07/07/2021 13:07
|
Tham dự Hội nghị tại đầu cầu Hà Nội, có lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Ngoại giao và các bộ, ban, ngành của Trung ương và 25 điểm cầu của các tỉnh có biên giới đất liền với Campuchia.
Tại điểm cầu tỉnh có các đồng chí: Huỳnh Quốc Huy - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; Nguyễn Hữu Tháp - Tỉnh uỷ viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành tỉnh.
Tại Hội nghị, các đại biểu được xem phim tư liệu tuyên truyền về quan hệ chính trị - ngoại giao, hợp tác của Việt Nam và Campuchia, trên quan điểm hai nước khẳng định luôn coi trọng và ưu tiên cho việc củng cố, phát triển quan hệ "láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài"; cũng như công tác phối hợp tích cực của Việt Nam - Campuchia trong công tác cắm mốc biên giới trong thời gian qua.
Bên cạnh đó, các đại biểu được phổ biến 2 chuyên đề: Quan hệ Việt Nam - Campuchia thời gian qua; nội dung, ý nghĩa tầm quan trọng của hai văn kiện pháp lý vừa có hiệu lực và những nhiệm vụ cần triển khai trong thời gian tới.
Cụ thể, lãnh đạo Bộ Ngoại giao Việt Nam đã thông tin về thành quả tích cực công tác quan hệ ngoại giao song phương, hợp tác vì lợi ích chung của nhân dân 2 nước Việt Nam - Campuchia. Trong đó, đã tổ chức thành công kỳ họp thứ 18 Ủy ban Hỗn hợp về hợp tác kinh tế, văn hóa, khoa học và kỹ thuật Việt Nam - Campuchia theo hình thức trực tuyến.
Hơn 1 năm qua, Việt Nam tích cực hỗ trợ Campuchia trong cuộc chiến chống dịch Covid-19, với kinh phí trao tặng 503.000 USD tiền mặt và nhiều vật tư, thiết bị y tế như 800 máy thở, 2 triệu khẩu trang y tế, 300 nghìn khẩu trang N95 (trị giá khoảng 10 triệu USD), góp phần thiết thực và hiệu quả vào nỗ lực ứng phó dịch Covid-19 của nước bạn.
Đối với hợp tác quốc phòng và an ninh, 2 nước đã phối hợp chặt chẽ trong trao đổi thông tin, giải quyết tốt các vấn đề phát sinh; tăng cường, duy trì tuần tra chung trên biển, hợp tác chặt chẽ trong công tác tìm kiếm, cất bốc và hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh trong các thời kỳ chiến tranh tại Campuchia. Hai bên tiếp tục tăng cường phối hợp phòng chống dịch bệnh Covid-19, quản lý dân cư, tuần tra, kiểm soát biên giới, cửa khẩu, ngăn chặn người vượt biên trái phép, buôn lậu và các hoạt động tuyên truyền chống phá quan hệ hai nước.
Về kinh tế, thương mại, đầu tư và ODA, kim ngạch thương mại hai chiều năm 2020 đạt 5,32 tỷ USD, tăng 0,84% so với 2019. Thương mại song phương 6 tháng đầu năm 2021 tiếp tục tăng trưởng ấn tượng, tổng kim ngạch đạt hơn 5 tỷ USD, tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm 2020. Đến nay, Việt Nam có 186 dự án đầu tư còn hiệu lực ở Campuchia với tổng vốn đăng ký đạt 2,76 tỷ USD. Đồng thời, Việt Nam viện trợ cho Campuchia tiếp tục được triển khai tương đối hiệu quả, khoảng 10 triệu USD/năm theo kênh chính thức; chưa kể hỗ trợ trực tiếp của các bộ, ngành và địa phương.
Công tác hợp tác trên các lĩnh vực khác giữa 2 nước được thực hiện tích cực, đạt hiệu quả cao như hợp tác giáo dục - đào tạo, y tế, du lịch và hợp tác khu vực, quốc tế trong đó có sự tham gia của Campuchia. Ngoài ra, công tác hỗ trợ đối với cộng đồng người gốc Việt tại Campuchia được tập trung thực hiện cơ bản tích cực.
Đối với tiến trình đàm phán và triển khai công tác phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền Việt Nam - Campuchia, đến thời điểm này, khối lượng công tác trên đạt được khoảng 84%, bao gồm thực hiện xây dựng trên thực địa với tổng 2.047 cột mốc tại 1.553 vị trí; phân giới được 1.044,985 km đường biên giới.
Hội nghị cũng nhấn mạnh các nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, hai nước tiếp tục phối hợp giải quyết các công việc đã đề ra; nhất là phối hợp, tìm kiếm giải pháp công bằng, hợp lý, phù hợp với các văn kiện pháp lý về biên giới phù hợp với luật pháp quốc tế để giải quyết 16% khối lượng công việc còn lại, sớm hoàn thành toàn bộ công tác phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền.
Hai bên đàm phán ký kết Hiệp định về quy chế quản lý biên giới, Hiệp định về cửa khẩu và quy chế quản lý cửa khẩu biên giới trên đất liền, nhằm phát huy thành quả của công tác phân giới cắm mốc biên giới đất liền giữa hai nước, nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác quản lý biên giới trong tình hình mới; tăng cường tuyên truyền, phổ biến rộng rãi nội dung các văn kiện pháp lý biên giới giữa hai nước trong thời gian tới.
Mặt khác, hai bên cùng phối hợp đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền giúp người dân hai nước, cũng như công luận khu vực và quốc tế hiểu rõ về quá trình giải quyết biên giới, lãnh thổ, ý nghĩa của thành quả các mặt công tác trên giữa hai nước; nhằm nâng cao nhận thức, ý thức về vấn đề bảo vệ đường biên giới, mốc giới của người dân, đặc biệt là cư dân hai bên biên giới; nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ của các lực lượng chức năng hai bên.
Mai Trâm