15/12/2020 13:42
|
Dự Hội nghị tại đầu cầu Trung ương có đồng chí Nguyễn Thanh Tịnh - Thứ trưởng Bộ Tư pháp, kiêm Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật Trung ương; đại diện các bộ, ban, ngành trung ương và 63 điểm cầu các tỉnh, thành phố.
Dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh có đồng chí Y Ngọc - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành.
Thực hiện Quyết định 1521 của Thủ tướng Chính phủ và Kết luận 80, Chỉ thị 32 của Ban Bí thư, thời gian qua, các bộ, ngành, đoàn thể và địa phương, cơ quan, đơn vị đã bám sát điều kiện thực tiễn, dựa trên chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao để triển khai tích cực công tác phổ biến giáo dục pháp luật. Trong đó, các cấp đã xây dựng hiệu quả các mô hình phổ biến giáo dục phù hợp gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị các cấp, giúp người dân thuận tiện tiếp cận, góp phần nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật trong đời sống. Tiêu biểu hàng năm, các cấp đã tổ chức nhiều mô hình hội thi, cuộc thi tìm hiểu pháp luật ở các địa phương từ tỉnh đến cơ sở, thu hút sự tham gia của đông đảo cán bộ, chiến sĩ, nhân dân tham gia. Đề tài của các hội thi tập trung thi viết về “Tìm hiểu Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”; Cuộc vận động “Xây dựng phong cách người công an nhân dân bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ”; các cuộc thi tìm hiểu pháp luật về đất đai; cuộc thi “sáng kiến cải cách thủ tục hành chính và giao dịch điện tử trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế”.
Ở các bộ, ngành, địa phương còn chỉ đạo tích cực công tác triển khai phổ biến, tuyên truyền qua việc đăng tin, bài ở các chuyên trang, chuyên mục, xây dựng các chương trình, phóng sự về phổ biến giáo dục pháp luật trên sóng phát thanh - truyền hình, cổng thông tin điện tử, tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh cơ sở.
Ngoài ra, ở các cấp, địa phương, bộ, ban, ngành còn phối hợp mở các hội nghị, hội thảo, tọa đàm gắn với công tác xây dựng, thi hành và bảo vệ pháp luật; tổ chức lấy ý kiến góp ý, xây dựng các dự án luật, pháp lệnh và các văn bản hướng dẫn thi hành; đẩy mạnh việc thực hiện các nhiệm vụ công tác thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao.
Thông qua các mô hình phổ biến giáo dục pháp luật đa dạng, phong phú trên, các cơ quan quản lý nhà nước còn trực tiếp có cơ hội lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, phát hiện và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, bất cập của người dân, doanh nghiệp xung quanh những vấn đề chưa rõ trong các quy định pháp luật nảy sinh từ thực tiễn. Qua các mô hình hoạt động tích cực, không ít tập thể, cá nhân hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao và được các cấp ghi nhận, tuyên dương, khen thưởng.
Để phát huy hiệu quả công tác phổ biến giáo dục pháp trong thời gian tới, Hội nghị đã thống nhất, một số giải pháp chủ yếu đẩy mạnh triển khai: Các cấp, các ngành cần nâng cao chất lượng tổ chức quán triệt, phổ biến đến các tầng lớp nhân dân và toàn xã hội hiểu, có nhận thức rõ về vị trí, vai trò, ý nghĩa của Hiến pháp và pháp luật trong quản lý đất nước, phát triển xã hội, bám sát theo nội dung, tinh thần Kết luận số 80-KL/TW của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW, cũng như Quyết định số 1521/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Bên cạnh đó, Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật các cấp phát huy đầy đủ vai trò tư vấn định hướng trong lãnh đạo, chỉ đạo triển khai xây dựng các mô hình phổ biến giáo dục pháp luật gắn với triển khai nhiệm vụ được giao; tăng cường trách nhiệm, nâng cao vai trò của cơ quan tư pháp, pháp chế bộ, ngành, đoàn thể, địa phương trong tham mưu giúp thủ trưởng đơn vị liên quan phối hợp với các cơ quan báo chí trong thông tin, truyền thông để nâng cao nhận thức của toàn xã hội về công tác này; tổ chức quản lý, giám sát việc xây dựng, thi hành và bảo vệ pháp luật tích cực ở cơ sở; tổ chức sơ kết, tổng kết có đánh giá những ưu điểm, hạn chế, tác động của từng mô hình. Từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm; phát hiện những vướng mắc, bất cập, những điểm nghẽn để có giải pháp tháo gỡ kịp thời triển khai thực hiện tốt nhất Luật phổ biến giáo dục pháp luật trong thời gian tới.
Mai Trâm