Hội nghị trực tuyến triển khai các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn cháy lớn

15/04/2021 13:27

Sáng 15/4, Bộ Công an tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn cháy lớn. Thiếu tướng Lê Quốc Hùng- Thứ trưởng Bộ Công an chủ trì Hội nghị.
Các đại biểu tham dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Kon Tum. Ảnh: DĐN

 

Dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Kon Tum có đồng chí Nguyễn Hữu Tháp - Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Công an tỉnh và một số sở, ngành.

Theo đánh giá của Bộ Công an, giai đoạn 2018-2020, số vụ cháy lớn trên phạm vi cả nước mặc dù chỉ chiếm 1,08% (118/10.930 vụ cháy) nhưng thiệt hại về người và tài sản rất nghiêm trọng, ảnh hưởng đến tình hình ổn định an ninh, trật tự an toàn xã hội, gây tổn thất lớn về kinh tế và môi trường. Số người chết do cháy lớn gây ra chiếm 12,7% (30/235 người); số người bị thương chiếm 14,17% (72/508 người), đặc biệt thiệt hại về tài sản chiếm 82,18% tổng thiệt hại do cháy gây ra.

Trước tình hình đó, Bộ Công an đưa ra một số giải pháp trọng tâm và yêu cầu Công an các địa phương cần triển khai thực hiện trong giai đoạn 2021-2025: Tiếp tục tham mưu tỉnh ủy, HĐND, UBND các tỉnh, thành phố và tổ chức thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, Quốc hội và Bộ Công an, tích cực chủ động triển khai các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn cháy lớn. Phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, chính quyền địa phương và các đơn vị chức năng rà soát, hoàn thiện thể chế, hành lang pháp lý đối với công tác quản lý nhà nước về phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC và CNCH); kịp thời tham mưu, đề xuất các cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, ban hành các quy định mới cho phù hợp, đặc biệt là bảo đảm các văn bản quy phạm pháp luật về PCCC và CNCH. Tham mưu UBND các cấp thực hiện tốt chức năng quản lý, chỉ đạo người đứng đầu chính quyền cơ sở, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, tổ chức chính trị xã hội tăng cường nguồn kinh phí đầu tư, xây dựng, cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng, giao thông, nguồn nước và các điều kiện phục vụ cho công tác PCCC tại địa phương. Tiếp tục kiện toàn tổ chức theo mô hình mới theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, nghiên cứu, đề xuất thành lập mạng lưới các Đội Cảnh sát PCCC và CNCH cho phù hợp với tình hình thực tế công tác bảo đảm an toàn PCCC và CNCH tại địa phương. Đẩy mạnh công tác điều tra cơ bản, phân loại cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC; quản lý theo mức độ nguy hiểm cháy, nổ để lập hồ sơ theo dõi, quản lý về PCCC. Nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền và xây dựng phong trào toàn dân tham gia PCCC và CNCH, nghiên cứu, đổi mới một cách căn bản hình thức, nội dung và phương pháp tuyên truyền, giáo dục kiến thức pháp luật về PCCC và CNCH cho mọi tầng lớp nhân dân trên địa bàn. Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thông tấn, báo chí để tuyên truyền, mở chuyên mục tuyên truyền sâu rộng trong xã hội, chú trọng tuyên truyền về vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền các cấp, người đứng đầu cơ sở trong PCCC và CNCH. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra an toàn PCCC đối với các cơ sở địa bàn có nhiều nguy cơ cháy, nổ cao, khi xảy ra cháy có nguy cơ cháy lan lớn; đồng thời phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thực hiện các quy định của pháp luật về PCCC trong quản lý đầu tư xây dựng cơ bản…

Dương Đức Nhuận

Chuyên mục khác