Họp Ban chỉ đạo về chính quyền điện tử tỉnh

07/03/2020 06:11

Chiều 6/3, Ban chỉ đạo về chính quyền điện tử tỉnh tổ chức họp đánh giá kết quả triển khai công tác xây dựng chính quyền điện tử tỉnh năm 2019 và triển khai nhiệm vụ năm 2020. Đồng chí Trần Thị Nga - Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban chỉ đạo chủ trì cuộc họp.
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thị Nga phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: TT

 

Trong năm 2019, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn xây dựng nền tảng của chính quyền điện tử tỉnh: Thành lập Trung tâm Tích hợp dữ liệu, Trung tâm Điều hành và giám sát đô thị thông minh; điều chỉnh Dự án Đầu tư xây dựng và hoàn thiện chính quyền điện tử tỉnh Kon Tum giai đoạn 2016 -2020. Đồng thời, đã triển khai phần mềm Quản lý văn bản và điều hành VNPT - Ioffice tại 22 đơn vị cấp tỉnh, 10 huyện, thành phố cùng các đơn vị trực thuộc. Tổng số văn bản trao đổi trên môi trường mạng giữa các cơ quan nhà nước là 3.465.891 văn bản; tỷ lệ văn bản điện tử trao đổi nội bộ có áp dụng chữ ký số đạt 100%; số lượng truy cập cổng dịch vụ công đạt 90.273 lượt, với số lượng 249 tài khoản công dân/tổ chức. Các sở, ban, ngành đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành Trung ương, các đơn vị công nghệ thông tin để triển khai hệ thống phần mềm ứng dụng trên nhiều lĩnh vực: Giáo dục, y tế, nông nghiệp...

Công tác phòng, chống phần mềm mã độc, cải thiện mức độ tin cậy các hệ thống thông tin của tỉnh trong hoạt động giao dịch điện tử ngày càng được nâng cao. Năm 2019 có 8 cơ quan, đơn vị được phê duyệt cấp độ an toàn thông tin. Ban chỉ đạo về chính quyền điện tử tỉnh đã tổ chức lớp diễn tập, ứng cứu sự cố mất an toàn thông tin cho cán bộ phụ trách công nghệ thông tin của các đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số hạn chế nhất định: Việc tham mưu triển khai xây dựng nền tảng của chính quyền điện tử ở một số cơ quan, đơn vị còn chậm; công tác khai thác phần mềm Quản lý văn bản và điều hành VNPT - Ioffice gắn với việc ứng dụng chữ ký ở một số đơn vị, địa phương còn chưa cao; lực lượng chuyên trách trong lĩnh vực công nghệ thông tin còn mỏng, đặc biệt là ở cơ sở.

Trong năm 2020, Ban Chỉ đạo tiếp tục hoàn thiện về nền tảng chính quyền điện tử tỉnh; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý nhà nước nhằm đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước và chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp; phát triển chính quyền điện tử dựa trên dữ liệu và dữ liệu mở, hướng tới chính quyền số, kinh tế số và xã hội số; bảo đảm an toàn, an ninh thông tin trên môi trường mạng góp phần phát triển kinh tế - xã hội...

Tất Thành

 

 

 

Chuyên mục khác