Khai mạc Festival Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên

01/12/2018 08:08

Tối 30/11, tại thành phố Pleiku (tỉnh Gia Lai) đã diễn ra Lễ khai mạc Festival Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên năm 2018.

Đây là sự kiện văn hóa diễn ra định kỳ 2 năm 1 lần nhằm tôn vinh các giá trị văn hóa đặc sắc của Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, do Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND và ngành Văn hóa – Thể thao và Du lịch các tỉnh Tây Nguyên tổ chức.

Liên hoan cồng chiêng lần này quy tụ gần 1.200 nghệ nhân của 5 tỉnh: Gia Lai, Kon Tum, Đăk Lăk, Đăk Nông và Lâm Đồng.

Dự Lễ khai mạc có các đồng chí: Nguyễn Xuân Phúc - Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ; Võ Văn Thưởng - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Thượng tướng Tô Lâm - Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an; Nguyễn Hòa Bình - Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương, Tỉnh ủy - UBND các tỉnh khu vực miền Trung-Tây Nguyên.

Lãnh đạo tỉnh Kon Tum dự Lễ khai mạc có các đồng chí: Nguyễn Văn Hùng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Y Mửi - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Nguyễn Văn Hòa - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh.

Phát biểu khai mạc Festival, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Tây Nguyên phải có chiến lược bền vững trong trong việc hồi sinh vẻ đẹp đại ngàn của một vùng đất sử thi; phải luôn ý thức gìn giữ không gian sống, phát huy các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể  truyền thống, niềm tự hào thiêng liêng của các cộng đồng Ê Đê, Gia Rai, Mơ Nông, Ba Na, Kinh... trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam.

Thủ tướng đề nghị chính quyền và nhân dân các địa phương trong vùng Tây Nguyên và các tỉnh miền Trung cần tiếp tục phát huy ý chí tự lực, tự cường, năng động, sáng tạo, trách nhiệm, tập trung truyền giữ tiếng cồng chiêng trong không gian di sản đại ngàn, nhà rông, nhà dài và các nghi lễ, lễ hội truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Phải làm sao để hai chữ Tây Nguyên luôn là niềm tự hào của người Tây Nguyên, của người Việt Nam; để Tây Nguyên luôn là điểm đến yêu thích của các nhà đầu tư và du khách gần xa….

Trình diễn nghệ thuật tại Lễ khai mạc

 

Tham gia Festival Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên tại tỉnh Gia Lai lần này (từ 30/11 đến 2/12), Đoàn tỉnh Kon Tum có 34 nghệ nhân, bao gồm Đội nghệ nhân dân tộc Ba Na – nhóm Rơ Ngao có 26 người (làng Đăk Wơk, xã Hơ Moong, huyện Sa Thầy); nghệ nhân tạc tượng gỗ dân gian 6 người (thành phố Kon Tum 2 người – dân tộc Ba Na, huyện Đăk Hà 2 người – dân tộc Xơ Đăng, huyện Sa Thầy 2 người – dân tộc Gia Rai); 1 nghệ nhân diễn xướng Sử thi dân tộc Ba Na (huyện Sa Thầy); 1 nghệ nhân chỉnh âm cồng chiêng dân tộc Ba Na (thành phố Kon Tum).

Đoàn nghệ nhân tỉnh Kon Tum tham gia các hoạt động của Festival văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên như: Lễ khai mạc và bế mạc; Lễ hội đường phố; phục dựng Lễ hội cầu an của dân tộc Ba Na; trình diễn nghệ thuật tạc tượng gỗ dân gian, đan lát, dệt thổ cẩm; tham gia nghệ thuật dân gian diễn xướng Sử thi và dân ca; giao lưu, trình diễn nghệ thuật diễn tấu cồng chiêng và kỹ thuật chỉnh cồng chiêng.

Trong khuôn khổ Festival, tỉnh Kon Tum còn tham dự Hội thảo “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” do Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch phối hợp với các tỉnh Tây Nguyên tổ chức tại thành phố Pleiku vào ngày 1/12.

Tin, ảnh: Quang Định

Chuyên mục khác