Hội nghị trực tuyến toàn quốc về đảm bảo an toàn trường học và phòng, chống bạo lực học đường

17/04/2019 13:45

Sáng 17/4, Bộ GD&ĐT tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc về đảm bảo an toàn trường học và phòng chống bạo lực học đường. Bộ trưởng Bộ GD&ĐT - Phùng Xuân Nhạ chủ trì hội nghị.

Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Kon Tum có đồng chí Trần Thị Nga - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo Sở GD&ĐT và các cơ sở giáo dục trực thuộc; các sở, ngành liên quan; Phòng GD&ĐT các huyện, thành phố Kon Tum.

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Kon Tum

 

Tại hội nghị, đại diện Bộ GD&ĐT thông tin, thời gian qua, ngành đã tham mưu Thủ tướng, Chính phủ triển khai nhiều văn bản chỉ đạo công tác đảm bảo an toàn trường học và phòng, chống bạo lực học đường như: Nghị định số 80/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường; Quyết định số 1501/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng giai đoạn 2015-2020... Hội nghị cũng đã giới thiệu một số mô hình thực hiện về phòng, chống bạo lực học đường đã được triển khai ở một số nước trên thế giới.

Riêng ở tỉnh Kon Tum, Sở GD&ĐT đã báo cáo, thời gian qua, đơn vị tích cực tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo 530 cơ sở giáo dục trên địa bàn với 10.558 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và tổng số 150.317 học sinh chú trọng đảm bảo an toàn trường học và phòng, chống bạo lực học đường.

Ở các trường học trong tỉnh, đầu các năm học, ban giám hiệu đã tổ chức cho học sinh ký cam kết về việc giữ gìn trật tự an toàn giao thông; tổ chức ký cam kết giữa giáo viên chủ nhiệm với phụ huynh, học sinh về việc “nói không với hành vi bạo lực”; xây dựng kế hoạch, giáo dục lồng ghép về phòng chống bạo lực học đường đến học sinh…. Qua đó, phát huy vai trò của học sinh trong việc ngăn chặn, tố giác hành vi bạo lực xảy ra đối với bản thân, bạn bè để nhà trường và gia đình có biện pháp xử lý kịp thời...

Bộ GD&ĐT cũng nhìn nhận, dù công tác chỉ đạo tăng cường về bảo đảm an toàn trường học và phòng, chống bạo lực học đường đã được triển khai thực hiện toàn quốc, nhưng ở một số địa phương vẫn còn xảy ra không ít vụ bạo lực học đường tạo bức xúc trong dư luận xã hội; làm ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường học tập, sự phát triển cả về thể chất, tinh thần đối với trẻ vị thành niên.

Trong thời gian tới, Bộ GD&ĐT sẽ ban hành Kế hoạch phòng, chống bạo lực học đường. Đối với 63 tỉnh, thành phố, Sở GD&ĐT tham mưu địa phương xây dựng kế hoạch đẩy mạnh triển khai các văn bản chỉ đạo của các cấp góp phần đảm bảo an toàn trường học, phòng, chống bạo lực học đường.

Trong đó, tăng cường tuyên truyền, giáo dục về đạo đức lối sống, giá trị sống, kỹ năng sống, kỹ năng phòng tránh bạo lực học đường, an toàn trường học cho học sinh và đội ngũ giáo viên, nhân viên phụ trách công tác này.

Các trường học cần có đề xuất các cấp chính quyền địa phương, sở ngành liên quan ký kết, chỉ đạo thường xuyên phối hợp chung tay của gia đình, nhà trường và xã hội góp phần hạn chế tình trạng bạo lực học đường.

Các cơ sở giáo dục phải xây dựng và công khai, thực hiện nghiêm túc bộ quy tắc ứng xử văn hóa trong cơ sở giáo dục có sự tham gia của người học, phụ huynh; thiết lập kênh tiếp nhận thông tin liên quan với hình thức hộp thư góp ý, đường dây nóng và các hình thức khác để xử lý kịp thời vụ việc xảy ra.

Ngoài ra, các trường học phải thường xuyên thực hiện công tác tư vấn, trợ giúp người học; trao đổi thông tin với gia đình người học và cộng đồng trong việc bảo đảm an toàn tính mạng, thân thể, nhân phẩm, danh dự và bí mật đời sống cá nhân; xây dựng, thực hiện quy tắc ứng xử văn hóa trong nhà trường, quy định cụ thể mối quan hệ, ứng xử đúng mực, thân thiện giữa cán bộ, nhà giáo, nhân viên và học sinh; giới thiệu, nhân rộng các mô hình, tấm gương về làm tốt công tác ngăn ngừa, phòng, chống bạo lực học đường...  

Tin, ảnh: Mai Trâm

Chuyên mục khác