24/08/2022 21:41
|
|
Theo thông tin từ Viện Vật lý Địa cầu (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), từ ngày 14/ 4 đến nay, trên địa bàn huyện Kon Plông xảy ra 79 trận động đất. Các trận động đất có cấp độ rủi ro thiên tai từ cấp 0 đến cấp 1, có độ lớn chủ yếu dưới 4,0 độ richter; riêng trận động đất xảy ra lúc 14 giờ 08 phút 04 giây ngày 23/8 có độ lớn 4,7 độ richter tại vị trí có tọa độ 14.768 độ vĩ Bắc, 108.209 độ kinh Đông, độ sâu chấn tiêu khoảng 8.2 km là cao nhất từ trước tới nay.
Qua rà soát, kiểm tra của UBND huyện Kon Plông, đến thời điểm hiện tại, các trận động đất chưa gây thiệt hại về người và tài sản; tuy nhiên, trong nhân dân đã có những lo lắng, bất an nhất định.
Trước diễn biến của động đất, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các sở, ban ngành và địa phương, đặc biệt là huyện Kon Plông thường xuyên, theo dõi chặt chẽ tình hình dư chấn động đất trên địa bàn; kịp thời phát hiện, thông tin về động đất và dư chấn do động đất gây ra; tuyên truyền để người dân an tâm, hướng dẫn kỹ năng ứng phó; chỉ đạo các lực lượng, phương tiện hỗ trợ cứu hộ, cứu nạn sẵn sàng phương án ứng cứu, khắc phục hậu quả (trong trường hợp xảy ra sự cố) để đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân trên địa bàn.
Chính quyền và các ngành chức năng kiểm tra các công trình hồ đập thủy lợi, thủy điện; công tác vận hành, điều tiết các hồ chứa thủy điện, giảm tích nước hồ chứa thủy điện để an toàn hồ đập và chuẩn bị phương án, sẵn sàng lực lượng, phương tiện triển khai công tác tìm kiếm cứu nạn, khắc phục hậu quả khi có yêu cầu. Đồng thời, tổ chức khảo sát, xác định và chuẩn bị các khu vực sơ tán an toàn cho nhân dân; chủ động xây dựng kế hoạch sơ tán dân của từng thôn, làng và sẵn sàng triển khai thực hiện khi có động đất; dự trữ lương thực, thực phẩm, các nhu yếu phẩm, thuốc y tế đảm bảo cho công tác cứu trợ nhân dân trong khu vực bị động đất; có kế hoạch huy động với các lực lượng vũ trang hỗ trợ trong công tác tìm kiếm cứu nạn khi động đất có cường độ lớn, xảy ra trên phạm vi rộng...
UBND huyện Kon Plông chỉ đạo các xã, phường, thị trấn phổ biến sổ tay kiến thức về động đất, cung cấp tờ rơi đến tận người dân để biết, chủ động phòng tránh, vận động nhân dân trong khu vực bị ảnh hưởng động đất để ổn định tư tưởng tránh hoang mang.
Tại cuộc họp, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai- Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh kiến nghị Viện Vật lý Địa cầu, các cơ quan Trung ương cử cán bộ, các chuyên gia phối hợp với tỉnh Kon Tum tổ chức Hội thảo tuyên truyền, hướng dẫn các kỹ năng ứng phó khi động đất xảy ra cho các sở, ngành, đơn vị, địa phương và nhân dân; Công ty Thủy điện Thượng Kon Tum và Công ty Thủy điện Đăk Đrinh đầu tư, lắp đặt thêm các trạm quan trắc động đất theo kiến nghị của Viện Vật lý Địa cầu.
Các cơ quan chuyên môn đã tập trung thảo luận, đề xuất nhiều đề xuất nhiều giải pháp để chủ động ứng phó với tình hình động đất, nhất là trong khả năng động đất có thể xảy ra với cường độ lớn hơn so với các trận động đất vừa qua nhằm giảm thiếu rủi ro, thiệt hại do động đất gây ra.
Kết luận cuộc họp, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai, Phó Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống thiên tai Trần Quang Hoài đề nghị các bộ, ngành, địa phương liên quan thực hiện nghiêm Công điện số 750/CĐ-TTg (ngày 23/8/2022) của Thủ tướng Chính phủ về ứng phó động đất tại khu vực huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum. Viện Vật lý địa cầu cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác về tình hình động đất để Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai nắm bắt và có định hướng chỉ đạo kịp thời; phối hợp với Thủy điện Thượng Kon Tum hoàn thành lắp đặt 3 trạm quan trắc chậm nhất vào đầu tháng 9. Các cơ quan chuyên môn xem xét, đánh giá lại quá trình tích nước của Thủy điện Thượng Kon Tum để có hướng dẫn thực hiện tích nước cho phù hợp.
Ông Trần Quang Hoài lưu ý Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai- Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự 2 tỉnh Kon Tum và Quảng Nam, các địa phương tại khu vực thường xuyên xảy ra động đất nhanh chóng soát lại toàn bộ các công trình công cộng, nhà ở của người dân có nguy cơ để triển khai ngay biện pháp gia cố, sửa chữa, nâng cấp; rà soát, theo dõi, đánh giá thường xuyên về mức độ an toàn của các hồ chứa trên địa bàn để triển khai giải pháp đảm bảo an toàn trước động đất. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan truyền thông của tỉnh, thông tin về tình hình động đất, mức độ an toàn của các công trình xây dựng, hồ thủy lợi, thủy điện để người dân biết, nhằm tránh tâm lý hoang mang, hoảng loạn không cần thiết và tuyên truyền, huớng dẫn cho người dân kỹ năng ứng phó với động đất một cách đơn giản, dễ hiểu nhất...
Thùy Hương