Hội nghị trực tuyến toàn quốc về giải pháp tổng thể thúc đẩy xuất khẩu

23/04/2018 13:58

Sáng 23/4, Văn phòng Chính phủ phối hợp với Bộ Công thương tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc với 63 tỉnh, thành để bàn về các giải pháp tổng thể thúc đẩy xuất khẩu năm 2018. Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc - Uỷ viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ chủ trì hội nghị.

Dự Hội nghị còn có đồng chí Trịnh Đình Dũng - Phó Thủ tướng Chính phủ; lãnh đạo các bộ, ngành, hiệp hội ngành nghề...

Dự hội nghị tại điểm cầu Kon Tum, có đồng chí Lại Xuân Lâm – Tỉnh uỷ viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành liên quan.

Các đại biểu tham dự tại điểm cầu tỉnh Kon Tum. Ảnh: T.H

 

Theo báo cáo của Bộ Công thương, năm 2017 là năm đặc biệt thành công của xuất khẩu, lần đầu tiên kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vượt mốc 200 tỷ USD. Kim ngạch xuất khẩu của cả nước đạt 214 tỷ USD, tăng 21,2% so với năm 2016; 29 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, 20 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 2 tỷ USD và 8 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 6 tỷ USD. Nhóm hàng công nghiệp chế biến tiếp tục là động lực chính trong tăng trưởng xuất khẩu; nhóm hàng nông, thủy sản có sự tăng trưởng tốt; hàng hóa Việt Nam đã tiếp tục khai thác các thị trường truyền thống và mở rộng tìm kiếm, phát triển thêm nhiều thị trường mới...

Mặc dù hoạt động xuất khẩu đã có những chuyển biến tích cực, tuy nhiên năm 2017 vẫn còn có những hạn chế như: tỉ trọng của nhóm hàng điện tử vẫn rất lớn; xuất khẩu vẫn dựa nhiều vào khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; một số mặt hàng thuộc nhóm nông sản, thuỷ sản còn phụ thuộc nhiều vào một vài thị trường chính, đây là rủi ro rất lớn nếu những thị trường chiếm đa số này có biến động...

Đứng trước cơ hội thách thức năm 2018, Bộ Công thương đã đề xuất 3 nhóm giải pháp tổng thể thúc đẩy xuất khẩu năm 2018, bao gồm: Nhóm giải pháp tác động phía cung; nhóm giải pháp tác động phía cầu; nhóm giải pháp có tác dụng hỗ trợ, tác động vào khâu tổ chức xuất khẩu, kết nối giữa cung và cầu.

          Đối với tỉnh ta, trong giai đoạn 2013 – 2017, tình hình xuất khẩu diễn ra trong bối cảnh thị trường thế giới có nhiều biến động, giá cả vật tư nguyên liệu tăng cao, giá một số mặt hàng nông sản tăng giảm bất thường, thị trường xuất khẩu bị thu hẹp, nhưng hoạt động xuất khẩu của tỉnh vẫn đạt được những kết quả đáng khích lệ.

Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu hàng hoá tăng từ  78,07 triệu USD năm 2013 lên 135 triệu USD năm 2017; tốc độ tăng trưởng xuất khẩu bình quân giai đoạn 2013 - 2017 đạt 20%; cán cân thương mại được kiểm soát tốt hơn. Bên cạnh đó, cơ cấu mặt hàng xuất khẩu cũng chuyển dịch theo hướng tích cực; thị trường xuất khẩu ngày càng được mở rộng và đa dạng hơn, không quá tập trung vào thị trường truyền thống là Trung Quốc như giai đoạn trước. Xuất nhập khẩu qua biên giới, xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp trên địa bàn Khu kinh tế cửa khẩu, khu công nghiệp ngày càng được quan tâm chú trọng. Chủ thể tham gia xuất khẩu được mở rộng, các doanh nghiệp chủ động trong việc tìm kiếm thị trường...

Tuy nhiên, xuất nhập khẩu của tỉnh vẫn còn những tồn tại, hạn chế như: Giá trị kim ngạch xuất khẩu, tốc độ tăng trưởng thấp; xuất khẩu chưa thực sự bền vững và thiếu ổn định; xuất khẩu chủ yếu tập trung vào một số thị trường truyền thống. Chất lượng hàng hoá, khả năng đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe về các mặt hàng xuất khẩu còn hạn chế; giá trị hàng hoá của địa phương xuất nhập khẩu qua biên giới chiếm tỷ trọng nhỏ; công nghiệp hỗ trợ, hoạt động logistics chậm phát triển....

Phát biểu kết luận tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần xây dựng định hướng xuất khẩu hàng hoá phù hợp với thị trường; cải cách thể chế, hoàn thiện hành lang pháp lý để tạo môi trường xuất khẩu thông thoáng; tìm ra giải pháp giảm chi phí trong xuất khẩu, nâng cao giá trị hàng hoá xuất khẩu; tăng cường đổi mới công tác thông tin thị trường để hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu; phát huy vai trò của các hiệp hội, ngành nghề. Thủ tướng nhấn mạnh, từ nay đến cuối năm, các bộ, ngành, địa phương cần tập trung thực hiện một số vấn đề chính như: Hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam xây dựng liên kết với khối doanh nghiệp FDI; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; đẩy mạnh ứng dụng logistics; tìm kiếm, mở rộng, chinh phục thị trường; tìm cách xâm nhập vào kênh phân phối của các tập đoàn bán lẻ toàn cầu; trong sản xuất nông nghiệp phải bám sát nhu cầu của thị trường; trong sản xuất công nghiệp cần nâng cao chất lượng hàng hoá; đàm phán để đưa ra những giải pháp cụ thể đối với từng thị trường xuất khẩu; các địa phương cần quan tâm đến khâu kiểm tra chất lượng hàng hoá, xây dựng vùng nguyên liệu...

TH 

Chuyên mục khác