Họp bàn các giải pháp thu hồi nợ đọng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp

01/08/2017 18:08

Chiều 1/8, UBND tỉnh tổ chức họp bàn các giải pháp nhằm khắc phục, thu hồi nợ đọng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. Đồng chí Trần Thị Nga - Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp.
Đồng chí Trần Thị Nga phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp

 

Tính đến cuối tháng 6/2017, toàn tỉnh có 1.670 đơn vị tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho hơn 38.360 lao động; trong đó có 1.091 đơn vị hành chính, sự nghiệp tham gia cho 24.930 lao động và 579 doanh nghiệp tham gia cho 13.430 lao động.

Tuy nhiên, số nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp trên toàn tỉnh là 39,67 tỷ đồng; trong đó có 223 đơn vị hành chính, sự nghiệp nợ 14,3 tỷ đồng và 440 doanh nghiệp nợ 25,37 tỷ đồng. Mặc dù cơ quan Bảo hiểm xã hội tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp thu hồi nợ đọng nhưng số thu mới đạt gần 47,86% kế hoạch Bảo hiểm xã hội Việt Nam giao.

Các đại biểu dự họp đã đề xuất nhiều giải pháp nhằm tăng cường công tác thu hồi nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp ở các cơ quan hành chính, sự nghiệp cũng như doanh nghiệp. Trong đó, trọng tâm là đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo UBND các huyện, thành phố và các sở, ban, ngành, các doanh nghiệp trong và ngoài quốc doanh thực hiện nghiêm túc Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Bảo hiểm y tế, Luật Việc làm; đồng thời chỉ đạo thanh tra, kiểm tra các đơn vị hành chính, sự nghiệp nợ đọng, nếu phát sinh tiền lãi chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp thì người đứng đầu đơn vị chịu trách nhiệm, không dùng ngân sách để đóng tiền lãi chậm đóng và thường xuyên chỉ đạo tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử phạt đối với các doanh nghiệp nợ đọng theo quy định.

Kết luận tại cuộc họp, đồng chí Trần Thị Nga đề nghị cơ quan Bảo hiểm xã hội tỉnh tiến hành điều tra, rà soát lại các đơn vị nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp đến cuối tháng 8/2017 để báo cáo với Tỉnh ủy và UBND tỉnh; phân loại nhóm nợ đọng và thống kê những đơn vị nợ số tiền lớn, nợ kéo dài để Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo biện pháp xử lý phù hợp; tăng cường công tác tuyên truyền về các luật bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; định kỳ báo cáo tình hình nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho Thường trực Tỉnh ủy, UBND; gửi danh sách các cơ quan, đơn vị nợ các loại bảo hiểm xã hội cho Ban Thi đua khen thưởng tỉnh để bình xét khen thưởng cuối năm. Cơ quan Bảo hiểm xã hội tỉnh phải xây dựng quy chế phối hợp với các cơ quan liên quan như: Kho bạc Nhà nước, Sở Tài chính để có biện pháp thực hiện thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp có hiệu quả hơn, đồng thời thực hiện công khai danh sách những cơ quan, đơn vị nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp trên các phương tiện thông tin đại chúng. Bảo hiểm xã hội tỉnh thành lập tổ thu nợ theo từng khối cơ quan tiện cho việc thu nợ, có cam kết với các đơn vị nợ đọng nhiều để có lộ trình trả nợ đúng hạn; đồng thời phối hợp với Liên đoàn Lao động tỉnh tổ chức tuyên truyền, thanh tra, kiểm tra để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng cho người lao động. Đồng chí cũng yêu cầu kiên quyết không được lấy ngân sách nhà nước để trả lãi nợ đọng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; thường xuyên cung cấp thông tin về nợ đọng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho các cơ quan thông tấn, báo chí để kịp thời thông báo, chấn chỉnh.

Tin, ảnh: Trần Văn Phúc

Chuyên mục khác