Hội thảo phát triển địa phương phục hồi kinh tế, thích ứng linh hoạt, an toàn với đại dịch Covid-19

13/10/2021 19:21

Chiều 13/10, Chính phủ, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và Hội đồng Lý luận Trung ương tổ chức Hội thảo phát triển địa phương phục hồi kinh tế, thích ứng linh hoạt, an toàn với đại dịch Covid-19 nhằm khắc phục đứt gãy kinh tế, tăng cường kết nối giữa các địa phương. Hội thảo được kết nối trực tuyến tới 63 điểm cầu của các tỉnh, thành trong cả nước.
Quang cảnh Hội thảo tại điểm cầu Kon Tum. Ảnh: TH

 

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và đồng chí Nguyễn Xuân Thắng - Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương chủ trì Hội thảo.

Dự Hội thảo có lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương; đại diện các cơ quan, tổ chức quốc tế tại Việt Nam; các chuyên gia, nhà khoa học trong nước và một số tập đoàn kinh tế lớn.

Tại điểm cầu Kon Tum có đồng chí Lê Ngọc Tuấn- Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo một số sở, ngành có liên quan của tỉnh.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng nêu bật, Hội thảo này rất thiết thực và có nhiều ý nghĩa nhằm triển khai, cụ thể hóa các kết luận quan trọng của Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII vừa qua về một số vấn đề kinh tế - xã hội trên tinh thần mới, đổi mới tư duy, phương thức về phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh gắn với phục hồi, duy trì phát triển sản xuất kinh doanh, thích ứng linh hoạt, an toàn, kiểm soát có hiệu quả đại dịch Covid-19. Đồng thời, Hội thảo cũng là dịp để các địa phương cùng nhau chia sẻ những kinh nghiệm, những mô hình về bảo đảm phòng, chống dịch gắn với duy trì, phát triển kinh tế-xã hội; tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc nhằm khắc phục các đứt gãy kinh tế.

Kết quả Hội thảo sẽ là cơ sở khoa học giúp các địa phương trong việc khẩn trương xây dựng và tổ chức thực hiện các phương án, kịch bản cụ thể, sát hợp hơn với tình hình thực tế hiện nay và có tính khả thi cao, để trong thời gian sớm nhất có thể ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh Covid-19; khắc phục những ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch và từng bước chuyển sang trạng thái bình thường mới, khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội.

Sau khi nghe Bộ Kế hoạch - Đầu tư thông qua báo cáo về kết quả phát triển kinh tế - xã hội 9 tháng của năm 2021 và trình bày chương trình phục hồi, phát triển kinh tế trên cơ sở thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả với dịch Covid-19 giai đoạn 2021 - 2023 với những mục tiêu, giải pháp cụ thể nhằm đảm bảo mức tăng trưởng kinh tế 6- 7%/năm; các đại biểu tham dự Hội thảo tiến hành thảo luận.

Với tinh thần trao đổi khoa học, thẳng thắn, cởi mở; các chuyên gia, đại diện các tổ chức quốc tế, tập đoàn kinh tế và lãnh đạo một số địa phương đã đưa ra những ý kiến đóng góp, đề xuất các phương án, giải pháp nhằm khắc phục và giảm thiểu đứt gãy liên kết của nền kinh tế; đảm bảo sự phối hợp nhịp nhàng giữa các bộ, ngành ở Trung ương, giữa Trung ương với địa phương, giữa các địa phương; giữa doanh nghiệp, người lao động, người dân và chính quyền các cấp. Qua đó, góp phần tổ chức thực hiện một cách hiệu quả chiến lược thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, từng bước mở cửa trở lại nền kinh tế, bảo đảm hài hòa giữa mở cửa và an toàn dịch bệnh.

Phát biểu kết luận Hội thảo, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thống nhất, đánh giá cao các ý kiến góp ý, giải pháp của các chuyên gia và địa phương. Đồng thời, khẳng định quan điểm là phải thích ứng an toàn, linh hoạt, hiệu quả, chuyển hướng chiến lược phòng, chống dịch từ mục tiêu không Covid-19 sang kiểm soát rủi ro, kiểm soát tử vong; từng bước mở cửa nền kinh tế để đảm bảo sự phát triển.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, thời gian qua ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 đã khiến nền kinh tế bị tổn thương. Vì vậy, muốn khắc phục hậu quả, khôi phục lại đà phát triển; trước hết cần phải kiểm soát được dịch bệnh, đảm bảo an toàn sức khỏe, tính mạng của người dân; kiên trì nguyên tắc 5K+vắc xin và công nghệ thông tin; phát huy vai trò toàn dân chống dịch.

Thủ tướng yêu cầu, các bộ, ngành, địa phương cần lãnh đạo tổ chức thực hiện linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả; đảm bảo phân cấp, phân quyền đi đôi với tăng cường nguồn lực. Theo đó, phải siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính cấp dưới phục tùng cấp trên, địa phương phục tùng Trung ương; nâng cao năng lực cán bộ và tăng cường kiểm tra, giám sát thực hiện. Giữ kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn; đảm bảo chính sách tài khóa cùng chính sách tiền tệ, kiềm chế lạm phát, đảm bảo ổn định tỷ giá; đồng thời phải tính toán, cân nhắc điều chỉnh cho linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tế. Nhanh chóng khôi phục lại thị trường lao động, thị trường xuất khẩu hàng hóa. Bên cạnh đó, cần tập trung lo an sinh xã hội, đảm bảo đời sống vật chất và tinh thần cho người dân để không ai bị bỏ lại phía sau; giữ vững ổn định quốc phòng an ninh, trật tự an toàn xã hội.

Ngoài ra, Thủ tướng cũng nhấn mạnh, dịch bệnh tạo ra nhiều khó khăn, thách thức; nhưng đây cũng là cơ hội để chúng ta thay đổi phương thức quản lý, thích nghi với tình hình mới; do đó, phải biến nguy thành cơ, phấn đấu vươn lên khẳng định bản lĩnh, ý chí, tinh thần không khuất phục trước bất kỳ khó khăn, gian khổ nào…

Thùy Hương

Chuyên mục khác