Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 10 năm thực hiện Đề án “An ninh lương thực quốc gia đến năm 2020”

18/03/2020 16:14

Sáng 18/3, tại Thủ đô Hà Nội, Văn phòng Chính phủ phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 10 năm thực hiện Kết luận số 53-KL/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 63/NQ-CP của Chính phủ về Đề án "An ninh lương thực quốc gia đến năm 2020".
Quang cảnh Hội nghị tại điểm cầu Hà Nội. Ảnh: Chinhphu.vn

 

Dự Hội nghị tại điểm cầu Hà Nội có các đồng chí: Nguyễn Xuân Phúc - Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ; Nguyễn Văn Bình - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương.

Tham dự Hội nghị tại điểm cầu Kon Tum có các đồng chí: Nguyễn Văn Hòa - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Kring Ba - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh, cùng lãnh đạo các sở, ngành có liên quan.

Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Hội nghị cho biết, sau 10 năm thực hiện, Đề án đạt được nhiều kết quả tích cực. Cụ thể, 12 chỉ tiêu đã đạt và vượt so với mục tiêu đề ra; trong đó đáng chú ý diện tích đất lúa cả nước năm 2018 đạt trên 4,159 triệu ha (vượt mục tiêu đề ra tại Nghị quyết là 3,76 triệu ha), sản lượng lúa năm 2019 đạt 43,4 triệu tấn (vượt mục tiêu đề ra 41-43 triệu tấn), xuất khẩu gạo năm 2019 đạt 6,34 triệu tấn (vượt mục tiêu đề ra 4 triệu tấn).

Giai đoạn 2009-2019, thu nhập bình quân đầu người/năm ở nông thôn đã tăng 4,3 lần; khoảng cách thu nhập giữa thành thị và nông thôn thu hẹp từ 2,1 lần xuống còn 1,8 lần. Nông nghiệp có tốc độ tăng trưởng khá cao (đạt 2,61%/năm); năng suất lúa của Việt Nam cao nhất Đông Nam Á, đạt 5,6 tấn/ha, gần gấp đôi so với Thái Lan và gấp 1,5 lần so với Ấn Độ...

Giá trị và sản lượng nhiều nông sản đều tăng mạnh (giai đoạn 2009-2019, lương thực bình quân đầu người tăng từ 497 kg/năm lên trên 525 kg/năm; sản lượng rau quả tăng trưởng nhanh (tăng 80,5%), từ 9,75 triệu tấn lên 17,6 triệu tấn; sản lượng trái cây tăng từ 6 triệu tấn lên 12,6 triệu tấn). Xuất khẩu hàng nông sản được tiếp tục đẩy mạnh, có 7 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD/năm, bình quân mỗi năm xuất khẩu khoảng 5-7 triệu tấn gạo.

Xuất hiện nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ được đầu tư phát triển; góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, giải quyết việc làm, giảm nghèo. Việt Nam có khả năng đảm bảo tự cung lương thực với sản lượng lương thực bình quân tính trên đầu người ở mức tương đối cao...

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương các bộ, ban, ngành, địa phương đã triển khai thực hiện có hiệu quả Kết luận số 53-KL/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 63/NQ-CP của Chính phủ về Đề án "An ninh lương thực quốc gia đến năm 2020".

Thủ tướng đánh giá, trước đây Việt Nam là đất nước thiếu ăn, nhưng đến nay, lương thực bình quân đầu người đạt trên 525kg, là 1 trong 3 nước đứng đầu thế giới về xuất khẩu lương thực; cụ thể là gạo đạt từ 6,5 đến 7 triệu tấn/năm. Với việc Việt Nam ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ và công tác nghiên cứu vào sản xuất nông nghiệp, nước ta đã có thương hiệu gạo ngon nhất thế giới được công nhận trong năm 2019. Cùng với đó, đời sống người nông dân được cải thiện tốt, lợi nhuận người trồng lúa đạt tối thiểu 30% so với giá thành sản xuất.

Thủ tướng đề nghị, trong thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp, đảm bảo đáp ứng đầy đủ nhu cầu lương thực, thực phẩm cả về số lượng, chất lượng cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Tiếp tục nâng cấp và hiện đại hóa kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn phục vụ sản xuất lương thực thực phẩm và đời sống nhân dân. Nâng cao trình độ nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ; gia tăng chế biến để nâng cao năng suất, chất lượng lương thực, thực phẩm.

Thủ tướng chỉ đạo, các bộ, ngành, địa phương chú trọng đổi mới, nâng cao chất lượng công tác đào tạo nguồn nhân lực của ngành nông nghiệp nhằm đáp ứng yêu cầu của nền nông nghiệp hiện đại, cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0; đặc biệt, quan tâm đào tạo các ngành nghề phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, hữu cơ, bao gồm cả lương thực và an ninh lương thực. Đổi mới và phát triển kinh tế hợp tác, trọng tâm là hợp tác xã nông nghiệp, hỗ trợ hợp tác, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị nhằm góp phần ổn định an ninh lương thực quốc gia và tăng thu nhập cho thành viên hợp tác xã. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong lĩnh vực an ninh lương thực; đặc biệt đối với các lĩnh vực mang tính khu vực và toàn cầu, xuyên quốc gia; tập trung tháo gỡ rào cản kỹ thuật, phát triển thị trường xuất khẩu lương thực, thực phẩm ra thị trường quốc tế.

 Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, các nhà khoa học đánh giá lại kết quả đạt được và hạn chế, đưa ra những giải pháp trong sản xuất lương thực; tính toán cần giữ diện tích lúa bao nhiêu, ở mức nào cho hợp lý để bảo đảm an ninh lương thực, phát huy hiệu quả của nền nông nghiệp nhiệt đới; đầu tư giống, cơ sở hạ tầng, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghiệp chế biến, bảo quản, nâng cao hiệu quả xuất khẩu, sản lượng lớn nhưng phải đi kèm với chất lượng.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, hiện nay, tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, Chính phủ đang tập trung mọi biện pháp để phòng, chống dịch; yêu cầu lãnh đạo 63 tỉnh, thành phố thực hiện nghiêm chỉ đạo của Ban Bí thư, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ về thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ chống dịch; đây là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của Đảng, Nhà nước, vì dịch bệnh ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng của người dân. Song song với đó, nhiệm vụ kép hiện nay là phải chống dịch tốt, giữ ổn định đời sống nhân dân, nhịp độ sản xuất cũng như các hoạt động xã hội khác của đất nước. Do đó, ổn định an ninh lương thực là nhiệm vụ cực kỳ quan trọng trong bất cứ tình huống nào.

Thủ tướng cho biết, từ các ý kiến tại Hội nghị này, các cơ quan chức năng sẽ xây dựng dự thảo văn bản trình Bộ Chính trị về an ninh lương thực thời gian đến và trình Quốc hội một dự thảo nghị quyết về vấn đề này.

Quang Định

 

 

 

Chuyên mục khác