24/02/2023 12:17
Dự phiên họp có lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương; lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Dự phiên họp tại điểm cầu tỉnh có đồng chí Nguyễn Ngọc Sâm- Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị là thành viên Ban Chỉ đạo các chương trình MTQG tỉnh giai đoạn 2021-2025.
|
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, triển khai thực hiện các chương trình MTQG (xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, giảm nghèo bền vững) giai đoạn 2021-2025, các bộ, cơ quan Trung ương và các địa phương đã tích cực xây dựng cơ chế, chính sách để quản lý, hướng dẫn tổ chức thực hiện, ban hành quy định về nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn chương trình, cơ chế lồng ghép, huy động các nguồn vốn; tập trung, quyết liệt trong công tác chỉ đạo, điều hành, kiểm tra, giám sát; thông tin, tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Đến nay, cả nước có 6.001/8.211 xã (73,08%) đạt chuẩn nông thôn mới (tăng 4% so với năm 2021); có 255 đơn vị cấp huyện thuộc 58 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm khoảng 39,6% tổng số đơn vị cấp huyện của cả nước); tỷ lệ nghèo đa chiều duy trì mức giảm 1-1,5%/năm, trong đó, tỷ lệ hộ nghèo DTTS giảm trên 3%/năm.
Thực hiện Nghị quyết số 517/NQ-UBTVQH15 ngày 22/5/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 653/QĐ-TTg để phân bổ 34.049 tỷ đồng (gồm 24.000 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển và 10.019 tỷ đồng vốn sự nghiệp) kế hoạch vốn ngân sách nhà nước năm 2022 thực hiện các chương trình MTQG. Các địa phương đã hoàn tất việc phân bổ, giao vốn chi tiết cho các cấp trực thuộc để tổ chức thực hiện. Đối với ngân sách địa phương, có 55/63 địa phương trong năm 2022 đã bố trí nguồn vốn hơn 15.110 tỷ đồng để thực hiện các chương trình MTQG.
Từ đầu năm 2023 đến nay, có 42/48 địa phương được phân bổ ngân sách Trung ương đã phân bổ chi tiết hơn 18.848 tỷ đồng, đạt 76,34%, các địa phương còn lại chưa phân bổ hết và đang xây dựng phương án phân bổ. Đối với ngân sách địa phương, có 25 địa phương bố trí hơn 5.427 tỷ đồng để thực hiện các chương trình MTQG.
Về tình hình giải ngân các nguồn vốn, dự kiến đến hết 31/12/2023 giải ngân 100% kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách Trung ương năm 2022. Đối với ngân sách địa phương, đến hết tháng 12/2022, các địa phương đã giải ngân 92,9% kế hoạch vốn năm 2022, phấn đấu đến hết quý I/2023, hoàn thành giải ngân kế hoạch nguồn vốn này.
Tại phiên họp, các đại biểu tham gia thảo luận, nêu những khó khăn, vướng mắc trong tổ chức, triển khai thực hiện các chương trình MTQG và kiến nghị, đề xuất các giải pháp nhằm thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm, đảm bảo hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu cấp có thẩm quyền đề ra đối với các chương trình MTQG giai đoạn 2021-2025.
Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đề nghị các bộ, ngành, cơ quan Trung ương căn cứ nhiệm vụ được giao tập trung nghiên cứu, hoàn thành sớm việc trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số quy định còn chưa rõ để phù hợp với thực tiễn triển khai các chương trình MTQG tại các địa phương; xây dựng, ban hành văn bản hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện các chương trình MTQG một cách cụ thể, tránh xung đột, chồng chéo với các văn bản khác; các địa phương rà soát các dự án thuộc các chương trình MTQG để hạn chế tối đa việc đầu tư dàn trải, manh mún, đồng thời tiếp tục đóng góp các ý kiến, giải pháp để cấp thẩm quyền nắm bắt, kịp thời giải quyết, tổ chức triển khai thực hiện các chương trình MTQG giai đoạn 2021-2025 đạt hiệu quả và mục tiêu đề ra.
Đức Thành