02/07/2021 11:07
|
Đây là gói hỗ trợ thứ hai được đưa ra kể từ khi nước ta đối mặt với dịch bệnh Covid-19, khiến đời sống của hàng triệu lao động lao đao do không có việc làm, mất thu nhập.
Nghị quyết 68/NQ-CP đưa ra 12 chính sách hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp khó khăn do đại dịch, với tổng kinh phí hơn 26.000 tỷ đồng. Mục tiêu là hỗ trợ cho người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19; góp phần phục hồi sản xuất, kinh doanh, giảm thiểu những tác động tiêu cực của đại dịch; đảm bảo đời sống và an toàn cho người lao động.
Việc hỗ trợ phải bảo đảm các nguyên tắc: Kịp thời, đúng đối tượng, công khai, minh bạch, không để lợi dụng, trục lợi chính sách; bảo đảm tính khả thi, hiệu quả của các chính sách và nguồn lực để thực hiện. Mỗi đối tượng chỉ được hưởng một lần trong một chính sách hỗ trợ. Người lao động được hỗ trợ một lần bằng tiền (trừ các đối tượng hưởng chính sách bổ sung quy định tại điểm 7, điểm 8 Mục II Nghị quyết này) chỉ được hưởng một chế độ hỗ trợ; không hỗ trợ đối tượng tự nguyện không tham gia…
So với Nghị quyết 42/2020/NQ-CP ngày 9/4/2020 của Chính phủ về triển khai gói an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng, Nghị quyết 68/2021/NQ-CP bổ sung nhiều nhóm thụ hưởng. Cụ thể F0, F1 và trẻ em gặp khó khăn do dịch; giáo viên mầm non, tư thục; nghệ sĩ trong đơn vị nhà nước và hướng dẫn viên du lịch đều được hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt.
Các F0 được hỗ trợ tiền ăn 80.000 đồng một ngày, tính từ thời điểm bùng phát dịch lần thứ tư (27/4) đến cuối năm 2021; song không quá 3,6 triệu đồng. Các F1 nhận hỗ trợ như F0 song không quá 1,68 triệu đồng.
Trẻ em nhiễm Covid-19 hoặc cách ly y tế được ngân sách Nhà nước chi trả phí điều trị và tiền ăn; hỗ trợ thêm 1 triệu đồng cho mỗi em trong thời gian điều trị, cách ly. Lao động nữ phải hoãn, ngừng, nghỉ việc không lương hoặc mất việc đang nuôi con nhỏ dưới 6 tuổi hoặc mang thai, nhận thêm 1 triệu đồng ngoài các chính sách khác với lao động khó khăn.
Lao động trong doanh nghiệp phải ngừng việc vẫn được hỗ trợ song mức thấp hơn, nhận một lần 1 triệu đồng thay vì 1,8 triệu đồng, tối đa trong 3 tháng như gói trước.
Điều kiện cho doanh nghiệp vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất đã được nới lỏng hơn. Nguồn vốn vay vẫn từ ngân hàng Chính sách xã hội với lãi suất 0%, nhưng điểm mới là doanh nghiệp không phải bảo đảm tiền vay, nhưng giữ nguyên điều kiện không có nợ xấu.
Lần đầu tiên, áp dụng chính sách hỗ trợ đào tạo nâng cao tay nghề để duy trì việc làm cho người lao động. Kinh phí được quy định trích từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp.
Các tỉnh, thành phố có tỷ lệ điều tiết các khoản thu phân chia về ngân sách Trung ương trên 60% tự bảo đảm kinh phí thực hiện. Ngân sách Trung ương hỗ trợ 80% mức thực chi theo quy định tại Nghị quyết 68/NQ-CP đối với các tỉnh miền núi, Tây Nguyên; 60% mức thực chi theo quy định tại Nghị quyết 68/NQ-CP đối với các tỉnh chưa tự cân đối ngân sách còn lại (ngoài các tỉnh miền núi, Tây Nguyên); 40% mức thực chi theo quy định tại Nghị quyết 68/NQ-CP đối với các tỉnh, thành phố có tỷ lệ điều tiết các khoản thu phân chia về ngân sách Trung ương còn lại.
Hồng Lam