Hội nghị trực tuyến toàn quốc về an toàn thực phẩm

11/01/2020 14:27

Sáng 11/1, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về an toàn thực phẩm.
Các đại biểu tham dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh. Ảnh: TH

 

Dự Hội nghị có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam; lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo 63 tỉnh, thành phố trong cả nước.

Dự Hội nghị tại điểm cầu Kon Tum có đồng chí Trần Thị Nga - Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành liên quan.

Hội nghị tập trung đánh giá kết quả thực hiện Chỉ thị 13/CT-TTg (ngày 9/5/2016) của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, 3 năm qua, với sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự  nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương, công tác đảm bản an toàn vệ sinh thực phẩm có những chuyển biến tích cực, rõ nét.

Từ năm 2017 - 2019 cả nước có 3,3 triệu cơ sở, hộ gia đình ký cam kết và thực hiện sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn. Hoạt động thanh tra, kiểm tra được triển khai đồng bộ, quyết liệt từ Trung ương đến địa phương, có sự vào cuộc của các cấp, các ngành chức năng và đoàn thể theo các chương trình phối hợp, nhất là trong các dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán, mùa du lịch, lễ hội, Tết Trung thu...

Các bộ, ngành và các cơ quan quản lý an toàn thực phẩm đã thành lập và vận hành có hiệu quả đường dây nóng để tiếp nhận thông tin và xử lý các vấn đề về an toàn thực phẩm. Chế tài xử lý vi phạm đã tăng cao.

Trong 3 năm qua, số cơ sở thanh tra, kiểm tra trung bình là 712.960/năm; trong đó, số cơ sở bị xử lý là 55.207/năm, số tiền xử phạt trung bình/năm là 187,8 tỷ đồng...

Thực hiện Chỉ thị 13/CT-TTg, từ năm 2017 - 2019, các cơ quan chức năng đã khởi tố 28 vụ vi phạm với 42 bị can về tội vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm và buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm...

Các địa phương tích cực chỉ đạo phát triển sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng thực phẩm sạch, an toàn thông qua các giải pháp quy hoạch các vùng chuyên canh, thúc đẩy áp dụng các công nghệ cao, quy trình quản lý chất lượng tiên tiến VietGAP, GlobalGAP,HACCP trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm thu hút được sự tham gia của nhiều doanh nghiệp và tập đoàn lớn.

Mạng lưới kinh doanh thực phẩm, đặc biệt là hệ thống phân phối thực phẩm có kiểm soát đã phát triển mạnh mẽ về số lượng và chất lượng; giúp người dân dễ dàng tiếp cận với các sản phẩm nông sản sạch và an toàn; 55/63 tỉnh, thành phố xây dựng được mô hình chợ thí điểm an toàn thực phẩm...

Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ Y tế, thách thức lớn nhất hiện nay là sản xuất nhỏ lẻ với nhiều nguy cơ về an toàn thực phẩm, đòi hỏi phải tiếp tục tuyên truyền vận động và nhất là thúc đẩy việc hợp tác, liên kết sản xuất quy mô lớn, chuyên canh, áp dụng quy trình tiên tiến. Việc kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm, đặc biệt là các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, trong khu dân cư không đảm bảo an toàn thực phẩm vẫn hết sức khó khăn; thói quen lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, tình trạng thuốc bảo vệ thực vật không bảo đảm chất lượng, không rõ nguồn gốc vẫn còn...

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh công tác an toàn vệ sinh thực phẩm là nội dung đặc biệt quan trọng, liên quan trực tiếp đến sức khỏe của nhân dân. Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần nêu cao hơn nữa trách nhiệm đối với việc đảm bảo an toàn thực phẩm hiện nay, nhất là thời điểm Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 đang cận kề.

Thủ tướng đề nghị các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố tăng cường chỉ đạo cơ quan chức năng thực hiện nghiêm túc, đầy đủ trách nhiệm quản lý nhà nước đối với lĩnh vực an toàn thực phẩm; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về an toàn thực phẩm; khẩn trương triển khai hệ thống thông tin an toàn thực phẩm để kết nối với các dữ liệu Quốc gia, tạo công cụ hữu hiệu cho công tác quản lý dữ liệu của cộng đồng và hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh; đẩy mạnh thông tin, truyền thông, nâng cao nhận thức của người dân về an toàn thực phẩm.

Bộ Y tế cần tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm, phụ gia, chất hỗ trợ chế biến; phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông xử lý nghiêm, công khai các tổ chức, cá nhân vi phạm về quảng cáo thực phẩm theo quy định; tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật về an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Thùy Hương

 

 

Chuyên mục khác