15/12/2020 14:48
|
Dự Hội thảo có các đồng chí: Nguyễn Thanh Hà - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy; Nguyễn Hữu Tháp - Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện Ban Kinh tế Trung ương; lãnh đạo Liên hiệp các Hội KH&KT 4 tỉnh Kon Tum, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Gia Lai; lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh Kon Tum; UBND các huyện, thành phố, các công ty lâm nghiệp, ban quản lý rừng phòng hộ, các đơn vị liên quan và 19 già làng các thôn/làng của huyện Kon Plông được giao đất, giao rừng.
Hội thảo nhằm rút kinh nghiệm trong thực hiện Chương trình hỗ trợ giao đất, giao rừng, quản lý bảo vệ rừng gắn với sinh kế, văn hóa đồng bào các DTTS ở huyện Kon Plông thời gian vừa qua. Từ đó đề ra các giải pháp phù hợp hướng tới quản lý rừng bền vững, góp phần triển khai thực hiện Luật Lâm nghiệp hiệu quả và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ năm 2014 đến nay, Chương trình giao đất, giao rừng dựa vào cộng đồng đã giao trên 4.430 ha rừng cho 19 thôn của 03 xã Pờ Ê, Đăk Nên và Măng Cành, huyện Kon Plông với tổng số hộ được hưởng lợi trực tiếp là 1.426 hộ với 5.598 khẩu.
Toàn bộ diện tích rừng giao cho các thôn được chính quyền huyện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sử dụng rừng; xây dựng được 19 bộ quy ước về quản lý bảo vệ rừng cộng đồng dựa trên luật tục kết hợp với luật pháp được chính quyền huyện Kon Plông công nhận, phê duyệt; xây dựng được 9 vườn ươm cây bản địa ở các thôn, làng... Từ kết quả đạt được, tỉnh Kon Tum xem xét, đánh giá và rút ra những bài học kinh nghiệm để tiếp tục thực hiện việc giao đất, giao rừng có hiệu quả ở những địa bàn khác.
|
Tại Hội thảo, các đại biểu đã thảo luận, đưa ra nhiều ý kiến về phương pháp để người dân làm giàu từ rừng, phát triển bền vững tài nguyên rừng, gắn với rẫy, ruộng để vừa giữ được rừng vừa nâng cao đời sống cho người dân.
Phát biểu tại Hội thảo, đồng chí Nguyễn Hữu Tháp nhấn mạnh: Nhận thức rõ về tầm quan trọng của rừng, thời gian qua, tỉnh Kon Tum đã có nhiều hoạt động, chính sách hỗ trợ quản lý, bảo vệ và phát triển rừng gắn với phát triển sinh kế cho người dân; trong đó trọng tâm là giao đất, giao rừng cho cộng đồng dân cư và hộ gia đình gắn với các chính sách hưởng lợi từ rừng. Một số mô hình đã chứng minh được hiệu quả như: Mô hình giao đất, giao rừng tại xã Hơ Moong, huyện Sa Thầy; mô hình thí điểm giao đất, giao rừng gắn với hỗ trợ sinh kế tại xã Hòa Bình, thành phố Kon Tum và xã Sa Loong, huyện Ngọc Hồi…
Đồng chí Nguyễn Hữu Tháp đề nghị các đại biểu tập trung phân tích, thảo luận, chỉ ra các vấn đề khó khăn, vướng mắc trong công tác giao đất, giao rừng; các phương pháp tiếp cận tổ chức giao đất, giao rừng phù hợp với phong tục tập quán của cộng đồng dân cư; cách thức thực hiện, các chính sách cần thiết hỗ trợ việc giao đất, giao rừng... để đảm bảo mục tiêu toàn bộ diện tích rừng có chủ, rừng được bảo vệ tốt và đời sống cộng đồng dân cư sống gần rừng được cải thiện, thoát nghèo bền vững.
Tất Thành