Họp bàn về xây dựng, sửa chữa nhà rông truyền thống trên địa bàn tỉnh

20/07/2021 17:49

Chiều 20/7, đồng chí Y Ngọc - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm việc với lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch về đề nghị xây dựng, sửa chữa, bảo tồn, phục hồi nhà rông trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025.
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Y Ngọc chủ trì buổi làm việc. Ảnh: ĐT

 

Tại buổi làm việc, lãnh đạo cùng đại diện các phòng chuyên môn của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo công tác triển khai thực hiện hỗ trợ sửa chữa và xây dựng mới nhà rông truyền thống tại các thôn làng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh Kon Tum trong giai đoạn 2016-2020 và công tác điều tra, khảo sát nhà rông trong năm 2021.

Theo đó, trong giai đoạn 2016-2020, công tác sửa chữa, xây dựng mới nhà rông truyền thống tại thôn, làng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh được thực hiện bằng ngân sách nhà nước hỗ trợ từ nguồn kinh phí thực hiện Đề án “Cơ chế chính sách hỗ trợ xây dựng một số công trình hạ tầng kinh tế-xã hội thuộc Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2014-2020”.  Kết quả đã hỗ trợ cho các thôn làng sửa chữa và xây dựng mới được 262 nhà rông (gồm xây dựng mới 176 nhà và sửa chữa 86 nhà), với tổng kinh phí hơn 17 tỷ đồng.

Việc triển khai thực hiện cơ chế chính sách hỗ trợ sửa chữa, xây dựng mới nhà rông của tỉnh nhận được sự quan tâm và hưởng ứng tham gia của người dân. Tại các thôn làng, người dân đã đoàn kết, phát huy vai trò trách nhiệm trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc, tự huy động ngày công, tìm kiếm nguồn vật liệu, đóng góp một phần kinh phí để sửa chữa hoặc xây dựng mới nhà rông cho cộng đồng dân tộc của mình.

Theo số liệu báo cáo đến tháng 3/2021, trên địa bàn tỉnh có 462/503 làng đồng bào DTTS tại chỗ có nhà rông (trừ 41 thôn dân tộc Hrê và Ka Dong ở huyện Kon Plông không có nhà rông).

Theo khảo sát của ngành Văn hóa, toàn tỉnh hiện có 435 nhà rông truyền thống đang được giữ gìn và sử dụng; trong đó có 4 nhà rông được xây dựng ở trung tâm các huyện, xã. Trong số 435 nhà rông này, có 218 nhà rông được xây dựng bằng vật liệu truyền thống và 217 nhà rông được xây dựng bằng vật liệu hiện đại hoặc vừa truyền thống vừa hiện đại.

Tham gia thảo luận, lãnh đạo cùng đại diện các phòng chuyên môn của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch nêu một số khó khăn, bất cập và nguyên nhân trong việc triển khai thực hiện công tác hỗ trợ sửa chữa và xây dựng mới nhà rông cho cộng đồng các dân tộc, các thôn làng trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn, như mức kinh phí hỗ trợ theo quy định còn thấp (hỗ trợ sửa chữa 20 triệu đồng/nhà rông và hỗ trợ xây mới 100 triệu đồng/nhà rông); những vật liệu tự nhiên có sẵn ngày càng hạn chế và không thể tự khai thác được; đời sống người dân vùng đồng bào DTTS còn nhiều khó khăn nên việc tham gia đóng góp kinh phí còn thấp, chủ yếu chỉ tham gia ngày công; công tác khôi phục, xây dựng, sửa chữa được triển khai đồng bộ, chưa đảm bảo tính truyền thống, kiến trúc của nhà rông; còn nhiều thôn làng chưa có nhà rông…

Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: ĐT

 

Đại diện các ngành chức năng đề xuất một số giải pháp nhằm triển khai thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ sửa chữa, xây dựng mới nhà rông truyền thống tại các thôn làng DTTS trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn 2021-2025.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Y Ngọc đề nghị Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ động phối hợp nghiên cứu, xây dựng Kế hoạch “Hỗ trợ xây dựng, sửa chữa các nhà rông truyền thống tại thôn, làng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh Kon Tum giai đoạn 2021-2025” để trình UBND tỉnh phê duyệt ban hành. Qua đó, đảm bảo việc thực hiện mục tiêu từ nay đến năm 2022, 100% các thôn làng đều có nhà rông truyền thống và từ năm 2023 triển khai việc duy tu, bảo tồn các nhà rông truyền thống.

Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Y Ngọc nhấn mạnh, việc UBND tỉnh phê duyệt Kế hoạch chung sẽ giúp các huyện, thành phố chủ động xây dựng Kế hoạch cụ thể để triển khai tại địa phương mình. Từ đó, tùy theo tình hình thực tiễn, hàng năm các địa phương cũng thuận lợi trong việc thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới gắn với việc hỗ trợ sửa chữa, xây dựng mới nhà rông truyền thống cho các thôn, làng.

Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức kiểm tra, đôn đốc các huyện, thành phố triển khai thực hiện kế hoạch mua sắm các bộ cồng chiêng đúng tiến độ, đảm bảo mục tiêu đến hết năm 2021 tất cả các thôn, làng ở các huyện, thành phố đều có bộ cồng chiêng.

Đức Thành

Chuyên mục khác