Hội nghị Xúc tiến đầu tư Tây Nguyên lần thứ 4: Kon Tum có 8 dự án được ký kết hợp đồng, thỏa thuận tài trợ vốn 3.680 tỷ đồng

12/03/2017 07:41

Ngày 11/3, tại thành phố Buôn Ma Thuột, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước và UBND tỉnh Đăk Lăk tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư Tây Nguyên lần thứ 4 năm 2017.

Dự Hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Xuân Phúc - Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ; Thượng tướng Tô Lâm - Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nguyên; lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, Ban Chỉ đạo Tây Bắc, Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ; lãnh đạo các tỉnh, thành trong nước; các đoàn ngoại giao nước ngoài; lãnh đạo các tập đoàn, các tổng công ty, các ngân hàng thương mại, các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài.

Tỉnh Kon Tum tham dự hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Văn Hùng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Lê Ngọc Tuấn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành.

Quang cảnh hội nghị

 

Khu vực Tây Nguyên là 1 trong 6 vùng kinh tế lớn của nước ta, có tiềm năng phát triển kinh tế nhanh và bền vững, trong đó kinh tế nông nghiệp, nông thôn đóng vai trò mũi nhọn. Mặc dù có tiềm năng và lợi thế nhưng Tây Nguyên vẫn còn nhiều khó khăn trong việc thu hút đầu tư, nhất là thu hút đầu tư phát triển nước ngoài còn khá khiêm tốn, thiếu những dự án có động lực thúc đẩy phát triển kinh tế vùng.

Hội nghị lần này nhằm mục đích huy động các nguồn lực để đẩy mạnh phát triển nhanh, bền vững, xóa đói giảm nghèo cho nhân dân, nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số; thúc đẩy các hoạt động xúc tiến đầu tư nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thương mại và du lịch; tạo điều kiện, cơ hội cho các tổ chức, doanh nghiệp quảng bá thương hiệu, giới thiệu về tiềm năng, năng lực của mình trong lĩnh vực nông nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch, tín dụng… vào địa bàn Tây Nguyên.

Theo định hướng của Bộ Kế hoạch và Đầu tư,  phải liên kết để cùng phát triển, trong thời gian tới thu hút đầu tư theo thế mạnh của từng vùng, sáng tạo trong thu hút nguồn lực của mọi thành phần kinh tế xây dựng hạ tầng giao thông, thủy lợi, ứng dụng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghiệp cao, công nghiệp chế biến sâu, phát triển thủy điện, thúc đẩy liên kết vùng trong phát triển du lịch-thương mại…

Đặc biệt, phía cực bắc vùng Tây Nguyên như Kon Tum, Gia Lai chú trọng đến phát triển thủy điện; phát triển du lịch sinh thái, bảo tồn thiên nhiên; nâng cao năng suất và sản lượng cây công nghiệp; thúc đẩy giao lưu thương mại hành lang biên giới Việt Nam - Lào - Campuchia…

Để thu hút nguồn lực đầu tư từ các doanh nghiệp trong và ngoài nước phát triển Tây Nguyên, các bộ, ngành Trung ương trong thời gian tới sẽ phối hợp với các tỉnh Tây Nguyên cải thiện môi trường đầu tư, sản xuất và kinh doanh, tạo cơ chế thông thoáng, có chính sách thu hút thỏa đáng các nguồn lực đầu tư vào Tây Nguyên. Các ngân hàng thương mại sẽ tập trung dành các nguồn vốn vay ưu đãi, giải ngân sớm cho các dự án đầu tư trọng điểm vào lĩnh vực chế biến nông - lâm sản, tạo đà cho Tây Nguyên phát triển và ngày càng hấp dẫn, trở thành vùng kinh tế động lực của cả nước.

Lãnh đạo các tỉnh Tây Nguyên trao giấy chứng nhận đầu tư cho các doanh nghiệp

 

Tại Hội nghị, có 36 dự án đầu tư vào Tây Nguyên được các ngân hàng thương mại ký kết tài trợ vốn 29.000 tỷ đồng, trong đó Kon Tum có 8 dự án được ký kết hợp đồng, thỏa thuận tài trợ vốn 3.680 tỷ đồng. UBND tỉnh Kon Tum cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 2 dự án gồm: Dự án Trang trại nuôi bò thịt của HTX Minh Đức với tổng vốn đầu tư 15,323 tỷ đồng, Dự án Nhà máy sản xuất nước ép từ trái sim rừng của Công ty TNHH MTV Sim Thiên Sơn với tổng vốn đầu tư 28,758 tỷ đồng.  

                                                                                      Tin, ảnh: LS

Chuyên mục khác