Huy động tối đa mọi nguồn lực thực hiện có hiệu quả “mục tiêu kép”

06/08/2021 19:16

Đó là một trong những nội dung chỉ đạo của đồng chí Lê Ngọc Tuấn- Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tại phiên họp thường kỳ tháng 7 của UBND tỉnh, diễn ra vào chiều 6/8.
Đồng chí Lê Ngọc Tuấn- Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì phiên họp. Ảnh: QĐ

 

Dự họp có đồng chí Y Ngọc - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Ngọc Sâm - Tỉnh uỷ viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh.

Trong tháng 7, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh đạt nhiều kết quả quan trọng trên nhiều lĩnh vực. Diện tích trồng mới rừng, cây ăn quả, cây mắc ca tăng mạnh so với tháng trước; hoạt động hỗ trợ phát triển, nâng hạng các sản phẩm OCOP triển khai tích cực; sản xuất công nghiệp, thương mại và dịch vụ có sự tăng trưởng khá; thu ngân sách đảm bảo tiến độ và tăng so với cùng kỳ; môi trường đầu tư tiếp tục được cải thiện, số lượng, quy mô doanh nghiệp đăng ký kinh doanh, dự án thu hút đầu tư tăng cao so với cùng kỳ; công tác phòng, chống dịch Covid-19 được các cấp, các ngành, các địa phương triển khai nghiêm túc, hiệu quả, các ca nhiễm Covid-19 được cách ly kịp thời, hiện chưa có ca lây nhiễm trong cộng đồng; quốc phòng-an ninh được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo...

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện nhiệm vụ kinh tế-xã hội trong tháng 7 vẫn còn một số hạn chế và khó khăn, thách thức như việc thực hiện các chỉ tiêu về trồng mới Sâm Ngọc Linh và các loại dược liệu khác chưa đạt kế hoạch; dịch bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò và bệnh khảm lá do virus gây hại trên cây mì chưa được giải quyết triệt để; ngành du lịch chịu tổn thất nặng nề bởi dịch Covid-19; giải ngân vốn đầu tư công tuy đã có mức tăng đáng kể trong tháng nhưng nhìn chung còn chậm; công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng còn nhiều khó khăn, vướng mắc...

 

Các đại biểu tập trung thảo luận tại phiên họp. Ảnh: QĐ

 

Tại phiên họp, các đại biểu tập trung thảo luận, phân tích những kết quả đạt được, những khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ; đề xuất một số giải pháp nhằm thực hiện tốt hơn các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh, công tác phòng chống dịch bệnh trong thời gian tới.

Phát biểu kết luận phiên họp, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Tuấn đánh giá cao sự nỗ lực của các ngành, địa phương trong việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ công tác trong tháng 7/2021; trong đó “điểm sáng” đáng kể nhất là tỉnh Kon Tum chưa có ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng.

Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu, trong thời gian tới thủ trưởng các sở, ban ngành và chủ tịch UBND các huyện, thành phố cần nêu cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm trong công tác chỉ đạo, điều hành, thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra, phấn đấu hoàn thành cao nhất các mục tiêu, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm 2021 đã được xác định.

Đồng chí Lê Ngọc Tuấn nhấn mạnh, trong số các nhiệm vụ cần khẩn trương thực hiện, các ngành và địa phương quan tâm huy động tối đa mọi nguồn lực thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép”, vừa thực hiện có hiệu quả công tác phòng chống dịch Covid-19, vừa bảo đảm phát triển kinh tế-xã hội.

Theo đó, ưu tiên triển khai thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh ủy, UBND tỉnh về công tác phòng chống dịch Covid-19 với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, phương châm “5K + vắc-xin”, tăng cường ứng dụng công nghệ trong kiểm soát dịch bệnh; kiểm soát chặt chẽ phương tiện giao thông ra, vào địa bàn tỉnh, kiên quyết không để dịch Covid-19 lây lan trong cộng đồng; hoàn thành đợt 3, 4 tiêm vắc-xin phòng chống dịch Covid-19. Triển khai thực hiện kịp thời, đúng đối tượng, chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 theo Kế hoạch số 2456/KH-UBND ngày 19/7/2021 của UBND tỉnh; thực hiện việc mua sắm thuốc, hóa chất, vật tư, trang thiết bị, phương tiện phục vụ phòng chống dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 79/NQ-CP ngày 22/7/2021 của Chính phủ và các quy định pháp luật liên quan.

Bên cạnh đó, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, địa phương đẩy mạnh phát triển các sản phẩm chủ lực của tỉnh, nhất là các cây trồng như sâm Ngọc Linh, cây mắc ca, các loại cây ăn quả, cây dược liệu; tăng cường công tác trồng rừng tập trung và trồng cây phân tán theo kế hoạch đã đề ra; khẩn trương thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, quyết liệt xử lý dứt điểm bệnh khảm lá virus gây hại trên cây mì và các ổ dịch viêm da nổi cục trên trâu, bò.

Các địa phương và các ngành chức năng tập trung rà soát, hoàn thiện phương án ứng phó với từng tình huống thiên tai cụ thể có thể xảy ra trên từng địa bàn, đảm bảo phương châm “4 tại chỗ”; phát huy vai trò của người đứng đầu cơ quan, đơn vị và chính quyền các cấp trong lãnh đạo, chỉ huy công tác phòng chống, ứng phó thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và tăng cường thu hút đầu tư trên địa bàn.

Các sở, ngành, địa phương cần làm tốt công tác tham mưu, giải quyết một số khó khăn, vướng mắc trong đầu tư, quản lý tài sản công, xây dựng, quy hoạch, đất đai để đẩy nhanh tiến độ thi công, quyết liệt hơn nữa để đẩy nhanh tiến độ giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2021, các dự án do cơ quan, đơn vị làm chủ đầu tư; đặc biệt, khẩn trương xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2022. Tổ chức tổng kết năm học 2020-2021 và triển khai các nhiệm vụ trọng tâm năm học 2021-2022.

Ngành Lao động- Thương binh và Xã hội chú trọng xây dựng, ban hành quy chế phối hợp quản lý lao động người nước ngoài làm việc trên địa bàn tỉnh; triển khai nhanh chóng, đầy đủ các nguồn vốn vay, giải quyết việc làm, chính sách, chương trình, mô hình có liên quan đến công tác giảm nghèo...

Quang Định

Chuyên mục khác