đến dự có đồng chí Trương Hòa Bình - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; lãnh đạo một số bộ, ngành trung ương; đại sứ, tổng lãnh sự các nước; lãnh đạo một số tỉnh thành và đông đảo nhân dân tỉnh Đăk Lăk.
Về phía tỉnh Kon Tum, dự khai mạc có đồng chí Nguyễn Hữu Tháp - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch, Sở Kế hoạch và Đầu tư và một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh…
|
Với chủ đề “Tinh hoa đại ngàn”, Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 7 nhằm tiếp tục quảng bá thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột, hướng tới phát triển cà phê đặc sản Việt Nam và khát vọng đưa Buôn Ma Thuột trở thành một trong những trung tâm sản xuất, chế biến cà phê mang tầm cỡ thế giới, là “điểm đến của cà phê thế giới”; góp phần nâng tầm giá trị và khẳng định vị thế, thương hiệu cà phê Việt Nam trên trường quốc tế. Bên cạnh đó, Lễ hội cũng gắn mục tiêu giao lưu văn hóa với xúc tiến thương maị, thu hút đầu tư.
Phát biểu khai mạc lễ hội, đồng chí Phạm Ngọc Nghị - Chủ tịch UBND tỉnh Đăk Lăk cho biết, với diện tích hơn 200.000ha, sản lượng thu hoạch hàng năm trên 450 ngàn tấn, Đăk Lăk được mệnh danh là thủ phủ cà phê của cả nước. Những năm qua, Chính phủ đồng ý cho tỉnh Đăk Lăk tổ chức Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột nhằm vinh danh ngành cà phê Việt Nam. Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột đã trở thành Lễ hội cấp quốc gia, được tổ chức định kỳ 2 năm một lần; là nơi để những người trồng, sản xuất, chế biến, kinh doanh cà phê hội tụ và được tôn vinh những giá trị, đóng góp của ngành cà phê vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước...
Phát biểu chỉ đạo tại Lễ khai mạc, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đề nghị, tỉnh Đăk Lăk tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, có các giải pháp thực sự bứt phá và đem lại hiệu quả hơn để hoàn thành xuất sắc kế hoạch đề ra năm 2019 và kế hoạch 5 năm 2016-2020, góp phần phát triển bền vững nông nghiệp, nông thôn nước ta nói chung và ngành cà phê nói riêng.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, việc tổ chức Lễ hội cà phê lần này có nhiều điểm mới, không những tiếp tục quảng bá thương hiệu Cà phê Buôn Ma Thuột, mà còn hướng tới phát triển cà phê đặc sản Việt Nam và khát vọng đưa Buôn Ma Thuột - Đăk Lăk trở thành “Điểm đến của cà phê thế giới”, góp phần nâng tầm giá trị và khẳng định vị thế của cà phê Việt Nam trên trường quốc tế.
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình chỉ ra, để phát triển bền vững nông nghiệp, nông thôn nước ta nói chung, ngành cà phê nói riêng, tỉnh Đăk Lăk cùng các tỉnh có trồng cà phê rà soát tổng thể việc phát triển ngành cà phê cho phù hợp với xu thế thị trường thế giới và bảo đảm các điều kiện sản xuất bền vững; đẩy mạnh cơ cấu lại ngành cà phê theo hướng phát triển sản xuất quy mô lớn, tập trung gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm; khuyến khích và thu hút đầu tư tư nhân vào tái canh cà phê. Tăng cường áp dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao nhằm tăng năng suất, chất lượng, giảm giá thành và thích ứng với biến đổi khí hậu. Khuyến khích phát triển cà phê đặc sản Việt Nam, với tính chất là cà phê cao cấp, có hương vị đặc biệt, được đánh giá theo tiêu chuẩn quốc tế để đáp ứng nhu cầu, xu thế tiêu thụ của thế giới và gia tăng giá trị cho cây cà phê, nhất là tăng lợi nhuận trực tiếp cho người nông dân trồng cà phê. Bên cạnh đó, cần tập trung đầu tư phát triển công nghiệp chế biến, đặc biệt là chế biến sâu và bảo quản sau thu hoạch theo hướng hiện đại để vươn tới khát vọng trở thành "điểm đến của cà phê thế giới”.
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình chỉ đạo các bộ ngành Trung ương cần tích cực hơn nữa trong việc hỗ trợ cho các tỉnh về nghiên cứu khoa học, tạo cơ chế, chính sách cho người trồng cà phê và sản phẩm cà phê; Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam phát huy vai trò là đầu mối để các tỉnh chia sẻ kinh nghiệm cho cây cà phê và sản phẩm cà phê phát triển ổn định và bền vững, tạo ra nhiều thương hiệu lớn có uy tín cao vào tính cạnh tranh lành mạnh mang lại nguồn kinh tế cao cho các địa phương và đất nước...
Tại lễ khai mạc, màn biểu diễu nghệ thuật hoành tráng, được dàn dựng công phu với nhiều tiết mục ca, múa, hoạt cảnh nêu bật lợi thế mà thiên nhiên ban tặng cho vùng đất Tây Nguyên với nhiều thương hiệu cà phế nổi tiếng thế giới, là kết tinh của “Tinh hoa đại ngàn”…
|
Trước đó, chiều 9/3, trong khuôn khổ Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột, tỉnh Đăk Lăk tổ chức Lễ hội Đường phố, khai trương Đường sách cà phê Buôn Ma Thuột, thi cà phê đặc sản Việt Nam.
|
Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột sẽ diễn ra từ ngày 9-16/3 với nhiều hoạt động như: Tổ chức Cuộc thi Cà phê đặc sản Việt Nam, Triển lãm Lịch sử cà phê thế giới tại Bảo tàng Thế giới cà phê, Hội thi Nhà nông đua tài, Hội thảo Phát triển đặc sản cà phê Việt Nam, Hội chợ triển lãm chuyên ngành cà phê, Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Đăk Lăk năm 2019, Hội thi Ẩm thực Tây Nguyên, Hội voi Buôn Đôn…
Trong những ngày tham gia lễ hội, các đại biểu, du khách sẽ có những trải nghiệm thú vị, được đắm mình trong hương sắc cà phê, hòa mình vào những lễ hội truyền thống độc đáo của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên…
Tin, ảnh: Văn Phương