19/04/2022 15:43
|
Dự Hội nghị tại điểm cầu Trung ương có lãnh đạo Tổng cục Phòng, chống thiên tai, Tổng cục Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn); Bộ Công thương; Bộ Xây dựng; Viện Vật lý địa cầu (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam); Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN).
Dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh có đồng chí Nguyễn Hữu Tháp- Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai (PCTT) - Tìm kiếm cứu nạn (TKCN) và Phòng thủ dân sự (PTDS) tỉnh; các ủy viên Ban Chỉ huy PCTT - TKCN và PTDS tỉnh; Ban Chỉ huy PCTT - TKCN và PTDS huyện Kon Plông, Ban Chỉ huy PCTT - TKCN và PTDS một số xã bị ảnh hưởng; đại diện Thủy điện Thượng Kon Tum và các công ty quản lý hồ chứa thủy lợi, thủy điện trên địa bàn tỉnh.
Theo Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu Nguyễn Xuân Anh báo cáo tại Hội nghị, tại khu vực huyện Kon Plông và lân cận từ năm 1903 đến nay đã ghi nhận 202 trận động đất có cường độ 2,5 độ richter trở lên. Trong đó, giai đoạn từ năm 1903 - 2020 ghi nhận 33 trận động đất; trong năm 2021 ghi nhận 114 trận động đất; từ đầu năm 2022 đến nay ghi nhận 55 trận động đất, riêng trong 4 ngày (15 - 18/4) ghi nhận 22 trận động đất có cường độ từ 4,1 - 4,5 độ richter.
Trên cơ sở các số liệu quan trắc ghi nhận được, Viện trưởng Nguyễn Xuân Anh cho biết, các trận động đất vừa qua xảy ra đều là các trận nhỏ, người dân có thể cảm nhận được sự rung lắc, nhưng không gây ra thiệt hại.
Viện trưởng Nguyễn Xuân Anh cho hay, từ tháng 3/2021, Thủy điện Thượng Kon Tum bắt đầu tích nước để vận hành, sau đó liên tiếp xảy ra các trận động đất tại khu vực huyện Kon Plông và lân cận nên đó là động đất kích thích. Động đất kích thích xảy ra khi có sự tác động của hồ chứa thủy điện tích nước lên đới đứt gãy hoạt động trong khu vực. Khu vực huyện Kon Plông và lân cận nằm trên đới đứt gãy đang hoạt động có tên Rào Quán - A Lưới, đây là đới đứt gãy hoạt động rất mạnh, xuất phát từ nước Lào qua A Lưới (Thừa Thiên Huế) kéo dài tới thành phố Quy Nhơn (Bình Định). Trên đới đứt gãy này đã từng ghi nhận động đất kích thích xảy ra tại Thủy điện Sông Tranh 2 (Quảng Nam) và Thủy điện Đăk Hrinh (Quảng Ngãi) khi hồ chứa của các thủy điện này tích nước.
Lãnh đạo UBND huyện Kon Plông chia sẻ, từ đầu năm 2022 đến nay, trên địa bàn huyện xảy ra 53 trận động đất, không ảnh hưởng đến tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện. Tuy nhiên, riêng trận động đất vào chiều ngày 18/4 với cường độ 4,5 độ richter, sau đợt rung chấn có tiếng nổ lớn trong lòng đất khiến cán bộ, người dân trên địa bàn rất lo lắng. Do vậy, chính quyền và người dân huyện Kon Plông cần sự hướng dẫn và thông tin cụ thể để chủ động ứng phó với động đất một cách hiệu quả, tránh xảy ra tình trạng hoang mang trong nhân dân.
|
Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Tháp cho biết, trước tình hình trên địa bàn huyện Kon Plông và lân cận liên tục xảy ra các trận động đất, gây ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất của người dân, UBND tỉnh Kon Tum đã chỉ đạo, giao Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các đơn vị, địa phương liên quan thường xuyên theo dõi động đất, dư chấn động đất xảy ra trên địa bàn tỉnh để triển khai kịp thời các biện pháp ứng phó, ổn định tâm lý cho người dân.
UBND tỉnh Kon Tum đề nghị Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai, Viện Vật lý địa cầu, các đơn vị cơ quan chuyên môn tổ chức kiểm tra cụ thể, xác định nguyên nhân, dự báo thông tin, tác động, mức độ ảnh hưởng tới cơ sở hạ tầng, đời sống người dân và các biện pháp ứng phó kịp thời, hiệu quả. Đồng thời, đề nghị Tổng cục Thủy lợi tổ chức kiểm tra, cảnh báo an toàn hồ đập đối với các công trình, hồ chứa nước trên địa bàn huyện Kon Plông nói riêng và tỉnh Kon Tum nói chung.
Tại Hội nghị, các đại biểu tham gia thảo luận, đánh giá nguyên nhân, đề xuất các giải pháp để chủ động ứng phó với động đất, đảm bảo an toàn trước mắt và lâu dài cho địa bàn tỉnh Kon Tum.
Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Trần Quang Hoài, Tổng cục Trưởng Cục phòng chống thiên tai đề nghị Viện Vật lý địa cầu tăng cường công tác phối hợp với các đơn vị, địa phương, Thủy điện tại địa bàn tỉnh Kon Tum để nắm bắt, cung cấp thông tin kịp thời, nhanh hơn nữa cho Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai; cần có báo cáo cụ thể về Thủy điện Thượng Kon Tum và các hồ chứa nước liên quan trên địa bàn tỉnh Kon Tum; tiến hành rà soát để hệ thống giám sát, cảnh báo động đất sóng thần đảm bảo hoạt động tốt, linh hoạt và hiệu quả; cung cấp tài liệu hướng dẫn về ứng phó với động đất cho tỉnh Kon Tum, tránh gây hoang mang trong nhân dân…
Đối với tỉnh Kon Tum, đồng chí Trần Quang Hoài đề nghị, UBND tỉnh cử các đoàn công tác phối hợp chặt chẽ với Thủy điện Thượng Kon Tum; thông báo, chỉ đạo kịp thời các cơ quan, đơn vị thủy lợi, giao thông để chủ động, triển khai thực hiện nhiệm vụ; cắm biển cảnh báo tại các khu vực, tuyến đường giao thông có nguy cơ xảy ra sạt lở; tăng cường kiểm tra các hồ chứa, công trình thủy lợi xung yếu, đã xây dựng 20 - 30 năm, triển khai cán bộ túc trực, xem xét giảm tích nước; đối với Thủy điện Thượng Kon Tum không tích nước thêm vì nếu xảy ra mưa sẽ gia tăng thêm động đất; bám sát diễn biến động đất để có giải pháp phù hợp; các cơ quan báo chí địa phương phản ánh thông tin kịp thời để cán bộ, người dân không hoang mang, lo lắng.
Đức Thành