12/10/2020 14:51
|
Đồng chí Nguyễn Văn Hòa- Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp. Dự họp có lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh.
Theo báo cáo nhanh của Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, tính đến 9h ngày 12/10, do ảnh hưởng của cơn bão số 6, trên địa bàn tỉnh đã có 2 người chết, nhiều công trình giao thông, điện bị ảnh hưởng và nhiều tài sản của người dân bị thiệt hại.
Theo đó, tại thành phố Kon Tum, có 7 nhà dân bị ngập nước, gần 128ha cây trồng của người dân bị ngập úng, ngã đổ.
Tại huyện Kon Plông, tuyến Tỉnh lộ 676 đi xã Đăk Tăng có hơn 10 điểm sạt lở nghiêm trọng, cây cối ngã đổ; tuyến đường Trường Sơn Đông thuộc địa bàn xã Ngọc Tem có 8 điểm sạt lở và nhiều tuyến đường liên thôn cũng bị sạt lở gây ách tắc giao thông; khu tái định cư thôn Đăk Tăng (xã Đăk Tăng) và thôn Tu Nông (xã Măng Bút) cũng bị đất đá sạt lở.
Tại huyện Ngọc Hồi, thôn Đăk Sút 2 và tuyến đường liên thôn tại xã Đăk Ang bị sạt lở.
Huyện Đăk Hà có 2 cầu treo dân sinh bị nước cuốn trôi hoàn toàn; cây cầu bê tông cốt thép đi vào Thủy điện Đức Nhân, hiện nay có khoảng 50 đến 60 hộ dân (tại 2 xã Đăk Psi và xã Đăk Long) sử dụng bị nước cuốn trôi 1 nhịp giữa sông; 1 cây cầu trên Tỉnh lộ 677 bị ngập sâu; 6,15ha cây trồng và 1 ao nuôi cá của của người dân bị ngập úng.
Huyện Kon Rẫy có 2 địa phương bị ảnh hưởng nặng là xã Đăk Tơ Lung và Đăk Ruồng. Trong đó, xã Đăk Tơ Lung có 1 cầu treo bị sạt lở mố cầu có nguy cơ đứt gãy, tuyến Tỉnh lộ 677 qua địa bàn xã có 8 điểm sạt lở và nhiều diện tích lúa, mì, cà phê và hoa màu dọc bờ sông Đăk A Kôi bị ngập úng, cuốn trôi; xã Đăk Ruồng có khoảng 3ha lúa bị ngập và bồi lấp, 2 ao cá bị nước ngập…
Về công trình lưới điện, lưới điện 22kV bị cây ngã đổ làm mất điện tại 4 thôn của xã Đăk Tăng (huyện Kon Plông).
Về các công trình thủy lợi, có đập Nam Vo (xã Đăk Nên, huyện Kon Plông) bị sạt lở mái ta luy âm và dương, hồ chứa Đăk Hnia (xã Đăk Tờ Kan) và hồ chứa Đăk Trang (xã Đăk Rơ Ông) của huyện Tu Mơ Rông bị xói lở.
Những ngày qua, UBND tỉnh tập trung chỉ đạo các ngành, địa phương nhanh chóng triển khai các biện pháp phòng, chống, ứng phó với bão số 6 và mưa, lũ; theo dõi chặt chẽ thông tin diễn biến của mưa lũ, thông tin, cảnh báo kịp thời đến người dân để chủ động phòng tránh; tổ chức trực 24/24 giờ, thực hiện nghiêm túc phương châm “4 tại chỗ” để ứng phó với các diễn biến của mưa, lũ trên địa bàn tỉnh.
Phát biểu kết luận cuộc họp, đồng chí Nguyễn Văn Hòa đề nghị các ngành, địa phương khẩn trương kiểm tra, rà soát lại những nơi có nguy cơ sạt lở cao hoặc có khả năng đe dọa đến tính mạng của người dân để nhanh chóng di dời người dân đến nơi an toàn, cắm biển cảnh báo để người dân biết và chủ động phòng tránh; đối với những địa bàn có công trình giao thông bị ảnh hưởng khiến cho việc đi lại gặp khó khăn hoặc đang bị chia cắt cần nhanh chóng triển khai biện pháp ứng cứu, cung cấp lương thực, thực phẩm và các nhu yếu phẩm cần thiết cho cuộc sống của người dân, tuyệt đối không để người dân đi lại ở những nơi nguy hiểm.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh lưu ý, huyện Kon Plông cần phối hợp chặt chẽ với các ngành nhanh chóng khắc phục các điểm sạt lở để tạo thuận lợi việc đi lại và giúp ngành Điện đẩy nhanh tiến độ xử lý các sự cố trên lưới điện. Các sở, ban, ngành có liên quan của tỉnh xem xét, đánh giá lại công tác chỉ huy, điều tiết việc xả nước của các hồ chứa thủy điện, thủy lợi để đảm bảo an toàn cho các hồ đập và vùng hạ du; tăng cường thông tin về tình hình dự báo thời tiết, mưa lũ cho người dân.
Các ngành, địa phương quán triệt và thực hiện nghiêm túc phương châm “4 tại chỗ” để triển khai nhanh chóng, hiệu quả các biện pháp ứng phó với mưa bão, hạn chế thấp nhất các thiệt hại về người và tài sản, nhất là phải đặt tiêu chí an toàn của người dân là trên hết - Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Hòa nhấn mạnh.
Thùy Hương