Hội nghị trực tuyến toàn quốc về Chính phủ điện tử

24/07/2019 09:27

Ngày 23/7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử với các Ban Chỉ đạo xây dựng Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử bộ, ngành, địa phương trong toàn quốc. Dự Hội nghị có đồng chí Trương Hòa Bình - Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; Vũ Đức Đam - Phó Thủ tướng Chính phủ; lãnh đạo các bộ, ngành và các tỉnh, thành phố.
Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu của tỉnh. Ảnh: TN

 

Dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Kon Tum có đồng chí Nguyễn Văn Hòa - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo Chính quyền điện tử tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành liên quan là thành viên Ban Chỉ đạo.

Từ đầu năm 2019, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương xác định năm 2019 là năm bứt phá trong xây dựng Chính phủ điện tử (CPĐT); trong đó, tập trung vào việc hoàn thiện thể chế, triển khai thử nghiệm và đưa vào vận hành một số hệ thống thông tin nền tảng CPĐT. Và, để thúc đẩy xây dựng CPĐT hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế và xã hội số, ngày 7/3/2019, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 17/NQ-CP về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển CPĐT giai đoạn 2019-2020, định hướng đến 2025.

Với tinh thần chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, đến nay, 100% các bộ, cơ quan ngang bộ và 62/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (còn thiếu Thành phố Hồ Chí Minh) đã thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng CPĐT, chính quyền điện tử; 100% các bộ, ngành và 32/63 địa phương đã ban hành kế hoạch triển khai Nghị quyết 17.

Tại thời điểm hiện nay, đã vận hành được một số hệ thống có ý nghĩa của Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử như Trục liên thông văn bản Quốc gia phục vụ gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước và hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ. Các nội dung lớn của Cổng dịch vụ công Quốc gia cũng đang được thực hiện; công tác bảo đảm an toàn, an ninh được nhận thức đầy đủ hơn và có những cải thiện tích cực.

Tại hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận về tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết 17, đặc biệt là những cách làm hay, hiệu quả; những khó khăn, vướng mắc trong triển khai CPĐT, chính quyền điện tử; bàn giải pháp bảo đảm sự thống nhất về cách làm, sự kết nối đồng bộ giữa Trung ương và địa phương; vấn đề bảo đảm an ninh, an toàn tuyệt đối trong xây dựng CPĐT.

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng đây là công việc mới, việc khó, nên thường xuyên tổng kết, sơ kết rút kinh nghiệm; quyết tâm xây dựng Chính phủ điện tử.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương huy động, ưu tiên nguồn lực triển khai các nhiệm vụ xây dựng CPĐT theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; gương mẫu, đi đầu trong việc sử dụng chữ ký số cá nhân để phê duyệt các hồ sơ, văn bản điện tử và chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về tiến độ triển khai, chất lượng công việc.

Ngoài ra, các bộ, ngành, địa phương cần tăng cường bảo đảm hạ tầng kỹ thuật, nâng cấp, hoàn thiện phần mềm quản lý văn bản và điều hành, tích hợp giải pháp dịch vụ ký số của Ban Cơ yếu Chính phủ bảo đảm đúng quy trình, thể thức, giá trị pháp lý của văn bản điện tử; triển khai thực hiện ký số tất cả các văn bản điện tử gửi, nhận trên Trục liên thông văn bản Quốc gia (trừ văn bản mật).

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc lưu ý, các bộ, ngành, địa phương cần tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đặc biệt là cán bộ văn thư, lưu trữ để bảo đảm văn bản gửi trên Trục liên thông văn bản Quốc gia đúng thể thức, đúng thẩm quyền, giá trị pháp lý, đầy đủ nội dung đính kèm và tuân thủ về thời gian gửi, nhận văn bản; khẩn trương xây dựng, hoàn thiện cổng dịch vụ công, hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh, kết nối với Cổng dịch vụ công Quốc gia; hoàn thành cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 theo danh mục đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt...

Thảo Nguyên

Chuyên mục khác