07/07/2022 09:51
|
|
Dự Kỳ họp có các đồng chí: Nguyễn Văn Hòa- Phó Bí thư Tỉnh ủy; Lê Ngọc Tuấn- Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo UBND tỉnh, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, các đại biểu HĐND tỉnh khóa XII.
Tại Kỳ họp, HĐND tỉnh xem xét và cho ý kiến đối với các báo cáo của Thường trực HĐND, các Ban của HĐND, UBND tỉnh và các cơ quan tư pháp của tỉnh theo quy định; nghe Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh thông báo về hoạt động của Mặt trận tham gia xây dựng chính quyền và phản ánh ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân. Đồng thời, xem xét và quyết định các nội dung thuộc thẩm quyền của HĐND tỉnh.
|
Phát biểu khai mạc Kỳ họp, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Dương Văn Trang nhấn mạnh: Kỳ họp sẽ dành thời gian để đại biểu HĐND tỉnh tập trung thảo luận, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh 6 tháng đầu năm 2022; xem xét, quyết định danh mục các dự án đầu tư thuộc chương trình mục tiêu quốc gia; quy định mức học phí đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập năm học 2022-2023; xem xét việc giải quyết, trả lời của chính quyền và ngành chức năng đối với các ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 2 HĐND tỉnh; quyết định chương trình giám sát của HĐND tỉnh năm 2023; chất vấn một số vấn đề đang được cử tri và nhân dân quan tâm. Đồng thời, xem xét quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư một số công trình, dự án thuộc lĩnh vực đầu tư công theo quy định của pháp luật và yêu cầu thực tiễn ở địa phương.
Để Kỳ họp đạt hiệu quả cao, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị các đại biểu HĐND tỉnh phát huy dân chủ, tập trung trí tuệ, thảo luận kỹ lưỡng các nội dung trình kỳ họp để các nghị quyết của HĐND phù hợp với thực tiễn và có tính khả thi cao nhất.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh lưu ý, cần quan tâm thảo luận, tạo sự thống nhất cao đối với danh mục dự án đầu tư thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia năm 2022 để làm cơ sở cho các địa phương, đơn vị sớm thực hiện giải ngân ngồn vốn của các chương trình. Đồng thời, làm rõ kết quả nổi bật đã đạt được trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ kinh tế-xã hội 6 tháng đầu năm; các hạn chế, yếu kém và nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan thuộc về trách nhiệm của tổ chức, người đứng đầu các đơn vị, địa phương đối với những hạn chế, yếu kém đã được chỉ ra. Từ đó, đề xuất các giải pháp cụ thể, sát thực để phấn đấu tổ chức thực hiện đạt kết quả cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng-an ninh năm 2022 đã đề ra.
|
Tại phiên khai mạc, thay mặt UBND tỉnh, đồng chí Nguyễn Ngọc Sâm- Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh báo cáo tóm tắt về tình hình kinh tế-xã hội 6 tháng đầu năm và phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022 và một số nội dung Tờ trình dự thảo Nghị quyết quan trọng để HĐND tỉnh xem xét, cho ý kiến.
Trong 6 tháng đầu năm 2022, tỉnh đã tập trung xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội và đạt được nhiều kết quả tích cực.
Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước đạt 7.307 tỷ đồng, tăng 9,69% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng trưởng cùng kỳ năm 2021. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội là 10.359 tỷ đồng, đạt 45% kế hoạch và tăng 18% so với cùng kỳ. Thu ngân sách nhà nước đạt 2.337 tỷ đồng, đạt 58,4% dự toán và bằng 155,1% cùng kỳ năm trước. Giải ngân vốn đầu tư công khoảng 805/2.346 tỷ đồng, đạt 34,3% so với thực nguồn, cao hơn so với cùng kỳ năm 2021 (24,7%). Thu hút 15 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký gần 1.362,6 tỷ đồng. Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 148 triệu USD, bằng 54,8% kế hoạch và tăng 35,4% so với cùng kỳ. Thu hút được 785.000 lượt khách du lịch đến tỉnh, đạt 87,2% kế hoạch và tăng gần gấp 3 lần so với cùng kỳ năm trước với tổng doanh thu ước đạt 184 tỷ đồng, đạt 73,4% kế hoạch. Có thêm 1 xã cơ bản đạt 19/19 tiêu chí nông thôn mới. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định. Công tác xây dựng Đảng đạt nhiều kết quả quan trọng, chất lượng tổ chức đảng và đảng viên tiếp tục được nâng lên.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình phát triển kinh tế-xã hội 6 tháng đầu năm 2022 cũng còn những tồn tại, hạn chế như: Sản xuất nông nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn, hiệu quả thấp. Kết quả cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh còn hạn chế. Công tác thu hút đầu tư vào khu kinh tế và các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn còn khó khăn. Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng một số dự án quan trọng của tỉnh và tiến độ giải ngân vốn đầu tư công còn chậm. Công tác quản lý, kiểm soát thị trường còn lỏng lẻo; tình trạng vi phạm các quy định về quản lý, bảo vệ rừng, quản lý đất đai, khai thác khoáng sản trái phép còn xảy ra. Công tác giáo dục, đào tạo tại vùng đồng bào đồng bào DTTS còn khó khăn...
Trong 6 tháng cuối năm 2022, UBND đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như: Khẩn trương hoàn thành và trình phê duyệt Quy hoạch tỉnh Kon Tum thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh thời 2021-2025. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân nguồn vốn đầu tư công; triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp thu ngân sách, bồi thường giải phóng mặt bằng. Phân bổ và sử dụng hiệu quả nguồn vốn từ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Đẩy mạnh thực hiện các hoạt động, chính sách kích cầu, phục hồi hoạt động du lịch. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống các loại dịch bệnh trên người; thực hiện tốt các chính sách dân tộc. Thực hiện tốt công tác đảm bảo quốc phòng-an ninh; giải quyết kịp thời, đúng pháp luật những vụ việc khiếu nại, tố cáo ngay từ khi phát sinh...
Buổi chiều, các đại biểu sẽ tiến hành thảo luận ở Tổ về nội dung các báo cáo và tờ trình dự thảo nghị quyết.
Kỳ họp thứ 3, HĐND tỉnh khóa XII, nhiệm kỳ 2021-2026 dự kiến diễn ra trong 2 ngày (từ 7-8/7/2022).
Thùy Hương